Cầu vồng khuyết Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Đối với mỗi người, tình yêu là điều diệu kỳ nhất, là nguồn sống vô giá. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống tấp nập, xô bồ này vẫn có những mảnh khuất cuộc đời không có được sự trọn vẹn của tình yêu, hạnh phúc. Đó là những người không may bị khiếm thị. Họ trở nên cô độc và cuộc sống chỉ được cảm nhận qua những chữ nổi Brai mỗi đêm về.
Vĩnh năm nay 27 tuổi, anh đã không thể nhìn thấy từ khi mới sinh ra. Sau khi học xong trường Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho người khiếm thị với vốn kiến thức sẵn có, anh được nhận về Hội người mù Quận Tây Hồ làm ở trung tâm bấm huyệt, xoa bóp, tẩm quất. Công việc thu nhập cũng khá ổn định
Với sự thông minh, nhanh nhẹ vốn có, Vĩnh vừa làm vừa tiếp tục học, cuối cùng anh đã thi đỗ vào hệ tại chức của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tình yêu đã đến với Vĩnh trong thời gian theo học tại trường. Năm cuối đại học, cũng là thời điểm tình yêu của anh đang độ tươi đẹp. Anh yêu và mong muốn kết đôi với chị, còn chị cũng yêu và hết lòng vì anh, sẵn sàng cùng anh vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống. Bởi vậy, ai cũng tin tưởng rằng anh sẽ có được cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Nhưng, niềm tin và hi vọng vào một cuộc sống gia đình của anh sớm bị tan biến bởi sự phản đối của gia đình Chi, người yêu anh, khi cô đưa anh về giới thiệu với gia đình. Hiểu và khâm phục sự nỗ lực ý chí của anh, nhưng để cho con gái lấy anh lại là chuyện khác. Âu cũng là tình yêu thương của ngừơi làm cha mẹ đối với con mình?! Bố mẹ Chi muốn cô được nương tựa vào một bờ vai vững chắc, chứ không phải là người để bao bọc, chở che cho Vĩnh.
Sự nỗ lực của Vĩnh và Chi không đủ để thuyết phục gia đình thay đổi quyết định. Chi bị bố mẹ cấm không được đi làm ở gần chỗ Vĩnh nữa và phải nhanh chóng lấy một người do bố mẹ sắp đặt. Không chịu được cảnh ép buộc của bố mẹ, trước đám cưới mấy ngày, Chi bỏ vào Nam đến nay đã gần 5 tháng và chưa có tin tức gì về cho Vĩnh và gia đình.
Vĩnh như người điên, hụt hẫng và hận đời. Anh muốn có một gia đình hạnh phúc, muốn được yêu thương và chăm sóc, vậy mà ngay cả điều bình thường nhất của một con người anh cũng không có. Mọi cố gắng, ước mơ của Vĩnh đã tan thành mây khói. Anh mù nhưng đâu có tội tình gì mà luôn bị cấm đoán, xa lánh. Đến tình yêu của mình anh cũng không bảo vệ được, đến hạnh phúc của mình anh cũng không có quyền hưởng. Anh trốn tránh mọi người. Từ một người hoà đồng, vui vẻ, anh câm lặng và lạnh lùng như một cái bóng.
Còn bố mẹ Chi khi hiểu ra việc ép buộc duyên của mình đã làm con đau khổ thì hối hận đã quá muộn.
Cùng ở với Vĩnh có 4 bạn trai nữa đến tuổi trưởng thành nhưng hàng ngày họ cũng lặng lẽ dắt nhau đi về heo hút. Họ không dám mong điều kỳ diệu xảy ra và cũng không dám mơ ước điều gì. Sợ người ta lại coi thường và thương hại “mù thì làm được gì mà cũng đòi lấy vợ”. Cuộc sống đối với họ thật buồn tẻ và mệt mỏi.

Cùng cảnh với Vĩnh nhưng Bình lại khác. Anh bị tai nạn khi lên 8 tuổi bị mất một chân và đôi mắt anh cũng không nhìn được từ đó. Cả cuộc đời anh tưởng như sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Nhưng, bằng niềm ham học hỏi và năng khiếu viết sẵn có, ở tuổi 23, Bình có thể sống bằng nhuận bút của những bài báo mình viết. Nhưng, việc có một gia đình riêng cho mình vẫn luôn là điều không tưởng với anh. Tự bản thân mình, anh cảm thấy không sẵn sàng ngay cả khi có người yêu mến mình. Anh không muốn người con gái nào phải khổ vì anh, và hơn nữa, anh sợ cảm giác bị “thương hại”.
Cùng lớn lên bên nhau ở một xóm nghèo của huyện Hoài Đức, Hà Tây, Hằng luôn là người bạn gái thân thiết của Bình. Tình bạn vô tư trong sáng ấy mỗi đã biến chuyển thành tình yêu trong cô từ lúc nào không hay. Hiểu sự tự ti và mặc cảm của Bình, Hằng đã chủ động bày tỏ tình cảm của mình với anh và thuyết phục gia đình cho cô được kết hôn cùng anh.
Khi yêu ai cũng mong đến được với nhau. Những người chịu thiệt thòi về cơ thể như Vĩnh và Bình lại càng khát khao hạnh phúc gia đình hơn bao giờ hết. Nhưng, không phải người khuyết tật nào cũng có được câu chuyện tình với kết thúc có hậu như Bình.
Từ cách nhìn của xã hội, và cả sự tự ti đã làm cho nhiều người không may bị khuyết tật phải kìm nén cảm xúc của mình vì sợ bị chê cười, bị thương hại. Có ai hiểu được rằng họ cũng là một con người bình thường và rất cần có một mái ấm gia đình. Họ cần được yêu và nhận tình yêu, cần được lo lắng va trao sự lo lắng, quan tâm.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00