''Chế ngự được vi rút HIV, nhưng chưa diệt trừ được nó hoàn toàn... chúng ta sẽ không bỏ cuộc'' Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Trước thềm Hội nghị thế giới phòng chống AIDS tổ chức tại Vienna (từ 18 đến 23/07/2010), bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia - Hoa Kỳ (NIAID) đã đến trụ sở Đài VOA ở thủ đô Washington để bàn luận về những gì sẽ diễn ra tại hội nghị sắp tới.
Bác sĩ Anthony Fauci là một nhà nghiên cứu bệnh AIDS có uy tín trên thế giới, và là cố vấn cho Nhà Trắng và Bộ Y Tế Hoa Kỳ về các vấn đề AIDS toàn cầu. Mở đầu bài phát biểu, bác sĩ Fauci phác họa hiện tình bệnh AIDS trên thế giới như sau:
"Dịch AIDS vẫn phát triển mạnh, bất chấp bệnh đã có suy giảm tại một số quốc gia. Nói chung, các số liệu vẫn rất đáng kinh ngạc. Đối với tôi, điểm đáng lưu ý nhất, xét mục tiêu mà chúng tôi muốn thực hiện về mặt khoa học, là: hiện vẫn còn hơn 33,5 triệu người nhiễm HIV, hơn 90% trong số này là tại các nước đang phát triển, 67% tại những nước ở miền Nam Châu Phi."
Bác sĩ nói tiếp: "Ngày nay, với những phương pháp điều trị phối hợp hiện có, cũng một bệnh nhân ấy, vào khoảng 20 tuổi, bước vào phòng mạch của tôi và chương trình chữa trị bắt đầu ngay, bệnh nhân ấy có hy vọng sống thêm 50 năm nữa, đến 69 -70 tuổi."
Đó là một tin vui. Tuy nhiên, mặc dù cộng đồng quốc tế đã cố gắng tìm cách đưa thuốc đến tay các bệnh nhân tại các nước đang phát triển, hiện chỉ có từ 30% đến 40% được tiếp cận các loại thuốc mà họ cần đến. Bác sĩ Fauci đề cập đến một yếu tố tiêu cực khác:
“Một con số thống kê rất khó chấp nhận là cứ mỗi một người được điều trị, lại có từ 2 tới 3 người khác bị lây nhiễm.”
Bác sĩ Fauci dự kiến là trong số các đề tài quan trọng được thảo luận tại hội nghị AIDS thế giới ở Vienna, vấn đề đầu tiên là vấn đề tiếp cận, ông liệt kê một số khó khăn như sau:
“Khó khăn về mặt tài nguyên có sẵn để có thể sử dụng, khó khăn về mặt hậu cần, làm cách nào để xét nghiệm và rốt cuộc, chữa trị cho tất cả những người cần được chữa trị. Đó là một vấn đề rất lớn”.
Vấn đề thứ hai, theo bác sĩ Fauci, là tầm quan trọng của công tác phòng chống AIDS, trong bối cảnh cứ mỗi một người được đưa vào chữa trị, lại có thêm 2, 3 ca lây nhiễm mới, ông nhấn mạnh nhu cầu phải áp dụng các cách thức phòng chống. Tuy nhiên, một số chương trình được chứng tỏ là có hiệu quả, đã không được sử dụng tại một số quốc gia, đây thực sự là một điều rất đáng buồn:
Ông nói: “Chỉ có 20% người cần đến các chương trình trao đổi bơm kim tiêm, cấp bao cao su, cắt bao quy đầu, ngăn chặn sự lây lan HIV từ mẹ sang con... được hưởng các dịch vụ này. ”
Một số vấn đề khác sẽ được nêu lên tại hội nghị quốc tế phòng chống AIDS là các phương pháp chống AIDS mới như vắc-xin, và phác đồ điều trị. Ông cho rằng kết quả của một cuộc nghiên cứu đầu tiên về một loại gel khử trùng kết hợp với một loại thuốc đặc trị kháng vi rút HIV trong gel sẽ được công bố tại hội nghị Vienna. "Nếu loại gel này chứng tỏ công hiệu của nó, thì đây là lần đầu tiên một chất khử trùng chứng tỏ có hiệu quả tích cực, nhưng tôi phải nhấn mạnh một lần nữa, là tại thời điểm này, tôi cũng không biết kết quả cuộc nghiên cứu đó ra sao”, ông chia sẻ.
