Cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Người mẹ nhiễm HIV cần cho con bú đúng cách, tránh làm nứt vú, viêm vú...
HIV có thể truyền từ người mẹ nhiễm HIV sang con trong khi có thai, khi đẻ và khi cho con bú. Đây được gọi là đường lây truyền từ mẹ sang con.
Theo một số điều tra, ước tính nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con theo từng giai đoạn nếu không được can thiệp như sau: Trong khi mang thai: 5-10%; Trong khi chuyển dạ và đẻ: 10-15%; Trong thời gian cho con bú 5-20%; Tính chung nếu không nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) 15-25%; Tính chung nếu NCBSM đến 6 tháng: 20-35%; Tính chung nếu NCBSM đến 18-24 tháng: 30-45%.
- Khoảng 2/3 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ không bị nhiễm kể cả không được can thiệp như dùng thuốc chống vi rút hoặc mổ đẻ.
- Khoảng 5-20% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ bị nhiễm vi rút qua sữa mẹ. Nguy cơ này vẫn tiếp tục chừng nào bà mẹ vẫn còn cho con bú, tỷ lệ này tăng lên hay giảm đi theo thời gian cho con bú.
- Bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm hơn là ăn hỗn hợp. Nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự lây truyền HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ
- Nhiễm HIV mới trong lúc có thai và cho con bú, vì lúc này lượng virut trong máu cao làm trẻ dễ bị nhiễm hơn. Nhiễm HIV thể nặng mà không được điều trị thì lượng virut trong máu cao dễ lây truyền cho con. Thời gian cho bú mẹ càng dài, nguy cơ càng cao. Bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu ít nguy cơ hơn ăn hỗn hợp. Người ta cho rằng, các thức ăn, đồ uống khác có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột. Điều này làm cho virut dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ. Tình trạng nứt núm vú, áp-xe vú sẽ tăng nguy cơ lây. Tình trạng miệng của trẻ bị đau hoặc tưa miệng làm cho vi rút dễ dàng truyền sang trẻ qua vùng niêm mạc bị tổn thương.
5 điều kiện của thức ăn thay thế: - Được chấp nhận: Bà mẹ không gặp cản trở nào về tập quán, các vấn đề xã hội, sự sợ hãi hoặc kỳ thị khi nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế. - Có khả năng: Bà mẹ (hoặc gia đình) có đủ thời gian, kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực khác để chuẩn bị thức ăn thay thế phù hợp lứa tuổi của trẻ. - Đáp ứng được: Bà mẹ và gia đình được cộng đồng y tế hỗ trợ khi cần, bảo đảm đủ thức ăn thay thế cho trẻ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của gia đình. - Lâu dài: Những thức ăn thay thế phải được cung cấp liên tục theo nhu cầu của trẻ đến 1 tuổi hoặc lâu hơn. - An toàn: Thức ăn thay thế phải được chế biến, bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh, đủ chất lượng cho trẻ. |
Trước hết, bà mẹ hãy nhận biết những lợi ích và bất lợi của việc NCBSM hoàn toàn sau đây:
Lợi ích: Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất, bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh, đặc biệt là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước, do đó trẻ không cần thức ăn, nước uống nào khác. Sữa mẹ luôn có sẵn, không mất tiền và không cần thời gian chuẩn bị. So với ăn hỗn hợp thì bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu nguy cơ nhiễm HIV thấp hơn. Bú mẹ giúp bà mẹ kế hoạch hóa gia đình, chậm có thai trở lại.
Bất lợi: Trẻ càng bú kéo dài càng tăng nguy cơ phơi nhiễm với HIV. Nếu cho trẻ uống thêm nước hay các thức ăn, đồ uống khác (ăn hỗn hợp) sẽ làm tăng nguy cơ tiêu chảy và các bệnh nhiễm khuẩn khác. Vì vậy, cần hỗ trợ để các bà mẹ cho trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi họ lựa chọn được cách nuôi dưỡng khác cho trẻ. NCBSM hoàn toàn sẽ khó khăn cho bà mẹ đi làm vì không thể mang theo con đi cùng. Khó khăn đối với các bà mẹ bị bệnh.
Các bà mẹ bị nhiễm HIV sẽ có 2 cách lựa chọn sau:
- Nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì có thể lựa chọn NCBSM trong vài tháng đầu. Vì lúc này trẻ không được nuôi dưỡng tốt sẽ bị suy dinh dưỡng và nhiễm nhiều bệnh tật gây nguy hiểm hơn. Nhưng nên ngừng cho bú sớm ngay khi đã chuẩn bị đủ thức ăn thay thế đáp ứng 5 điều kiện. Khi đã chọn NCBSM phải cho trẻ bú đúng cách để tránh làm nứt núm vú, viêm vú của mẹ vì cả hai đều có thể tăng nguy cơ lây truyền HIV. Với một số bà mẹ không có thức ăn thay thế đủ 5 điều kiện mà muốn ngừng cho trẻ bú trực tiếp thì nên vắt sữa ra đun nóng. Dù rằng đun nóng sữa mẹ sẽ làm giảm các yếu tố miễn dịch và các enzym cần thiết nhưng vẫn còn các chất dinh dưỡng như đạm, đường, mỡ, vi khoáng.
- Nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình khá giả, bà mẹ có thể lựa chọn nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế, đó là quá trình nuôi trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ mà bằng một chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng với các thành phần dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng nhu cầu theo tuổi của trẻ cho đến khi trẻ có thể ăn được các thức ăn cùng với gia đình.
Tất cả trẻ em đều phải được ăn bổ sung khi tròn 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi không NCBSM cũng có nhiều điều bất lợi bao gồm các nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ. Các bà mẹ cần thường xuyên tiếp cận thông tin, thật cân nhắc khi lựa chọn cách nuôi trẻ phù hợp với hoàn cảnh của mình.
BS. Phạm Thị Thục
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00