Ghen v?i nàng dâu Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Sao mẹ anh ấy không chịu hiểu cho mình?
Trước đây, Hoa - một nhân viên trang điểm cô dâu của cửa hàng áo cưới trên phố Thái Thịnh (Hà Nội) luôn cười khi các bạn trêu đùa: “Sau này mà lấy Dũng, thì phải biết hóa giải cơn ghen của mẹ chồng nhé, không thì khổ lắm”. Nghe tưởng chừng như vô lý, nhưng cũng phải cho đến tận bây giờ, sau khi đã chính thức trở thành con dâu trong nhà, điều đó đối với Hoa lúc nào cũng là cảm giác sợ hãi.
Bố chồng mất từ khi Dũng còn nhỏ, mọi tình thương mẹ chồng Hoa dành cả cho Dũng chứ không đi thêm bước nữa. Nhận thức được công lao của mẹ hy sinh cả cuộc đời cho mình, Dũng cũng yêu mẹ và luôn làm hài lòng mọi cái bà muốn.
Tuy nhiên, sau khi có vợ thì sự quan tâm của anh còn dành thêm cho Hoa khiến bà không hài lòng. Hoa không phải đi trang điểm cho các cô dâu ở tỉnh xa vì cô là thợ giỏi của cửa hàng.Mỗi khi vào mùa cưới, nhờ danh tiếng của cửa hàng và do tay nghề cao nên những cô dâu đã qua Hoa trang điểm luôn giới thiệu bạn mình đến và yêu cầu người trang điểm là Hoa. Chính vì vậy, có những hôm Hoa phải đến chỗ làm từ rất sớm bởi có những cô dâu ở ngoại tỉnh bắt xe từ tinh mơ về Hà Nội để được đẹp nhất trong ngày trọng đại của mình.Dũng không yên tâm để vợ đi làm một mình, cũng dậy theo vợ và đưa Hoa đi, càng làm cho mẹ Dũng khó chịu hơn về Hoa. Luôn kiếm đủ mọi cớ đau ốm, mẹ Dũng một mực chỉ muốn anh vào phòng chăm sóc chứ không cần đến con dâu, rồi lại đi than thở rằng Hoa chỉ biết đi “vẽ son phấn” cho mặt người khác đẹp chứ không biết chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Có lúc thấy mẹ cũng không phải, Dũng nói lại thì bà giận dỗi rồi mua nồi nấu cơm ăn riêng, Hoa xin thế nào cũng không được. Bà còn cho rằng cô xúi bẩy chồng hắt hủi mẹ. Năn nỉ mẹ, rồi lại phân tích cho chồng xin lỗi mẹ để bà bà nguôi giận, ăn cơm chung cùng với các con mà vẫn bị mẹ cho là không tốt, Hoa chỉ biết khóc một mình.
Làm tại Bưu điện quận Cầu Giấy (Hà Nội), Bích cũng là nàng dâu trong một gia đình chỉ “một mẹ, một con”. Dù đã biết trước rằng mẹ Tuân là người khó tính, nhưng vì yêu anh và cô cũng cho rằng khi mình luôn tâm niệm sẽ coi mẹ chồng như mẹ đẻ thì sao bà ghét được. Nhưng không phải chỉ đơn giản như thế. Mẹ Tuân luôn ra mặt cảm giác sợ cô con dâu “chiếm” mất con trai mình.
Những khi có Tuân ở nhà, bà không tỏ thái độ gì, nhưng khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, cơm bà cũng không thích ngồi ăn chung cùng con dâu. Thỉnh thoảng, mua biếu bà bộ quần áo, trước mặt hai vợ chồng bà vẫn nhận nhưng lại không mặc bao giờ. Khổ nỗi, Tuân không hiểu vợ, lại nghĩ Bích hẹp hòi nói xấu mẹ mình, bởi anh không thấy mẹ phàn nàn gì về Bích với anh.
Tình cảm hai vợ chồng vô hình chung có sự xung khắc, Bích mệt mỏi vì phải chứng kiến cách đối xử “kỳ cục” của mẹ chồng. Cô chán nản khi cảm thấy chồng không chịu hiểu mình một chút. Tuân hiểu lầm vợ, nên cũng không thiết về nhà đúng giờ sau những lúc hết giờ làm. Anh tụ tập cùng bạn bè và bỏ bữa thường xuyên hơn; Bích cũng kệ. Mẹ Tuân lúc này trì chiết Bích không biết “xây tổ ấm”.
