Cảm ơn những người ‘chèo đò’ đưa đất nước đến tương lai Thứ Tư, 18/11/2020, 19:00
Mẹ tôi là một người thầy điển hình của thế hệ sau giải phóng, tất nhiên, những thầy cô giai đoạn ấy đều cũng đã nghỉ cả, bà để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu về lòng yêu nghề và trái tim nhiệt huyết của một người làm nghề “chèo đò đưa đất nước đến tương lai”.
Một ngày nhà giáo Việt Nam cách đây đã lâu, tôi đọc lại được những dòng này trên màn hình soạn thảo bài phát biểu trong ngày nhà giáo Việt Nam của cô bạn tôi – người từng là học sinh chuyên văn.
Cả bố mẹ bạn đều là nhà giáo và giờ tới lượt cô bạn tôi cũng đứng trên bục giảng. Bất giác, tôi mỉm cười, nghề giáo vốn dĩ cao đẹp và thiêng liêng vô cùng như vậy.
Không phải đơn giản mà người giáo viên được gọi là “người giáo viên nhân dân” nghe nó gần gũi như anh bộ đội cụ Hồ ngày xưa vậy
Hơn 10 năm xa mái trường, ký ức của tôi về những người thầy, người cô đã đi qua cuộc đời cả 17 năm đèn sách đến giờ vẫn rõ mồn một như hôm qua.
Trường lớp của tôi xưa núp dưới những chùm phượng đỏ, hàng hoa keo lá chàm vàng rực mỗi độ hè, là tán lá bàng già xanh mát cả góc sân trường nhuốm rêu và cả tiếng hát trong vắt nhưng giọt nắng vút lên trời xanh thu tháng 9 của cô Thanh Hoa “Loài hoa ấy, bài ca ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân, tâm hồn em, tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ rực hồng như hoa phượng vĩ”
Ngày mẹ còn trẻ, ngày mẹ còn để tóc xoăn và làm công tác đoàn ở trường, mẹ hay hát bài này, giọng mẹ kiểu giọng gió, cao vút và bắt chước theo tông của cô Thanh Hoa. Mẹ là người thầy đầu tiên của tôi ở trường.
Mẹ nghiêm khắc và rất khó tính. Mỗi sáng thứ 7, mẹ ngồi soạn giáo án bên cửa sổ, tôi phải ngồi tập viết hoặc làm toán. Mỗi ngày 5 bài toán và 5 trang tập viết, làm xong mới được đi chơi. Những ngón tay bé xíu cứ viết sai liền bị vụt bằng cây thước gỗ 20cm mờ cả từng khấc đánh dấu.
“Nét chữ là nết người”, mẹ bảo thế, và tất nhiên, đó là lý do khiến tôi cứ phải tập viết cho “nên người” đến sưng tay mỗi ngày.
Thành quả là 5 năm cấp I, tôi đi thi vở sạch chữ đẹp, năm nào cũng nhất, nhưng rồi đến giờ, chữ không được mẹ rèn, con chữ cũng như người vội vã chạy theo cuộc đời, cũng ngổn ngang như gà bới.
Nhưng nhờ có mẹ, mà tôi học rất khá toán. Những năm cấp I, cấp II, cấp III tôi đều đi theo chuyên toán. Mẹ bảo: học toán để hiểu được logic, và biết cách tư duy mạch lạc.
Lời mẹ văng vẳng như mới hôm qua. Tự dưng lòng bần thần, cuộc đời mình 16 năm mài đũng quần trên ghế trường lớp, không, là 17 năm chứ, tôi đi học lớp 1 những 2 năm, biết bao người thầy đã đi qua cuộc đời. Thơ xưa vẫn gọi là bao chuyến đò ngang mà thầy cô là người lái đò đưa bao lớp học sinh tới bờ tương lai.
Những thầy cô chủ nhiệm, hoặc thầy cô dạy môn chính, tôi vẫn nhớ kỹ gương mặt từng người, cách dạy của từng người, và cả từng tiết học mà thầy, cô lên lớp.
Đa phần các thầy đều khó tính, như mẹ tôi hồi xưa, nhưng hơn cả là sự yêu nghề, yêu trò; có yêu nghề mới hiểu nghề, mới tìm mọi cách để học sinh hiểu được thông điệp khô khan trong sách vở.
Tôi nhớ thầy giáo dạy văn năm xưa, những lời đầu tiên khi thầy bước vào lớp chính là:“văn chương là thứ thanh lọc tâm hồn”.
Quả thế, thầy truyền cho cả đám học sinh lớp toán biết thế nào là những cái lãng mạn trong thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, về những nét đẹp của quê hương đất nước trong thơ văn Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, về những cái oai hùng, những khúc tráng ca của lịch sử qua thơ văn qua những bài thơ của Trần Quốc Tuấn, Á Nam Trần Tuấn Khải …
Tôi nhớ thầy giáo dạy Đại số, thầy hay dậy quá giờ vì cả thầy, cả trò đều ham, thầy thích những bài toán bằng thơ toàn âm T hoặc nhưng bài đố mẹo.
