Chống phá đám... Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Thanh thiếu niên ngày càng tham gia nhiều hơn vào các chương trình truyền thông, giáo dục đồng đẳng về HIV/AIDS, SKSS, kỹ năng, giá trị sống tại cộng đồng. Cơ hội để các bạn trẻ đứng trước đám đông trong vai trò dẫn chương trình, diễn thuyết, nói chuyện... cũng nhiều hơn.
Từ hình thức đơn giản và độc nhất là ngồi im không nói gì, cho dù có cậy mồm cũng không nói nửa lời, đến "bài" nói chuyện nhao nhao; từ kiểu "sôi nổi" đặt ra những câu hỏi khiến cho người trả lời phải "tịt", đến chiêu bỏ ra ngoài không thèm nghe; từ việc cố tình trêu ghẹo các cô giáo trẻ của mấy cậu sinh viên nam cầm tinh "quậy", đến việc giả vờ nai tơ “đánh mắt đưa tình” với thầy giáo của các nữ sinh cầm tinh "quái"... Sự nghịch ngợm của tuổi "nhất quỷ nhì ma" đã làm cho họ nghĩ ra muôn hình vạn dạng các kiểu phá khác nhau.
Buổi nói chuyện về sức khoẻ sinh sản (SKSS) của Đội Tuyên truyền SKSS vị thành niên trường ĐHKHXH&NV (Hà Nội) cho các sinh viên trong trường đã phải sớm kết thúc khi xuất hiện hai "nhân vật đặc biệt", một nữ một nam. Họ liên tiếp đưa ra các câu hỏi cực khó, khiến cho các tuyên truyền viên - những người cũng là sinh viên và chỉ vừa mới trải qua vài buổi tập huấn của Ngôi nhà tuổi trẻ - bối rối không biết trả lời ra sao. "Trúng bài", hai nhân vật này liền đứng lên tự giải thích luôn những câu hỏi mình vừa đặt ra, khiến cho các tuyên truyền viên ngượng đỏ cả mặt.
Cũng là phá theo kiểu "trên cơ" như vậy, trong một lần giới thiệu sản phẩm thuốc tránh thai mới, cô trình dược viên của hãng dược Scharing chỉ còn biết lặp đi lặp lại câu "đây là vấn đề còn đang tranh cãi, chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa có công bố chính thức", hoặc "đây là theo quan điểm của hãng dược chúng tôi" khi các tư vấn viên của một trung tâm tư vấn về sức khoẻ liên tiếp vặn vẹo mỗi khi cô dứt lời. Tuy bài thuyết minh về tính ưu việt của thuốc mới không thực sự thành công, nhưng quả thực, người khác cũng khó có thể làm tốt hơn trong hoàn cảnh ấy.
Khi nói chuyện về kỹ năng và giá trị sống cho học sinh của một trường THPT, Huy Cường không ngờ rằng thái độ của các em học sinh đã không diễn ra theo như cậu dự tính trong giáo án. Đáp lại các câu hỏi "gà bài" của cậu là một sự im lặng đến khó tin của cả lớp, dù có những câu hỏi không hề khó trả lời chút nào. Sự lúng túng trước phản ứng bất ngờ này khiến cậu quên khá nhiều chi tiết quan trọng mà lẽ ra cậu phải truyền đạt như đã chuẩn bị trong giáo án.
Và rất nhiều những ví dụ cụ thể khác nữa về các kiểu "phá đám", mà có lẽ trong số chúng ta, có người cũng từng có lần là chủ động tổ chức, trực tiếp tham gia, hoặc chứng kiến...
Chân dung kẻ phá đám
Cũng thật đa dạng như các kiểu phá, nhưng các kẻ phá đám đều có đặc điểm chung là thiếu sự kiềm chế, thiếu sự tôn trọng người khác.
Hai "nhân vật đặc biệt" đứng lên "cướp cờ" của các tuyên truyền viên Đội Tuyên truyền SKSS vị thành niên trường ĐHKHXH&NV vừa nói ở trên không phải là ai xa lạ mà chính là sinh viên cùng lớp với các tuyên truyền viên này. Chắc có lẽ họ nghĩ "bụt chùa nhà không thiêng" và tự cho mình là hiểu biết hơn nên họ đã cố tình làm như vậy. Phải thừa nhận họ là những người thông minh, lý luận giỏi và diễn đạt tốt, nhưng việc làm của họ chỉ nhận được sự hưởng ứng của một vài sinh viên khác. Thái độ khoe khoang, trên cơ người khác của họ đã không tạo ra sự nể phục nào cả.
