Chỉ vì anh ấy là trai quê... Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Hình minh hoạ
Bố mẹ Lan đều là những người có tính gia trưởng. Khỏi phải nói họ nâng niu, bao bọc những gì mang tính chất "truyền thống Hà Nội" đến thế nào. Họ vẫn thường nói chuyện về "chàng rể tương lai", trong vô số những mường tượng của họ không bao giờ xuất hiện hình ảnh một anh con rể đậm chất "Hai Lúa" và một gia đình thông gia ở cách xa họ hàng trăm cây số, khi đến thăm thông gia thế nào cũng xách theo cái bị cói có con gà thò cổ ra hoặc có khi móng chân móng tay còn cáu vàng màu đất... Cha mẹ Lan luôn nghĩ cô sẽ chỉ lấy chồng đâu đó quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi những phố cổ ngang dọc cắt nhau, hoặc xa lắm cũng không vượt ra ngoài phạm vi Hà Nội. Thực ra ông bà cũng có ý tốt, muốn có sui gia tương xứng để sáng thứ bảy, chủ nhật, ông bà có thể mời họ lên phố cổ nhâm nhi tách cà phê, cùng đi tập thể dục hay vào phòng trà nghe nhạc... Gần gũi thì dễ thân, mà thân rồi thì con gái mình đi lấy chồng cũng được thương lây...
Thế rồi chuyện gì phải đến sẽ đến. Buổi ra mắt gia đình người yêu hôm ấy đã để lại trong Tuấn một ấn tượng nặng nề mà rất lâu sau này anh vẫn không quên được. Bằng một thái độ rất điềm đạm nhưng đầy lạnh lùng, dò xét, bố mẹ Lan hỏi qua loa về công việc của anh và bắt đầu một tràng dài những câu hỏi xoay quanh gốc gác. Tuấn cố gắng bình tĩnh và trả lời thành thật, cố không để ý đến những khoảng lặng dài như vô tận và những cái liếc mắt nhìn nhau của ông bà nhạc tương lai. Tiếp đó là những câu hỏi đầy ý miệt thị của mẹ người yêu liên quan tới cái gốc quê của Tuấn: "Nhà cháu ở quê lợp ngói hay lợp tranh?", "Nước giếng ở quê cháu dùng có bị vàng áo không?", "Mùa này ẩm thấp, trâu bò gà lợn quanh nhà thế thì lắm muỗi lắm nhỉ? Bác là bác kinh cái con đỉa lắm!", "Con Lan nhà này nó hay bị dị ứng với những thứ đó lắm."...
Là một người biết kiềm chế trong những tình huống khó khăn. Để tỏ rõ sự chân thành và nghiêm túc của mình trong tình yêu dành cho Lan, Tuấn đã xin phép được đưa cha mẹ ở dưới quê lên thăm gia đình để xin phép cho anh và Lan được chính thức qua lại. Thế nhưng, mẹ của Lan thủng thẳng nói: "Có lẽ là phải xin anh thông cảm. Chúng tôi chắc không thể... lặn lội về quê anh mà đáp lễ được". Hai chữ "lặn lội" bà mẹ nhấn rất mạnh khiến Tuấn mường tượng ngay ra vùng đất chiêm trũng quê mình mà thấy cơn tự ái dồn lên tận cổ.
Trước đây, khi Lan giới thiệu Tuấn với những người bạn của cô, anh cũng đã phải nghe không ít lời xách mé. Có người còn nói thẳng với Lan như cố ý để Tuấn nghe thấy: "Xấu gái như tao cũng yêu được trai Hà Nội, còn xinh gái như mày mà phải lấy trai nhà quê" hoặc "trên đời này hết đàn ông rồi hay sao mà mày phải mò mẫm tìm chồng ở tận cái vùng khỉ ho cò gáy ấy"... Những lúc như vậy, lòng Tuấn như thắt lại. Nhưng với tình yêu mãnh liệt dành cho Lan, anh đã cố gắng để vượt qua. Lan cũng cảm nhận được phần nào suy nghĩ và cảm giác của Tuấn những lúc như vậy, nên cô cố gắng để giúp anh tránh tiếp xúc với bạn bè của cô. Chuyện bạn bè như vậy coi như cũng tạm ổn, nhưng còn với gia đình, Lan vẫn chưa biết phải làm sao. Cả Lan và Tuấn đều đang thực sự đau khổ và bế tắc...
Hiện chưa có một con số thống kê đầy đủ về thành phần dân cư Hà Nội; Tuy nhiên, theo ước tính, hiện nay có không đến 20% dân số là người Hà Nội gốc, phần lớn còn lại là những người đến từ những địa phương khác nhau. Tuy vậy thì chắc gì cha ông của những người "gắn mác" thành phố đó đã không phải xuất thân quê mùa. Thế nhưng sự thật, có một quan niệm đang tồn tại một cách hiện hữu trong cộng đồng, đó là sự phân biệt kỳ thị giữa người thành phố với người nông thôn. Điều này không chỉ xảy ra đối với một số người đứng tuổi đã nhiều năm, nhiều đời sinh sống ở Hà Nội, mà ở ngay cả những người trẻ tuổi cũng có quan điểm đó. Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế, sự pha trộn, kết hợp ở nhiều mặt của cuộc sống là điều không tránh khỏi. Sự phân biệt quá đáng của một số người thành phố đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của nhiều người ngoại tỉnh. Ngày nào mà những quan niệm như vậy vẫn còn đang tồn tại và chi phối đời sống của xã hội thì ngày đó, những câu chuyện tình giống như hai bạn trẻ Tuấn và Lan vẫn xảy ra đâu đó quanh đây.
Tôi không biết bài viết này có thể tới được với bao nhiêu người, và sau khi đọc những điều trên đây thì quan điểm của họ có thay đổi gì không. Còn với riêng tôi, tôi sẽ chúc cho Lan và Tuấn có thể vượt qua được những rào cản, định kiến đó của gia đình để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình.
Quốc Khánh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00