Tôi nhớ thầy dạy Lý trẻ măng. Thầy hay dỗi khi lớp ồn, riêng lớp thầy chủ nhiệm, những thanh niên tè bậy bị thầy bắt đi xách nước tưới gốc cau giữa tiết 5 lúc 11 rưỡi trưa.
Thầy dậy Đại số năm cấp 3 thì đẹp trai, hay kể chuyện cười và luôn hỏi: Còn ai có cách giải khác nữa không? Kết quả là bao giờ 1 bài toán cũng có tới 5,6 cách giải mới đóng lại.
Thầy dạy Sinh học thì chuyên sâu quá môn giáo dục giới tính. Giờ giảng nào của ông thầy cũng có ít nhất 2/3 thời gian về giáo dục giới tính khiến cả lớp ôm bụng cười ngặt. Nhưng khi thầy dậy về di chuyền để ôn thi thì dễ hiểu vô cùng.
Cuộc sống vội vã khiến bao mùa tựu trường đã đi qua, lần nào về quê, tôi cũng đi qua trường xưa, ngó vào gốc cây đa cổ thụ nơi sân tập thể dục, ngó vào bãi đất trống trước kia suốt ngày lê la đi tìm cỏ gà ở sân trường cấp II. Một chút buồn.
Lâu lắm rồi 20/11 tôi không về thăm thầy cô giáo cũ, nhưng gương mặt từng người tôi vẫn chưa quên, vẫn nhớ rõ những giờ giảng của thầy, nhớ cả những kỷ niệm đẹp thầy để lại. Thực sự đến giờ tôi mới hiểu rõ, những khắt khe, khó tính của các thầy cũng là để mong trò trưởng thành. Và niềm vui lớn nhất với các thầy có lẽ cũng chính là nhìn những đứa học trò của mình trưởng thành, thành người có ích cho xã hội.
Năm nay lại vừa qua ngày khai giảng. Sáng ra tôi chuẩn bị đi làm nhìn từ ban công tầng 7 xuống sân trường tiểu học, những em nhỏ khăn đỏ phấp phới, các cô giáo mặc áo dài đứng cạnh học sinh lớp mình trong buổi chào cờ.
Trong trời thu, gió thu, những hàng phượng đung đưa vất xuống đường túm lá vàng rực.
Hình ảnh ấy sao mà đẹp thế, và tôi chỉ mong nó mãi đẹp như vậy, như trời thu và như giấc mơ từ ngàn xưa của dân tộc Việt, những người con mang sức mạnh trí thức đi xây dựng tương lai.
Một thế hệ học sinh như tôi, mới đi qua 1/3 cuộc đời, nghĩa là chưa đến 2 thập kỷ mà sao đã thấy nền giáo dục đổi thay nhanh quá.
Tôi nhớ thầy tôi, cô tôi, những người giáo viên nhân dân cương chính, yêu nghề rồi cũng sẽ tới lúc nghỉ tay chèo mà thôi đưa những lứa trò qua sông, những thầy cô giáo trẻ sẽ là tương lai của nền giáo dục.
Mẹ tôi là một người thầy điển hình của thế hệ sau giải phóng, tất nhiên, những thầy cô giai đoạn ấy đều cũng đã nghỉ cả, bà để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu về lòng yêu nghề và trái tim nhiệt huyết của một người làm nghề “chèo đò đưa đất nước đến tương lai”. Cảm ơn mẹ, cảm ơn thầy cô, những người thầy của thế kỷ cũ – thế kỷ XX.
© Mèo Lilu – blogradio.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Chấp nhận sự từ chối-Làm thế nào chúng ta có thể biến nỗi đau thành sự phát triển Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Hối hận muộn màng Thứ Tư, 18/11/2020, 18:45
- 8 điều phụ nữ không bao giờ nên tha thứ cho đàn ông trong tình yêu Thứ Tư, 18/11/2020, 18:37
- Cuộc sống công bằng hay không chính là do bạn Thứ Tư, 18/11/2020, 18:01
- Những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng mình đúng không anh? Thứ Tư, 18/11/2020, 18:00
- Hãy lạc quan lên vì ngày mai trời sẽ sáng Thứ Tư, 18/11/2020, 11:00
- Con mong bố luôn trẻ mãi Thứ Tư, 18/11/2020, 10:00
- Chúng mình hẹn nhau phía sau tan vỡ Thứ Tư, 18/11/2020, 10:00
- Khi người thật sự yêu mình Thứ Tư, 18/11/2020, 09:00
- Người yêu không chịu đăng ảnh tôi lên mạng Thứ Hai, 16/11/2020, 18:00
- Ngày đó tôi thích cậu Thứ Hai, 16/11/2020, 10:00
- Sống hết mình cho những tháng năm thanh xuân rực cháy Thứ Hai, 16/11/2020, 10:00
- Có ai thấy cô đơn trước biển cả? Thứ Hai, 16/11/2020, 09:30