Bước qua đổ vỡ hôn nhân Thứ Sáu, 21/08/2020, 09:15
"Tôi xin gửi tặng bài viết này đến tay của những chàng trai cô gái trẻ đã mạnh mẽ bước qua một cuộc hôn nhân tan vỡ."
Chẳng có cuộc hôn nhân nào khi mới bắt đầu đã biết hồi kết ra sao. Ngày hạnh phúc nhất là ngày ta nói lời yêu, ngày ta trao cho nhau những chiếc nhẫn đính hôn đầy hứa hẹn, những giọt nước mắt của tình yêu, của hy vọng vào một phần tri kỷ còn lại sẽ đồng hành cùng ta trong suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời. Tôi gọi đó là ngày thật đặc biệt.
Chính vì thế mà hôn nhân vẫn là chuyện trọng đại mà ở bất cứ một xã hội và thời đại nào, người ta vẫn coi đó là một món quà của thượng đế. Chẳng ngẫu nhiên mà ta đem lòng thương một người hoàn toàn xa lạ, rồi cùng họ xây dựng một cuộc sống riêng, dành hết những năm thanh xuân đến tận khi một trong hai người tạm biệt thế giới. Cái màu nhiệm của hôn nhân là sự chịu trách nhiệm về chính bản thân và cuộc sống bé nhỏ mà hai người vun đắp.
Những góc khuất hôn nhân
Bạo lực gia đình
Ở Việt Nam, tư duy “Một điều nhịn, chín điều lành” dường như trở thành câu cửa miệng mỗi khi con gái xuất gia về nhà chồng. Người phương đông quan điểm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, cho nên ngọn lửa tình yêu và hạnh phúc mái nhà có được vun vén hay không, là ở tại người phụ nữ cả. Bạo lực không chỉ về thể xác như (đánh dập, lạm dụng sức lao động), về tâm lý tinh thần như chửi rủa, nhiếc móc, chì chiết và cả về tình dục (cưỡng bức quan hệ). Bức tranh bạo lực gia đình ở Việt Nam không hiếm, có chăng người Việt vẫn phần lớn phủi tay cho xong chuyện chỉ vì điều tiếng và những áp lực tâm lý đám đông. Sự ràng buộc về cam kết hôn nhân khiến nhiều người quyết định lựa chọn “sống chung với bạo hành”, nhưng những hệ quả về sau ít ai dám đề cập.
Những bữa cơm lạnh ngắt chẳng ai nói một lời, rồi cả mâm cơm hắt đổ vì sự giận dữ của người chồng trước những ánh mắt sợ sệt trong cái đói của mấy đứa bé. Những đêm làm bạn với cả đất trời bao la vì bị tống ra khỏi nhà. Những đứa trẻ bơ vơ không ai chăm sóc, giáo dục. Những căn nhà vắng tiếng nói tiếng cười. Quanh năm chỉ im lìm dưới những ánh mắt người ta né tránh nhau dưới một mái nhà. Rồi sự tủi thân vì 365 ngày đều trôi qua tẻ nhạt
Gánh nặng con cái
Con cái là kết tinh của tình yêu và hạnh phúc viên mãn của cả hai người, là minh chứng cho sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm của cả hai. Thê nhưng, sự xuất hiện của những thành viên mới với nhiều gia đình lại là điều phiền toái. Bất đồng trong cách chăm sóc, giáo dục con, gánh nặng về chi phí sinh hoạt học tập cũng như mâu thuẫn gia đình xuất phát từ khoảng cách thế hệ cũng từ đây mà ra.
Khoảng cách trong mối quan hệ vợ chồng
Không khó hiểu khi hậu kết hôn, những mộng tưởng màu hồng về một cuộc sống viên mãn sẽ vỡ như những bong bóng mưa, quá nhiều nhưng lại nhanh tàn. Sự bất đồng về các quan điểm xây dựng mái ấm, phân chia thời gian chăm sóc con cái - gia đình và những kế hoạch của riêng hai phía. Tâm lý thay đổi của người vợ sau sinh cũng khiến tình cảm vợ-chồng trở nên khó gần và phức tạp hơn. Tuy nhiên, người chồng thường vẫn có xu hướng tập trung vào sự nghiệp nhiều hơn là gia đình, phó mặc chuyện nhà cửa cho vợ hoặc ông bà.
Sự xuất hiện của người thứ ba có lẽ là một trong những yếu tố khiến những cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt nhiều nhất. Tuy nhiên đây chỉ là yếu tố ngoại cảnh, họ nhúng chân vào chỉ khi một trong hai người cho phép điều đó xảy ra. Có muôn ngàn lý do về sự lựa chọn trớ trêu này từ một hoặc cả hai phía, nhưng phần lớn đều bắt nguồn từ chính trong mối quan hệ không còn vẹn nguyên như ngày đầu.
