Khi ba có “bồ”… Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Cả lớp rồng rắn thành hàng dài trên phố, tiếng nói cười xôn xao cả góc đường. Giờ tan tầm, Thoa bắt gặp những dáng vẻ hối hả, tất bật của những ông bố, bà mẹ… Chợt nghĩ đến ba mẹ, và thấy thương ba mẹ vô cùng, vì quả thực rất hiếm khi ba mẹ Thoa có thể về nhà sớm như họ. Thoa ước sao ba mẹ cũng giống như những con người bình dị kia. Thoa khẽ mỉm cười và tự xấu hổ vì mong ước trẻ con của mình.
Ngang qua chợ Âm phủ, được lệnh của gã bí thư lắm trò, cả lớp dừng lại sát hè đường, chờ tụi con trai mua cóc “đãi” chị em. Cả lũ con gái mỉm cười sung sướng. Bỗng Thoa thoáng thấy dáng ba phía trước, “Đúng là biển xe nhà mình rồi. Chà chà, ba vào chợ làm gì thế này, ở nhà có bao giờ thấy ba chợ búa gì đâu nhỉ?” Thoa tò mò tự hỏi. Nhấn thêm mấy vòng pê đan, Thoa tính đạp xe lại chỗ ba, vừa để xin phép đi chơi với bạn, vừa tìm hiểu xem ba cần mua gì. Chưa kịp đến nơi, Thoa bỗng khựng lại khi thấy một dáng áo xanh nhỏ nhắn từ hàng hoa quả bước ra, ngồi lên yên xe ba, ba khẽ quay lại cười cười và nói gì đó mà nó nghe không rõ. Rồi chiếc xe rồ ga, lướt vào dòng người hối hả, cô gái vòng tay qua eo và ôm chặt lấy ba. Bàng hoàng, Thoa sững người. Ai thế nhỉ? Tại sao lại đi với ba vào giờ này? Chẳng phải ba thường làm việc rất muộn sao? Hay ba đi thăm ai ốm? Những câu hỏi liên tiếp ùa về trong tâm trí Thoa khiến nó bối rối, trán lấm tấm mồ hôi, mặt đỏ bừng.
Hình ảnh cô gái quàng tay ôm xiết lấy ba cứ ám ảnh Thoa mãi. Đến nối mà Thoa cứ mãi mân mê chiếc vỏ ốc trên tay khiến lũ bạn ồ lên vì ngạc nhiên. Không ai hiểu được vì sao hôm nay cái Thoa lãng mạn lại trầm tư như thế, không thấy tìm tòi và khám phá những bí ẩn của món ốc luộc hồ Tây như mọi khi.
Vài ngày, thậm chí hàng tuần sau, Thoa cũng không thể nào dứt bỏ được những câu hỏi đó. Thoa bắt đầu dò hỏi mẹ về công việc của ba, và thi thoảng trong bữa cơm, Thoa cũng hỏi ba về những chuyện đó, rằng sao ba hay về nhà muộn thế, cơ quan không cho ba mang việc về nhà làm thêm buổi tối sao mà cứ phải ở lại khuya? Lần nào, mẹ cũng âu yếm nhìn nó và bảo: “Ba mẹ vất vả là để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Ráng mà học, đừng có phụ công ba mẹ”.
Không kiềm chế được sự tò mò, Thoa quyết định sẽ tìm hiểu cho ra lẽ chuyện hôm trước. Nhưng Thoa không dám hỏi thẳng ba. Nó sợ… Sợ cái gì nhỉ? Thoa cũng chẳng biết rõ. Dù sao nó cũng đã có cách rồi. Trống đánh hết tiết, Thoa nhanh chóng lấy xe trở về nhà. Chẳng kịp thay đồ, nó vồ lấy điện thoại, gọi điện đến văn phòng cơ quan ba. Bốn, năm hồi chuông lạnh lùng vang lên,… cuối cùng cũng có người nhấc máy. Nó nhẹ nhàng xin phép được gặp ba, thật bất ngờ, tiếng cô gái ở đầu dây vang lên: “Chú Dũng không có ở cơ quan, hết giờ làm việc rồi em ạ. Em có nhắn gì không?”. Nó lí nhí hỏi tiếp: “Chị ơi, hôm nay chú Dũng có phải đi họp hay tiếp khách ở đâu không?”, nó nghe tiếng lật sổ, “Không em ạ, hôm nay không có cuộc họp nào ngoài giờ hết”. Đặt máy, nó ngồi thừ ra và có ý chờ đợi. Nửa tiếng rồi một tiếng trôi qua, vẫn không thấy ba về. Nó đứng lên khi nghe tiếng mẹ: “Mẹ ơi, mấy giờ thì ba về?”. “Sao thế con? Hôm nay ba bảo sẽ về muộn và không ăn cơm nhà, chỉ có ba mẹ con mình thôi. Con tắm cho em Bi đi để mẹ nấu cơm. Có chuyện gì à?”, tiếng mẹ dịu dàng. Nó bối rối lắc đầu. Tối muộn ba mới về, trông có vẻ vui lắm, nó lại gần, hỏi ba: “Hôm nay ba lại phải họp ngoài giờ ạ?”. “Ừ, mệt quá, hôm nay cơ quan ba có đoàn khách đến làm việc. Phải mời họ đi ăn, con ạ. Cứ làm việc thế này thì chết mất. Sao con, có bài khó à?”. “Không ạ!”, nó lí nhí và trở về phòng.
