Đêm pháo hoa Chủ Nhật, 18/06/2006, 16:40
Năm 1980, cưới nhau xong, chồng tôi vào TP.HCM học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi ở lại Hà Nội theo học một lớp khác. Hai tháng sau, tôi có dấu hiệu nghén và đau bụng bất thường kèm ra huyết. Tôi đi khám thai và nhận được kết quả là thai trứng. Sau khi nạo thai, tôi bị biến chứng thành ung thư nhau.
Quá đỗi bàng hoàng, tôi chợt nhận ra tình cảnh bi đát của mình: có thể chết bất cứ lúc nào hoặc nếu bị cắt bỏ tử cung thì không thể có con...
Ngay sau đó, tôi nhập viện và bắt đầu cuộc chạy đua nước rút với tử thần để giành quyền sống, quyền được làm mẹ. Hằng ngày, tôi được chích thuốc và được theo dõi rất chặt. Loại thuốc chống ung thư độc bảng A làm mái tóc dày của tôi rụng như trút, người mập ù vì bị giữ nước, miệng lở thành những lỗ to như hạt bắp rất đau. Điều trị được vài ngày tôi lại giảm bạch cầu, bác sĩ phải chỉ định chọc tủy sống để xem khả năng phản ứng thuốc của tôi ra sao.
Nhưng nỗi đau thể xác không thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần bởi tôi hiểu rằng nếu may mắn vượt qua được cái chết thì cũng không mấy hi vọng vào đường con cái. Những bệnh nhân nữ khác cũng ở vào tình cảnh như tôi. Một không khí bi quan ảm đạm bao trùm lên phòng bệnh.
Đã vậy, chúng tôi còn phải chứng kiến nghịch cảnh: có người bán hết nhà cửa ruộng vườn để chữa chạy cho vợ mà người vợ không qua khỏi, lại có ông chồng vợ còn nằm trên gường bệnh đã viết đơn ly dị. Trông người lại ngẫm đến ta, hầu như ngày nào tôi cũng khóc. Tôi khóc đến nỗi cả người như muốn tan chảy thành nước...
Rồi một hôm, thấy sụt sùi mãi chẳng ích gì, tôi bèn... thôi khóc và nghĩ đến chuyện làm gì đó để lấp chỗ trống thời gian. Trước tiên là tôi giúp các bệnh nhân trong phòng mua đồ ăn thức uống ngoài cổng bệnh viện, viết hộ thư, rửa bát đĩa, giặt quần áo... Tôi còn may tã lót, áo sơ sinh cho các thai phụ phòng bên cạnh, dìu họ đi trong hành lang để dễ bề sinh con. Thỉnh thoảng bệnh viện mang phim đến chiếu cho bệnh nhân xem, tôi được mời đọc thuyết minh phim. Có thể nói ai nhờ gì tôi làm nấy, bất kể nặng nhẹ. Tôi trở thành người thân của khoa phụ sản, của cả các cô y tá, hộ lý...
Bệnh nhân nằm giường kế bên tôi ngày ấy là chị Hằng, 28 tuổi. Chị bị sót nhau sau khi sinh đứa con đầu lòng và chuyển sang ung thư tử cung. Người phụ nữ này hầu như bị chồng bỏ rơi ngay sau khi đứa con mới sinh bị chết. Cả ngày chị im lặng, cặp mắt vô hồn trống rỗng. Tôi cố làm chị khuây khỏa bằng cách rủ chị cùng làm những việc lặt vặt nhưng chị từ chối. Dường như chị chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: cái chết.
Ngày 2-9 năm ấy có bắn pháo hoa. Niềm vui được xem pháo hoa khiến ngay cả những bệnh nhân nặng cũng cảm thấy phấn chấn, trừ chị Hằng. Chị nằm quay mặt vào tường, ai hỏi gì cũng không nói. 21g, thời điểm bắn pháo hoa bắt đầu. Mọi người chạy ra đầu hành lang, náo nức chờ đón. Phòng bệnh chỉ còn mình tôi và chị Hằng. Tôi cố dỗ dành chị đi xem pháo hoa nhưng chị lắc đầu.
Hồi sau, có lẽ nể tôi quá, chị nhận lời. Tôi dìu chị đi ra hành lang. Đúng lúc đó, những tiếng "lục bục" vang lên. Từng chùm pháo hoa rực rỡ giống như hàng triệu viên kim cương sáng ngời được ai đó tung lên bầu trời sâu thẳm, đen mịn như nhung. Chúng tôi say mê nhìn khung cảnh huy hoàng ấy, tâm hồn ngập tràn niềm vui.Tôi nhìn sang chị Hằng và ngỡ ngàng: chị cũng đang dõi theo màn bắn pháo hoa, gương mặt xanh xao toát lên một vẻ đẹp trang nghiêm, bình thản đến kỳ lạ...
Vài ngày sau chị Hằng trở bệnh nặng. Rồi chị hôn mê sâu và không tỉnh lại. Chúng tôi nhìn chiếc giường bỏ trống của chị mà nao lòng. Duy có một điều an ủi tôi, đó là những ngày cuối cùng của cuộc đời, chị Hằng được chứng kiến một đêm pháo hoa thật lộng lẫy, đẹp như trong cổ tích.
Lần ấy, tôi nằm viện bảy tháng và sau khi ra viện, quả thật bị mất khả năng làm mẹ. Tuy nhiên, chính nhờ những ngày tháng trong bệnh viện, cận kề cái chết, cùng sẻ chia niềm vui nỗi buồn với bao bệnh nhân khác mà tôi đã không tuyệt vọng. Tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhận ra rằng khi gặp rủi ro, bất hạnh thì hướng về cộng đồng; cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ đồng loại là cách tốt nhất để ta vượt qua nghịch cảnh.
PHƯƠNG DUNG (Biên Hòa)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
Các tin khác
- Món quà ngọt ngào Thứ Sáu, 02/06/2006, 19:06
- Bệnh của người cầu toàn Thứ Hai, 29/05/2006, 20:30
- Thói quen tốt giúp thành công Thứ Tư, 24/05/2006, 20:35
- Cái giá của sự nỗ lực Thứ Hai, 15/05/2006, 10:19
- Nếu cuộc sống không có trở ngại Thứ Tư, 03/05/2006, 09:57
- Sự giúp đỡ Thứ Năm, 20/04/2006, 08:41
- Sự quan tâm Thứ Hai, 17/04/2006, 16:32
- Điều bí mật từ cái gầm bàn Thứ Sáu, 14/04/2006, 10:01
- Văn hóa xã giao Thứ Sáu, 07/04/2006, 16:05
- Đẹp, thành đạt vẫn cô đơn Thứ Hai, 27/03/2006, 16:28
- Mẹ luôn sống vì người khác Thứ Ba, 07/03/2006, 14:44
- Món quà tặng mẹ Thứ Hai, 06/03/2006, 15:25