Cơ chế thần kinh của nghiện ma tuý Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Nắm vững cơ chế thần kinh của nghiện ma túy là một bước quan trọng để từ đó tìm ra những phương pháp điều trị phù hợp, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới loại trừ tệ nạn ma túy ở nước ta.
Đã có nhiều công trình khoa học trên thế giới nghiên cứu về cơ chế thần kinh của nghiện ma túy và rút ra được hai quan điểm cơ bản sau:
1. Phản xạ có điều kiện
Cơ chế thần kinh của nghiện ma túy chính là hình thành phản xạ có điều kiện. Khi cơ thể hoạt động bình thường, dưới vỏ não sản xuất ra một chất điều hòa các hoạt động của cơ thể gọi là morphin nội sinh (có tác giả gọi là chất endorphin). Chất này có tác dụng giảm đau đớn, mệt mỏi, phục hồi sức khỏe để cơ thể hoạt động bình thường. Đó là cơ chế tự điều chỉnh rất tự nhiên và tinh vi của cơ thể con người. Một người khi sử dụng ma túy, chất ma túy này sẽ đi vào ngõ ngách của từng tế bào thần kinh, làm giảm đau đớn, mệt mỏi, chúng kích thích hoạt động nhanh nhạy của thần kinh làm cho người dùng ma túy cảm thấy hết đau, hết mệt, có cảm giác "tỉnh táo", "sảng khoái", "lâng lâng, bay bổng" một cách nhân tạo. Nếu chỉ dùng một, hai lần đầu thì người dùng bị rối loạn hoạt động sản xuất morphin nội sinh của cơ thể. Nếu dùng lặp lại cơ thể sẽ ngừng hoạt động sản xuất morphin nội sinh mà hoàn toàn phụ thuộc vào chất ma túy từ bên ngoài được đưa vào cơ thể. Vì vậy, khi người nghiện không sử dụng ma túy nữa sẽ gây nên "trạng thái thiếu ma túy", hội chứng cai nghiện.
Qua theo dõi công tác cai nghiện cho thấy quá trình mắc nghiện ma tuý thường diễn ra theo năm giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Dùng ma túy vài lần đầu, người sử dụng có cảm giác lâng lâng, đê mê và họ tưởng rằng không thể nghiện được. Giai đoạn này người sử dụng thấy dễ chịu, thú vị, khoái cảm, không có thì thấy "nhạt nhẽo", thèm muốn.
- Giai đoạn 2: Ma túy đã trở thành nhu cầu, thiếu nó thì thèm muốn không chịu nổi nên bằng mọi cách đi tìm kiếm và sử dụng ma túy.
- Giai đoạn 3: Số lần dùng thuốc và liều lượng ma tuý dùng ngày càng nhiều
- Giai đoạn 4: Người nghiện ma tuý bắt đầu nhận thức được tác hại về việc sử dụng ma tuý và đấu tranh với bản thân để cai nghiện ma tuý nhưng việc cai nghiện lặp đi lặp lại, cai rồi lại nghiện,... Người nghiện không chiến thắng được sự giầy vò của cơn nghiện và không thể cai nổi, dằng co với sự khốn đốn về tinh thần, đau đớn về thể xác, kiệt quệ về tài chính.
- Giai đoạn 5: Nếu giai đoạn 4 không thắng nổi sự cám dỗ của ma túy thì dễ dẫn đến giai đoạn hoàn toàn nguy hiểm: người nghiện lệ thuộc hoàn toàn vào ma tuý, bị khủng hoảng về tinh thần một cách trầm trọng, không làm chủ được bản thân, tự huỷ hoại mình, cơ thể hao mòn và cuộc sống trở thành vòng luẩn quẩn, trở thành mối nguy hiểm đe doạ cho gia đình và xã hội.