Nó bắt đầu theo dõi sát sao giờ giấc đi về của ba, ngày nào nó cũng gọi điện đến hỏi xem ba có phải đi họp gì không. Để tránh bị lộ, hôm thì Thoa bắt cu Bi cầm máy, hôm thì nhờ Trung, cậu bạn thân, gọi giúp. Sau một tháng, nó phát hiện thấy, ba thường “biến mất” vào tối thứ ba và thứ sáu, thỉnh thoảng vào tối thứ bảy. Nó lên kế hoạch thật chi tiết.
Thứ ba, vờ đau bụng, nó xin phép cô chủ nhiệm về sớm một tiết và vội vã đạp xe ra trước cổng chợ Âm phủ đợi. Nó căng mắt ra nhìn, tim đập thình thịch, cuối cùng, cái mà nó chờ đợi nhưng không mong muốn cũng diễn ra. Lại là ba và người phụ nữ nhỏ nhắn hôm trước. Nó lặng người và thấy chới với, nó cố đạp xe đuổi theo, nhưng không kịp, chiếc xe đưa ba và người phụ nữ lạ mặt đó biến mất nơi góc đường. Nó chầm chậm quay lại hàng hoa quả, chọn mua mấy quả xoài và nhân tiện hỏi bà bán hàng phúc hậu: “Bà ơi, hai cô chú vừa mua dưa ở hàng bà có hay qua đây không?”. “Hai cô chú nào hả cháu? À cái cô xinh xinh vừa mua dưa đó hả, hay mua lắm, tuần cũng vài lần, cô ấy chỉ thích ăn dưa của hàng bà thôi. Cháu quen họ à?”. “Dạ, không ạ, cháu thấy cô ấy giống một người quen cũ nên hỏi thôi, bà đừng nói gì nhé”. Tiếng bà lão bán hàng đon đả: “Được rồi, bà không nói gì đâu. Thế nhưng nếu cháu thấy quen quen sao không hỏi một tiếng, nhỡ đúng là người mà cháu tìm thì sao?” “Thôi bà ạ, không cần đâu ạ. Cháu chỉ hỏi chơi thôi. Cháu cảm ơn bà”.
Thứ sáu, nó quay lại chợ, lần này, nó đã cẩn thận gửi xe và thuê một bác xe ôm đợi sẵn, nó dặn bác xe ôm cứ đi theo chiếc xe phía trước. Nó cảm thấy căng thẳng và ngột ngạt kinh khủng, độ mười phút phóng xe, ba rẽ vào một con ngõ nhỏ dừng lại trước một căn nhà xinh xắn có giàn hoa tigôn tuyệt đẹp và vào trong đó. Nó bảo bác xe ôm lướt qua và ghi lại số nhà. Nó quay lại chợ lấy xe đạp rồi rẽ vào bưu điện, gọi vào máy di động của ba. Tiếng ba ở đầu dây, nó nói một mạch: “Ba ơi, con bị hỏng xe, mà con lại quên mang tiền. Ba đón con với”. Im lặng một lát, rồi ba nó bảo: “Con dắt tạm xe về nhà được không, ba đang họp, không đón con được. Hay con nói xem con đang ở đâu để ba gọi điện bảo mẹ đón con, được không?”. Nó giận dỗi đặt máy. Những giọt nước mắt ngắn dài rơi xuống gò má. “Dối trá!”, nó bật thành tiếng.
Từ hôm đó, nó không thể nào tập trung vào học. Những bài toán cứ nhảy nhót trước mắt nó. Hình tượng về ba bấy lâu nay trong lòng nó đổ ụp, tan như bong bóng. Nó thấy ghét ba kinh khủng. Nhiều lúc nó chỉ muốn gào lên với ba: “Ba có thôi ngay chuyện tồi tệ đó không? Mẹ con con đã làm gì mà ba lại đối xử như vậy?”. Những những lời uất nghẹn đó cứ mắc lại nơi cổ họng, không thể cất thành lời.
Nhìn nó phờ phạc đi thấy rõ. Mẹ càng quan tâm, săn sóc nó hơn. Nó thương mẹ vô cùng, nó chỉ muốn nói cho mẹ biết, để mẹ cho người phụ nữ xấu xa đó một trận và kéo ba trở về gia đình. Nhưng nó cũng không thể, nó sợ mẹ không chịu đựng nổi chuyện này. Nó sợ mẹ không tha thứ cho ba, trời ơi, như thế gia đình nó sẽ tan mất… Nó không muốn. Nó cứ lầm lũi và im lặng, lúc nào cũng canh cánh trong lòng mặc cảm lừa dối mẹ. Nó hối hận, nó ước, thà nó không biết chuyện đó còn hơn, nó ghét cái buổi chiều ăn ốc hồ Tây đó, nó ghét cậu lớp trưởng…."
Hà Linh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00