Những giọt nước mắt chưa khô
Mất niềm tin vào hôn nhân
Hôn nhân đổ vỡ cũng giống như một con dao sắc lạnh cứa vào trái tim từng thổn thức yêu. Càng ngỡ tình yêu này là mãi mãi, càng tin tưởng vào những lời hứa trước khi cả hai về chung một mái nhà, thì cảm giác phải trải qua những vết rạn nứt ngay từ những vụ bất đồng, cãi vã, cho đến những cái tát, những lời nhục mạ người kia buông lên mình, thậm chí là cả bố mẹ của mình, thật là điều quá tồi tệ.
Ngày này ba năm về trước, khi rối bòng bong trong những tập đề thi đại học, tối nào tôi cũng thức luyện đề cùng những chiếc điện thoại đen trắng bật đài FM, phát sóng chuyên mục Hẹn hò radio. Tuy chưa 18, cũng chưa nếm mùi của sự đổ vỡ trong chính câu chuyện của mình, ít nhiều tôi vẫn bị ám ảnh vì những góc cô đơn của không ít những chàng trai cô gái còn quá trẻ. Không phải trước giờ họ cô độc, ngược lại họ đã từng yêu rất sâu đậm và từng bị bỏ rơi trong chính mối quan hệ của mình. Những trường hợp đã quyết định làm mẹ đơn thân ở cái tuổi mới 20, 21, đêm về tủi khóc chẳng có ai bầu bạn. Những câu hỏi bâng quơ đầy ngây thơ của những đứa trẻ vô tội về sự vắng bóng của bố mẹ chúng là nhúm muối chà sát lên vết thương lòng đến giờ vẫn chưa thể lành lại.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh là điều mà tất cả chúng ta trước giờ đều thừa nhận. Ai sinh ra cũng có quyền được hưởng hạnh phúc từ gia đình, vì đó là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng quý nhất. Thế nhưng, nếu một ai đó đã từng không may mắn bước ra từ những mái ấm bất hạnh, đến khi trưởng thành lại tiếp tục giẫm lên vết xe đổ tan vỡ ấy, nỗi đau ấy lại tái phát lần thứ hai và khó chấp nhận. Những vết xe đổ tuy đã mòn dấu từ lâu, nhưng sức sát thương mà nó để lại dường như vẫn còn nguyên vẹn. Chẳng có lời an ủi nào đủ sức kéo họ ra khỏi vòng tròn nỗi ám ảnh và chứng minh cho họ thấy cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp hơn để nuôi hi vọng vào một tình yêu thương xa lạ hơn nữa. Tình yêu thương vẫn là điều cao thượng và diệu kỳ. Cũng bởi thế mà khi thất bại trong chuyện tình cảm vợ chồng, nhiều người không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào những quyết định của bản thân, cách nhìn người và cả những lẽ sống. Đổ vỡ trong hôn nhân khiến người ta có phần mềm yếu và có xu hướng đề phòng hơn đối với tình cảm của những người xa lạ, đặc biệt là người khác giới.
Nước mắt trẻ thơ
Nếu đã có con, bạn có thấy chúng thui thủi khóc mỗi khi hai người cãi vã? Nếu bạn đã từng chính là những đứa trẻ ấy, bạn đã lau khô những giọt nước mắt lăn trên má mỗi khi chứng kiến những câu chuyện trong gia đình mình? Tôi thấu lắm, vì tôi chính là nạn nhân gián tiếp của hôn nhân rạn nứt. Ngày bé, khi chứng kiến những trận bạo hành mà lẽ ra tôi không nên thấy, tôi đã từng chán ghét tột cùng gia đình mình và thầm ước đó không phải nhà mình. Một suy nghĩ như mặc định trong đầu từ đó đến tận bây giờ vẫn là “Không kết hôn”, và tối có lý do cho quyết định đó. Thế nhưng, khi càng lớn lên, tôi nhận ra mình còn khóc nhiều hơn ngày bé, bởi càng hiểu chuyện, tôi lại thấy thương bố mẹ rất rất nhiều, thương cả sự cô độc của chính mình trong chính mái ấm ngôi nhà.
Có nên đi thêm bước nữa?
Câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào những gì bạn cảm nhận - cảm nhận đa chiều. Nó là tổng hòa của nhịp đập nơi sâu thẳm con tim bạn, là cái ánh mắt của những đứa con, và cả kế hoạch trong tương lai mà bạn muốn thiết lập lại cho một cuộc sống mới. Cuộc đời là những sự lựa chọn, và ở những thời điểm khác nhau, không bao giờ có lựa chọn nào là đúng đắn tuyệt đối. Huống chi chuyện này nghiêng nhiều về tình cảm, nên nó cần có thời gian.
Có thể, đi bước nữa sau vết xe đổ của cuộc hôn nhân cũ chưa chắc đã là điều sáng suốt và có khả năng chữa lành nỗi đau trong bạn. Nếu sáng suốt nhìn lại nó, bạn nên cho mình một khoảng thời gian đủ lâu để trấn an tâm lý và làm quen với cuộc sống một mình, gánh gồng những trách nhiệm và thấu hiểu đối phương. Tất nhiên, hi vọng nối lại hôn nhân với người cũ là điều dường như là không thể.