Cho đến hôm chính tai Tuân nghe được mẹ ngồi nói chuyện qua điện thoại với bác của mình, bà cho rằng “Một lần da, bằng ba lần thịt”, không việc gì phải dễ dãi với con dâu. Áy náy vì đã trách nhầm vợ, nhưng cũng không thể giận mẹ, Tuân hiểu ra làm trụ cột trong gia đình không chỉ đơn giản là đi làm và kiếm tiền mà còn phải dung hòa làm sao cho cả mẹ và vợ gần gũi nhau hơn một cách tự nhiên.
Ai cũng bảo Duyên, cô bạn thân nhất của tôi sẽ sướng khi lấy Toàn, tuy Toàn chỉ làm công nhân nhưng nhà con một, bố mẹ chồng còn khỏe, sau này có con cái tha hồ ông bà trông cho yên tâm mà đi làm. Nhưng sướng chưa thấy đâu, mới chỉ gần hai tháng mà Duyên liên tục bị stress.
Cuộc sống mới chưa quen, cái thai trong bụng bị chết lưu và sẩy khiến cô lâm vào trạng thái buồn chán. Càng nằm ở nhà càng nghĩ ngợi luẩn quẩn nhiều, Duyên tiếp tục công việc ở cửa hàng của mình cho khuây khỏa - dù người chưa được khỏe hẳn.
Toàn đi làm ca, những hôm ca sáng, anh đi từ lúc trời còn tờ mờ, vợ vẫn chưa dậy. Buổi tối, hai vợ chồng nói chuyện với nhau cũng không được nhiều vì anh còn phải ngủ để mai dậy sớm. Vậy nên, những hôm làm ca chiều, sáng anh đưa vợ đi làm rồi ở cửa hàng, phụ giúp Duyên những việc lặt để hai vợ chồng nói chuyện với nhau nhiều hơn. Duyên cảm thấy hạnh phúc và bớt tủi thân hơn khi nghĩ đến đứa con không được ra đời, mỗi lúc thấy cô như vậy anh đều an ủi “mình còn trẻ, rồi em sẽ sinh cho anh những đứa khác”.
Mẹ chồng Duyên không nghĩ vậy. Bà xót con phải sang cửa hàng làm “chân sai vặt” cho vợ. Mỗi khi hai vợ chồng đùa nhau trước mặt đều bị bà ngấm ngầm lườm nguýt, rồi luôn nói trước mặt bạn bè của Toàn rằng: “nó không sợ ai, mỗi tội sợ vợ”. Thậm chí, cứ lần nào hai vợ chồng đưa nhau đi đâu thì tối về lại nghe bà bâng quơ “mất công đẻ con trai, bây giờ lại không được coi bằng ai cả”. Là phụ nữ, Duyên cảm nhận được là bà đang ghen với con dâu, và cô không hiểu sao bà lại ghen với mình như vậy. Trong suy nghĩ của mình, Duyên luôn cho rằng chỉ có những người phụ nữ sống cô đơn, chỉ có một người con mới cảm thấy bị bỏ rơi và sinh ra ghen với con dâu. Đằng này, nhà Toàn còn có cả một chị gái, một em gái, và bố Toàn cũng không phải là người không tâm lý...
Biết tính bà, Duyên ý tứ không quá thân mật với chồng trước mặt bà, nhưng mặc dù vậy, thái độ không bằng lòng ra mặt thường xuyên của bà vẫn làm cô mệt mỏi. Thấy Duyên ngày càng gầy vì buồn và suy nghĩ,thương bạn, tôi cho Duyên địa chỉ tìm đến chuyên gia tâm lý để được giải đáp và xả bớt stress, cô nhận được sự chia sẻ rằng đó là biểu hiện của những người quá yêu chiều con mình nên vậy. Cách tốt nhất là cả hai vợ chồng cùng quan tâm tới mẹ nhiều hơn bằng những buổi trò chuyện và tránh không để bà có cảm giác con dâu “lấy” mất con trai.
Ứng xử của nàng dâu đối với mẹ chồng luôn luôn là quan trọng, nhưng bên cạnh đó nếu không có sự đồng thuận và hòa hợp của mẹ chồng thì hành trình đi đến một tình cảm thân thiết quả thật là khó.
Chuyện mẹ chồng, nàng dâu muôn đời nay vẫn nhiều. Tuy nhiên, để “hóa giải cơn ghen” quả thật không dễ dàng gì, nó không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của nàng dâu mà còn là sự kết hợp ăn ý của hai vợ chồng sao cho mẹ hiểu và hơn hết vẫn là sự đồng cảm của chính người mẹ đó.
Tuyết Nhung
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00