2. Hợp chất hoá học gây ra cơn khát thuốc
Theo quan điểm của các nhà khoa học trường Đại học Y khoa Yale được nhiều nhà khoa học đồng tình, có một chủng loại protein - delta - fos B nằm trong não gây ra cơn khát thuốc cho nạn nhân. Protein này vốn không có trong não bộ trước khi người nghiện bắt đầu "xài" các chất kích thích. Nó chỉ xuất hiện sau một thời gian "hút, hít" nhất định. Một khi delta - fos B được tạo ra, nó sẽ điều khiển các gen và kiểm soát chúng trong một khu vực não nhất định. Khu vực này được gọi là tập hợp các hạt nhân đặc biệt, đảm nhiệm chức năng điều khiển hành động của con nghiện và cảm giác khoái cảm sau khi "ăn" thuốc kích thích. Ngoài ra, delta - fos B còn có tác động lên một số gen khác nhằm tạo ra glutamat - một chất mang thông tin trong tế bào não, đặc biệt là tế bào nằm trong khu vực tập hợp nhân, trở nên vô cùng nhạy cảm với chất kích thích.
Như vậy, sử dụng chất kích thích đã bắt vỏ não sản sinh ra một hợp chất hóa học và protein mới để mã hóa thông tin và lưu trữ nó trong khu vực mới thành lập trong não. Do đó, sự thèm khát chất kích thích của con nghiện có thể nói là rất ghê gớm và lâu dài. Cho dù người bệnh có thể được chạy chữa rất dày công và tốn kém, nhưng bản năng thèm thuốc lại có thể trỗi dậy ngay lập tức khi nhìn thấy thuốc vì thông tin đã mã hóa trong não chưa hề được xóa bỏ.
Từ khám phá này, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: các biện pháp chữa trị từ trước tới nay chỉ có khả năng chữa ngọn, chưa trị tận gốc vì người ta mới làm cho con nghiện quên thuốc, nhưng chưa đánh gục được bản năng thèm thuốc. Hay nói cách khác, chưa xóa thông tin về tác động của thuốc đã được nạp trong bộ nhớ của não bộ. Phát hiện delta - fos B là một bước đột phá mang tính cách mạng trong vấn đề hiểu biết và điều trị cho người nghiện. Dựa vào các kết quả phân tích sự thay đổi thành phần hóa chất xuất hiện trong não bộ của từng con nghiện, các nhà y dược sẽ tạo ra các loại thuốc cô lập protein nói trên hoặc biến đổi hay "trung hoà" mạng thông tin glutamat thành "vô hại" và vì thế "dấu ấn" về một thời làm bạn với "tử thần" sẽ vĩnh viễn xóa khỏi trí nhớ và tiềm thức của người nghiện.
Ở nước ta hiện nay, tình trạng nghiện hút ma túy vẫn gia tăng và gây ra nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng cho xã hội. Việc nắm vững cơ chế thần kinh của nghiện ma túy để trên cơ sở đó áp dụng và tìm ra những phương pháp cai nghiện mới phù hợp sẽ góp phần giảm tái nghiện, ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới loại trừ tệ nạn ma túy ở Việt Nam.
Chi Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Ra dịch nâu sau khi quan hệ có sao không? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Khả năng lây nhiễm bệnh tình dục Thứ Sáu, 16/02/2024, 00:00
- Ngực phát triển không đều? Thứ Ba, 30/01/2024, 00:00
- Tự ti về bản thân Thứ Hai, 22/01/2024, 00:00
- Liệu mình có thai hay đó là sự thay đổi của cơ thể khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng không hiểu vì sao Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Em có phải đồng tính hay không? Thứ Hai, 01/01/2024, 00:00
- Có bình thường không khi bản thân nghĩ nhiều về sex Thứ Hai, 25/12/2023, 00:00
- Vợ chồng ít gần gũi Thứ Hai, 18/12/2023, 00:00
- Lo sợ chuyện mình thích 1 người sẽ bị bạn cùng lớp tiết lộ ra ngoài Thứ Hai, 04/12/2023, 00:00