''HIV không giết người nhanh bằng sự kỳ thị'' Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình, nhưng chính sự kỳ thị của cộng đồng mới khiến người bệnh chết nhanh hơn... Đây là hai thông điệp lớn của Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS đang diễn ra tại thủ đô của Mỹ.
Tại hội nghị quốc tế lần thứ 19 về căn bệnh này, hơn 800 học giả và 300 nhà hoạt động xã hội từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra nhiều tham luận, với các thông điệp chung được truyền tải như sau:
Mỗi ngày có gần 5.000 người chết vì AIDS và 7.000 người nhiễm mới
Tính đến thời điểm này, trên toàn thế giới đã có 65 triệu người nhiễm HIV. Khoảng 30 triệu người đã chết vì bệnh cơ hội liên quan tới AIDS. Tuy nhiên, số tử vong đang có xu hướng giảm dần từ năm 2010.
Nam và Đông Nam Á là khu vực có số người nhiễm HIV cao thứ 2 thế giới với con số 4 triệu, chiếm 12% tổng số toàn cầu, chỉ sau các quốc gia thuộc tiểu sa mạc Sahara.
Nhóm MSM (quan hệ đồng tính nam) là thách thức mới
Quan hệ tình dục đồng tính nam được các chuyên gia tại hội nghị đánh giá là thách thức mới trong việc ngăn chặn sự lây lan của HIV và cần phải được tập trung mạnh mẽ. Nguy cơ lây nhiễm của nhóm này cao thứ 3 sau mại dâm và tiêm chích ma túy. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thì nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ đồng giới cao gấp gần 20 lần.
Thách thức đặt ra là nhóm này rất khó kiểm soát bởi họ không muốn công khai và ít được tiếp cận thông tin tình dục an toàn. Bên cạnh đó là sự kỳ thị mạnh mẽ hơn so với đối tượng đồng tình nữ. Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng khuyến khích những người đồng tính nam hãy “nói ra” tình trạng của mình để được hỗ trợ về y tế và xã hội.
Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình
Một trong những thông điệp mới tại Hội nghị đó là: HIV/AIDS không kinh khủng như những gì chúng ta nghĩ nhưng thực sự kinh khủng như những gì chúng ta nhìn thấy và nhiễm HIV là một điều khủng khiếp nhưng không đồng nghĩa với án tử hình.
Nếu bị nhiễm HIV thì bạn hãy đối mặt với thách thức và coi nó là một căn bệnh mãn tính khó lây và dễ phòng tránh. Một người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt thì có thể sống khỏe tới hơn 10 năm, thậm chí 20 năm. Những con số qua các năm cho thấy các ca tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS cũng đang giảm xuống. Sẽ ngày càng có nhiều người nhiễm được chữa trị. 15 triệu người sẽ được chữa trị vào năm 2015, hiện nay con số này là 8 triệu.
HIV không giết chết người nhanh bằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử
Sự phân biệt đối xử có thể giết chết người nhiễm HIV trong 3 ngày, còn virus HIV thì không thể. Sự phân biệt đối xử và kỳ thị là "virus" nguy hiểm nhất giết chết người nhiễm bệnh chứ không phải là bệnh.
Sẽ là tội ác khi để sự phân biệt đối xử, chê trách còn tiếp tục. Sự kỳ thị những người nhiễm HIV luôn nghiêm trọng ở khắp các châu lục. Ngay tại Mỹ, trước năm 2009, chính quyền không cho phép người nhiễm HIV đến Mỹ và nhận ra rằng việc này chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Người bệnh sẽ lo sợ, che giấu và nguy cơ lây lan càng cao hơn, sự kiểm soát, điều trị sẽ càng khó khăn hơn.
Cách tốt nhất để ngăn chặn virus HIV vẫn là sử dụng bao cao su
Sử dụng bao cao su là biện pháp đơn giản, hữu hiệu nhất và chi phí thấp nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus HIV. Đó là ý kiến của tất cả các chuyên gia và chính khách tham dự hội nghị.
"Đã đến lúc tất cả chúng ta phải sử dụng bao cao su. Cách này thật đơn giản để ngăn chặn sự lây lan của HIV", tiến sỹ Michel Sidibé, Giám đốc cơ quan Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Truyền thông cần thay đổi cách tuyên truyền về HIV/AIDS
Hơn 60% những người biết về HIV/AIDS trên toàn thế giới không phải từ nhà trường, sách vở, lại càng không phải từ bác sĩ mà từ chính báo chí, truyền thông. Truyền thông đã thành công trong việc thông tin về căn bệnh nhưng cách tuyên truyền cần phải thay đổi. Một chiếc đầu lâu xương chéo, một con virut HIV được thể hiện một cách gớm ghiếc không phải là cách tuyên truyền tốt về bệnh. Cũng không ai gọi việc nhiễm HIV là án tử hình hay căn bệnh thế kỷ nữa.
Những tín hiệu lạc quan và tiến bộ mới nhất trong y học
Rất nhiều tham luận được đưa ra tại hội nghị cho thấy: Trong thời gian tới, số người nhiễm mới và chết vì HIV/AIDS được dự báo là có thể dừng lại hoặc giảm xuống vì những tiến bộ y học ngăn bệnh lây lan: Sử dụng liệu pháp Antiretroviral (viết tắt là ART) cho bạn tình dương tính với HIV có thể ngăn chặn đáng kể được việc lây lan virus. Nếu sử dụng sớm cho người bị nhiễm thì khả năng ngăn chặn có thể lên tới 96%. Bên cạnh đó, việc sử dụng liệu pháp ART có thể giúp giảm bớt bệnh tật liên quan đến HIV và kéo dài sự sống.
Lần đầu tiên sau 30 năm phòng chống HIV/AIDS, một loại thuốc giúp người khỏe mạnh có thể phòng chống HIV/AIDS đã được đưa vào sử dụng. Đó là thuốc Truvada. Người khỏe mạnh uống loại thuốc này có thể chống lại việc lây nhiễm HIV từ bạn tình. Thời gian tới, loại thuốc này có thể được sử dụng rộng rãi hơn.
Vắcxin phòng chống HIV cũng đang được tập trung nghiên cứu. HVTN là loại vắcxin tiềm năng đã được tìm hiểu từ 2009 và dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2013. Bên cạnh đó, uống thuốc ARV thường xuyên và đúng phác đồ vẫn được đánh giá là cách hữu hiệu để kiềm chế sự phát triển của virus HIV.
Minh Nguyệt
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00