Dù thế, dù đã từng được yêu hay là chưa, đã từng đổ vỡ một lần nào đó, bạn với một sự mạnh mẽ mà những người khác không có. Có lẽ, quan điểm này sẽ được nhìn nhận theo những khía cạnh rất khác nhau, nhưng tôi cho rằng buông bỏ một mối quan hệ hôn nhân khi không còn hạnh phúc là một lối thoát. Có thể ai đó sẽ nói bạn quá ích kỷ, hoặc đổ lỗi mọi thứ lên đầu bạn, vì tôi vẫn thấy đó là sự lựa chọn sáng suốt.
Hãy cho mình một cơ hội để yêu
Hôn nhân một khi đã đi vào ngõ cụt thì nên tự giải thoát cho nhau, và đó là lựa chọn sáng suốt nhất đối với cả hai. Cuộc sống hạnh phúc không đồng nghĩa với việc bên nhau kề kề ở mọi lúc mọi nơi, mà là tình yêu thương và sự tôn trọng đối với bạn đời. Thế nên, đừng trói mình và cả những đứa con trong chiếc lồng định kiến xã hội, để rồi khốn khổ chịu đựng những tháng ngày chìm đắm trong nước mắt và kí ức không nên có. Hãy chăm sóc và sống tốt cuộc đời của mình khi không có đối phương bên cạnh, bạn sẽ nhận lại những tình cảm trân quý từ chính mình và sự tôn trọng từ phía đối phương. Nếu đã làm cha, làm mẹ, đừng bỏ rơi chúng vì chúng không có tội. Cố gắng sống tốt và tạo cho con những niềm vui, để san lấp những thiếu vắng tình cảm mà chúng phải chịu đựng.
Vài tháng, vài năm là quá ngắn cho một cuộc hôn nhân, cũng quá khó để thấu hiểu lòng người, nhưng nó khiến cả hai nhìn lại quá nhiều thứ về bản thân. Giá như ta gặp nhau ở sau này, khi ta trưởng thành, đủ lớn để chịu trách nhiệm về chuyện tình cảm của mình. Hãy mạnh mẽ để đối diện, để dũng cảm thành thật với chính con tim của mình. Ta cảm ơn vì nhau đã đến với nhau vào những giai đoạn trống vắng nhất và yếu đuối nhất thời tuổi trẻ. Cảm ơn vì đã từng là một phần thanh xuân quá tươi đẹp của nhau. Cảm ơn về tất cả những gì ta mang đến, một giọng nói, một ánh mắt và cả trái tim. Rồi bầu trời sẽ lại rất xanh như cái ngày ta nói lời yêu, cả hai sẽ lại có những cơ hội và lựa chọn mới cho riêng mình. Rồi một ngày em sẽ yêu như em đã từng nói:
"...Một ngày cuối thu
Nghe nắng trong tâm hồn
Một hình bóng ai kia gọi mời
Một trái tim vừa mở lời
Lại gần em hơn nữa
Nhẹ hôn tóc em môi kề môi
Những ánh mắt trao nhau ngại ngần
Thay bao dấu yêu đã bao lần..."
Uyên Nguyễn - Triết học tuổi trẻ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Chấp nhận sự từ chối-Làm thế nào chúng ta có thể biến nỗi đau thành sự phát triển Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Tuổi 23, không còn trẻ nhưng cũng chưa phải là già Thứ Năm, 20/08/2020, 16:00
- 11 dấu hiệu cho thấy bạn quá căng thẳng, stress đến mức chính mình cũng không nhận ra Thứ Tư, 19/08/2020, 18:30
- Thanh xuân đó tôi có bạn và những kỉ niệm Thứ Tư, 19/08/2020, 17:00
- Ba không hoàn hảo nhưng ba vẫn là anh hùng trong trái tim con Thứ Tư, 19/08/2020, 09:19
- Yêu đơn phương nhưng vẫn hạnh phúc Thứ Tư, 19/08/2020, 09:15
- Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người Thứ Ba, 18/08/2020, 15:15
- Đừng làm tổn thương người khác vì tổn thương rồi sẽ chẳng bao giờ bù đắp được Thứ Năm, 13/08/2020, 15:30
- 10 dấu hiệu cho thấy bạn nên buông bỏ một mối quan hệ Thứ Tư, 12/08/2020, 19:30
- 5 quan niệm sai lầm khi hẹn hò bạn cần bỏ ngay nếu muốn tình yêu hạnh phúc Thứ Tư, 12/08/2020, 18:00
- Bạn đã thật sự hạnh phúc chưa? Thứ Tư, 12/08/2020, 17:00
- Cuộc đời chúng mình đừng ngắn Thứ Tư, 12/08/2020, 09:00
- Đừng làm tổn thương người khác vì tổn thương rồi sẽ chẳng bao giờ bù đắp được Thứ Ba, 11/08/2020, 15:00