Chu trình khám phụ khoa từ A đến Z cho nàng Thứ Hai, 11/09/2023, 13:41
Dẫu biết việc thăm khám phụ khoa là điều cần thiết để duy trì sức khỏe, thế nhưng đối với những “tấm chiếu mới” thì chỉ riêng chiếc kẹp mỏ vịt thôi đã trở thành nỗi ám ảnh trong những câu chuyện truyền miệng tại phòng khám. Vậy thực hư quy trình khám phụ khoa gồm những bước gì, và liệu có đáng sợ như “lời đồn” hay không, Tâm sự Bạn trẻ sẽ cùng bạn tìm hiểu nhé:
1. Thăm khám lâm sàng
Trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động thăm khám, bác sĩ sẽ cần thu thập các thông tin về cá nhân, các triệu chứng bất thường chị em đang gặp phải, tiền sử bệnh trước đó, thậm chí tiền sử bệnh gia đình nếu có… Những thông tin khảo sát này sẽ là cơ sở để bác sĩ đưa ra những chỉ định phù hợp cho chị em.
Sau quá trình hỏi bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra và quan sát bên ngoài bộ phận sinh dục xem có vấn đề nào bất thường không; kiểm tra vùng ngực xem có u, cục hay màu sắc bất thường; sờ nắn vùng bụng để kiểm tra vị trí, kích thước của tử cung.
2. Khám phụ khoa bằng mỏ vịt
Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ gọi là mỏ vịt, đưa vào bên trong âm đạo, nhằm quan sát thành âm đạo và cổ tử cung. Bước này có thể phát hiện ra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở chị em phụ nữ. Cũng trong bước khám âm đạo, bác sĩ thường sẽ tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo để làm xét nghiệm. Với các bạn chưa quan hệ tình dục thâm nhập thì có thể bỏ qua bước này.
3. Siêu âm tử cung – phần phụ
Ở những chị em đã có gia đình, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để có thể quan sát toàn bộ cơ quan sinh sản bao gồm: tử cung, buồng trứng… và phát hiện được những bất thường ở khu vực này.
4. Xét nghiệm dịch âm đạo
Trong quá trình siêu âm đầu dò hoặc khám phụ khoa bằng mỏ vịt, bác sĩ sẽ lấy một ít dịch âm đạo để làm xét nghiệm, nhằm xác định các bệnh viêm nhiễm âm đạo gây ra bởi nấm, trùng roi, tạp khuẩn…
5. Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung
Trong quá trình khám, thông thường các bác sĩ sẽ khuyến khích chị em nên làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung với xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV. Xét nghiệm Pap được khuyến khích thực hiện định kỳ hàng năm nhằm phát hiện sớm các bất thường ở tế bào cổ tử cung và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm; Xét nghiệm HPV được khuyến cáo nên thực hiện 5 năm 1 lần, cho phụ nữ sau 35 tuổi, nhằm phát hiện tình trạng nhiễm HPV – nguy cơ chính gây ung thư cổ tử cung.
Sau khi có các kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn về phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Lợi ích của lớp học tiền sản cho các bà mẹ chuẩn bị sinh em bé Thứ Tư, 22/05/2024, 00:00
Các tin khác
- Mách bạn 7 địa chỉ khám Tiền hôn nhân uy tín Thứ Hai, 11/09/2023, 10:39