Ghen - gia vị hay liều thuốc độc? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Ghen là một gia vị không thể thiếu cho tình yêu. Nó khiến cho tình yêu trở nên ngọt ngào sâu đậm hơn nhưng cũng có khi nó trở thành liều thuốc độc tàn phá những mối tình.
Cần một chút ghen cho nhau
Ghen luôn song hành với tình yêu. Có yêu thì mới có ghen. Một chút những cử chỉ hờn ghen khôn ngoan sẽ giúp người yêu bạn nhận ra tình yêu của bạn dành cho người đó, và người yêu bạn sẽ biết rằng mặc dù bạn không cấm cản người yêu đi với một “nhân vật khả nghi” nào khác nhưng không có nghĩa là không cảm thấy khó chịu.
M.Hồng (20 tuổi- ĐH KHTN) là một cô gái tinh tế, luôn biết khi nào thì đùa giỡn, khi nào nên điềm đạm và trong những tình huống khác nhau sẽ có những cách xử trí khác nhau. Một lần, Hồng trông thấy anh bạn trai của mình đang chở một cô gái khác trên xe và cười nói rất vui vẻ. Rất bình tĩnh, Hồng chỉ nhắn một tin ngắn gọn: “Em vừa trông thấy anh chạy ngang qua đây này. Anh chạy xe cẩn thận nhé, đường đông lắm. Đừng quên cái hẹn tối nay...”.
Tối đó, trong lúc anh chàng này đang lúng túng sợ người yêu ghen mà làm lớn chuyện và ra sức giải thích rằng cô gái sáng nay chỉ là một người bạn nhờ chở về giùm, Hồng vẫn rất điềm tĩnh và cười: “Không sao, thỉnh thoảng anh chở giúp cô ấy về nhà cũng được mà. Nhưng hạn chế thôi, em chỉ sợ đi với người ta nhiều quá, anh lại quên mất người bạn gái này. Em tin anh, đừng làm mất niềm tin trong em đấy!”.
Và như thế là đủ để anh chàng nở một nụ cười, đủ cho một tình yêu. Nếu khi ấy Hồng ra sức cấm cản, cãi cọ với anh bạn trai thì chắc mọi chuyện đã khác.
Ghen và chủ nghĩa độc quyền
Chủ nghĩa độc quyền đi đôi với những nghĩa vụ được ban hành như không được ngồi gần bất kỳ cô gái nào, không được đi chung xe với một anh chàng nào khác dù là bạn thân, không được trò chuyện quá lâu, không được liếc nhìn dù chỉ một tý, vân vân và vân vân...
![]() |
Đ.Khang (lớp 11 trường NCT) thì còn độc đoán hơn. Trong một lần đi chơi với lớp, vì có chuyện đột xuất nên anh bạn phải bỏ cuộc chơi sớm để về nhà. Trong khi cô bạn gái còn muốn chơi đến phút chót thì Khang đã kiên quyết lôi kéo cô nàng phải đi về cùng lúc với mình. Thấy thế, cả lớp đã ra sức nói hộ cô bạn và Hùng (cùng lớp) hứa sẽ chở cô ấy về tận nhà khi tiệc tan. Khang nhất quyết không chịu vì lý do: “Phải về ngay bây giờ. Tao không cho nó ngồi chung xe với bất cứ thằng nào lớp mình cả!”. Cả lớp ngớ người, ai cũng biết rằng ngoài Khang ra, trong lớp đâu còn ai có tình cảm đặc biệt gì khác với bạn gái “độc quyền” của anh chàng.
Kết cuộc cuối cùng của hai cuộc tình kể trên luôn là quyết định chia tay của những nạn nhân mong muốn tìm về với... độc lập tự do.
Khi ghen tuông trở thành liều thuốc độc hại
Nếu như ghen có tác dụng giữ vững tình yêu thì cái tác dụng ngược của nó nguy hiểm gấp trăm lần những gì tốt đẹp nó mang lại. Ghen khiến người ta đánh mất lý trí, không làm chủ được bản thân, gây nên những tình huống đáng tiếc.
Tháng 7 năm ngoái, tại Đồng Nai xảy ra một vụ đánh ghen thương tâm, nạn nhân và thủ phạm đều trong độ tuổi vị thành niên. Trong một lần đi chơi, Nhung (15 tuổi) có kể cho Hiền (17 tuổi) nghe việc một số bạn trai chơi trong nhóm thích cô, trong đó có cả người yêu của Hiền. Nghe vậy, máu ghen nổi lên, Hiền nảy sinh ý định sát hại Nhung. Trước khi kéo Nhung vào nhà tắm, Hiền bật lớn đài để tránh sự để ý của hàng xóm. Và nữ sát thủ này đã rút dao Thái Lan thủ sẵn trong người ra đâm 36 nhát làm Nhung chết tại chỗ.
Đó cũng là một thực trạng trong giới trẻ ngày nay, chỉ vì một chút ghen tuông không đúng lúc, không biết kìm chế chính mình mà nhiều teen đã sa vào vòng vây tội ác, đánh mất cả tương lai.
Ghen không phải là một cái tội, nó chỉ trở thành tội ác khi bạn ghen không đúng cách, nó sẽ đánh mất tình yêu nếu bạn lạm dụng quá nhiều vào nó. Nhưng, ghen sẽ mãi là một gia vị không thể thiếu trong tình yêu nếu bạn biết vận dụng nó để giữ lửa cho cuộc tình của mình.
Thẩm Quỳnh Trân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00