Bên cạnh kiểu phá đám ác ý có chủ tâm như vậy, thì nhiều trường hợp, kẻ phá đám cũng chỉ muốn có thêm niềm vui nho nhỏ cho không khí bớt căng thẳng, hoặc muốn thử tài, thử "gan" người khác. Cũng có trường hợp vì quá ham hiểu biết, nên đã vô tình dồn người trả lời vào thế bí. Và có những kẻ phá đám thì hoàn toàn xuất phát từ động cơ... giới tính, tình cảm - một trong những kiểu gây chú ý với người khác giới mà phần lớn những người đến tuổi yêu thường vẫn làm.
Vài kinh nghiệm chống phá đám
Cô Quản Mai Bình (công tác tại Trung tâm Thông tin Tư liệu (IRC) thuộc Phòng Thông tin Văn hoá, Sứ quán Mỹ tại Hà Nội), người làm công việc đào tạo kỹ năng nói trước đám đông nhiều năm qua đã tổng kết được khá nhiều kinh nghiệm chống phá, cũng như kinh nghiệm thu hút sự chú ý trước đám đông. Theo cô, trong một buổi thuyết giảng, trình bày trước đám đông, nếu có đối tượng nào đó mải mê nói chuyện riêng, ngọ nguậy (dù vô tình hay cố ý), hoặc là chúng ta sẽ tiến đến sát chỗ họ ngồi, quay lưng lại phía họ, và tiếp tục nói thật to những gì mình đang nói để họ biết rằng chúng ta biết thái độ của họ, nhưng không cần quan tâm; hoặc là chúng ta dừng bài nói chuyện lại, im lặng và nhìn thẳng về phía họ một cách nghiêm nghị để tỏ sự không đồng tình.
Trong trường hợp của cô trình dược viên hãng dược phẩm Scharing vừa nói ở trên, thì một câu trả lời chung cho nhiều câu hỏi vặn vẹo khác nhau mà cô đã áp dụng cũng là một kinh nghiệm hay. Đây cũng là điều được anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư y tế (CIHP), một người làm thuyết giảng, điều khiển hội thảo, diễn đàn lâu năm chia sẻ. Theo anh, khi gặp phải đối tượng phá rối, chúng ta nên nói với họ rằng vấn đề anh/chị hỏi rất hay, nhưng tôi xin phép được trao đổi với anh/chị sau để đi vào phần chính của buổi hôm nay. Sau đó, tuỳ tình hình, chúng ta có thể trao đổi với họ về câu hỏi đó hoặc không, nhưng cách mà chúng ta làm sẽ tránh cho chúng ta những rắc rối, làm ảnh hưởng đến kết quả của phần trình bày.
Tuy không nhiều kinh nghiệm như các anh chị đi trước trong lĩnh vực này, nhưng những kinh nghiệm thực tế như của bạn Nguyễn Diễm Nhi, đồng đẳng viên phường Tân Hưng, Q.7, Tp.HCM và bạn Lê Thị Diễm Thy, học sinh lớp 11A1 trường THPT Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An cũng là một bài học cho chúng ta. Khi tham gia các buổi tuyên truyền, nói chuyện về SKSS, nếu gặp phải đối tượng phá là học sinh trong trường, hoặc là đối tượng có thể tiếp cận được sau đó, bạn sẽ đến gặp họ để nói chuyện, giải thích cho họ biết việc họ làm là không tốt như thế nào.
Sẽ còn rất nhiều những kinh nghiệm, mẹo chống phá khác nữa chưa được liệt kê ra đây, nhưng tựu chung lại, việc trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, rèn luyện kỹ năng diễn đạt vấn đề trước đám đông cho thật nhuần nhuyễn, để người khác không những không thể bắt bẻ mà còn cảm thấy hứng thú với vấn đề mà chúng ta trình bày, sẽ giúp chúng ta có được sự tự tin và có thể đối phó được với mọi tình huống, mọi kiểu phá rối.
Duy Nam
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00