Về bài trình bày của ông, bác sĩ Fauci cho biết ông sẽ tập trung vào giai đoạn đầu tiên, nói rõ hơn là những thời khắc đầu tiên, sau khi tiếp xúc với vi rút, là giai đoạn quyết định liệu một người có nhiễm HIV hay không. Bác sĩ Fauci nói dựa trên các cuộc nghiên cứu các đối tượng nhiễm HIV trong giai đoạn cấp tính, và các cuộc thí nghiệm nơi loài vật, đây là một cánh cửa cơ hội hé mở trong một thời gian rất ngắn để ngăn chận vi rút HIV. Ông giải thích: “Những giờ phút đầu tiên kể từ khi tiếp xúc với vi rút sẽ quyết định những gì xảy ra sau này, liệu đối tượng có nhiễm HIV hay không, và nếu có, tính chất của căn bệnh sẽ như thế nào, kèm theo đó là cơ hội để có thể ngăn chặn những diễn tiến ngay sau cuộc tiếp xúc, bằng các phép phòng bệnh, thuốc khử trùng, hoặc bằng vắc-xin. Điều đáng lưu ý là trong một, hai năm trở lại đây, vi rút HIV lây lan từ người này sang người khác là một loại vi rút rất đặc biệt, rất hạn chế trong tính đa dạng của nó, và chính nhờ đó, mà có điều kiện tốt hơn để các nhà khoa học ngăn chặn sự lây lan của vi rút, dễ dàng hơn họ tưởng trước đây".
Được hỏi về tính an toàn của các loại thuốc kháng virút được dùng trong chương trình chữa trị, bác sĩ Fauci trả lời:
“Không có một loại thuốc nào đủ mạnh để có thể chế ngự được HIV mà lại hoàn toàn không có độc tính hoặc tác dụng phụ, bao giờ thuốc cũng có đi kèm với một số tác dụng phụ, nhưng dựa trên kết quả các cuộc nghiên cứu đã được thu thập trong một vài năm qua, nếu chúng ta đo lường mức độc hại của giải pháp để mặc cho vi rút sinh sôi nảy nở, so với độc tính của thuốc kháng vi rút, thì rõ ràng là nhiều chất độc mà ta tưởng do thuốc gây ra, thực ra là tác dụng phụ do sự bất thường trong tiến trình khởi động hệ miễn nhiễm (liên quan tới sự sinh sôi nảy nở không được kiềm chế của vi rút) gây ra”
Trả lời câu hỏi là liệu một ngày nào đó, sẽ có một phương pháp nào đó để chữa khỏi hẳn bệnh AIDS hay không, bác sĩ Fauci nói:
“Chúng ta đã rất thành công trong việc chế ngự vi rút HIV, nhưng vẫn chưa thể diệt trừ được nó hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc, đó là một mục tiêu hết sức quan trọng”
Như vậy là gần 30 năm sau khi đại dịch AIDS bùng phát, một cuộc điều tra do Cơ quan Phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc và công ty thăm dò Zogby International thực hiện nói đa số các đối tượng trên khắp thế giới vẫn xếp loại bệnh AIDS ở vị thế hàng đầu trong danh sách các vấn đề quan trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, dựa trên những phát biểu tích cực của bác sĩ Fauci và một số nhà khoa học khác về các kết quả nghiên cứu gần đây, hy vọng rằng những kiến thức khoa học mới sắp được thông báo tại hội nghị Vienna sẽ cho phép chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai không quá xa, khoa học sẽ phát triển được một vắc-xin hiệu quả hơn, đi kèm với những bước cải thiện trong cách chữa trị bệnh AIDS, cách đối xử với các bệnh nhân, cũng như các nỗ lực nhằm kéo dài và nâng cao chất lượng đời sống của họ.
Hoài Hương
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00