Bạo lực gia đình với những nhóm dễ bị tổn thương và ít được can thiệp Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

tamsubantre.org - Phiên hội thảo song song có chủ đề “Thực tế muôn màu – Câu hỏi cho Pháp luật” là một trong những phiên thu hút được nhiều người quan tâm và thảo luận trong khuôn khổ hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình “Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống”. Hội nghị diễn ra vào những ngày cuối tháng 9/2012 vừa qua, tại Crown Plaza, do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và dân số (CCIHP), CSAGA và Gencomnet đồng tổ chức.
Trong phiên hội thảo này, các diễn giả trình bày các nghiên cứu của mình liên quan đến những đối tượng có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng trầm trọng từ bạo lực gia đình, nhưng chưa được các chương trình can thiệp hoặc hỗ trợ quan tâm chú ý đến như trẻ em, người sống chung với HIV, vợ/bạn tình của nhóm người nghiện chích ma túy, trong đó, trẻ em là đối tượng thường chịu ảnh hưởng nặng nề từ bạo lực gia đình.
Theo ông Nguyễn Bá Đạt (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), diễn giả trình bày nghiên cứu “Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực” thì “Bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả tiêu cực trong thời điểm xảy ra hành vi bạo lực, mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho người chịu sự bạo lực hoặc chứng kiến cảnh bạo lực. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với trẻ em là rất nghiêm trọng.”
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực là sự rối loạn tâm lý do trẻ phải chịu đựng hoặc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Sự rối loạn tâm lý ở trẻ sống trong gia đình bạo lực biểu hiện thành những hành vi hướng nội như thu mình, than phiền về cơ thể, lo âu trầm cảm; hay các hành vi hướng ngoại như gây hấn, hành vi sai phạm, vi phạm kỷ luật. Một số trẻ gặp rối loạn về tư duy, rối loạn chú ý. Ở trẻ nhỏ, ta có thể nhận thấy trẻ trầm buồn hơn bình thường, ít nói hơn, ít giao tiếp với mọi người, hoặc khóc một mình (đối với trẻ gái); cáu gắt, tăng động, phản ứng gay gắt với người khác (đối với trẻ trai).
Loại trừ các yếu tố nhiễu, (trẻ bị rối nhiễu tâm lý do di truyền, do thay đổi trong não bộ các chất dẫn truyền thần kinh, hoặc trải nghiệm qua một sự kiện gây sốc, bị tập nhiễm từ các hành vi xung quanh); nghiên cứu muốn giải thích mối liên quan giữa bạo lực gia đình và rối nhiễu tâm lý ở trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Thứ nhất, trẻ em sống trong gia đình bạo lực bị rối nhiễu tâm lý: lo âu, trầm cảm, rối nhiễu hành vi, tuy nhiên không phải trẻ em nào sống trong gia đình bạo lực cũng bị những rối nhiễu tâm lý này. Có sự khác biệt này là do ở những trẻ khác nhau có các yếu tố bảo vệ và yếu tố nguy cơ khác nhau. Yếu tố bảo vệ là những yếu tố góp phần làm giảm khả năng rối nhiễu tâm lý ở trẻ trong gia đình bạo lực; ở đây là về phía bản thân trẻ có khả năng tự nhận biết, đánh giá bản thân tốt, có kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng đương đầu và giải quyết vấn đề tốt; người mẹ trong gia đình bạo lực đó không bị nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý; trẻ có mối quan hệ tốt với người cha; có sự hỗ trợ của những người xung quanh. Yếu tố nguy cơ là những yếu tố làm tăng khả năng khiến trẻ bị rối nhiễu tâm lý; ngược lại so với các yếu tố bảo vệ, về phía bản thân trẻ là trẻ thiếu kỹ năng đương đầu, giao tiếp kém, ít tiếp xúc với mọi người, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Thứ hai, những trẻ vừa phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ vừa bị bạo lực thì có nguy cơ rối nhiễu tâm lý cao hơn. Dấu hiệu lo âu, trầm cảm, rối nhiễu hành vi (hành vi gây hấn, hành vi sai phạm) có mối tương quan thuận với sự trừng phạt của cha mẹ. Trẻ sống trong gia đình bạo lực càng bị bố mẹ đánh chửi càng bị rối nhiễu tâm lý nhiều. Trong gia đình, bố mẹ càng có nhiều hành vi bạo lực với nhau trẻ càng bị rối nhiễu tâm lý nhiều.
Như vậy, chúng ta đã có những bằng chứng để khẳng định rằng rối nhiễu tâm lý ở trẻ là hậu quả của việc trẻ chứng kiến, hoặc chịu đựng bạo lực gia đình. Trong gia đình bạo lực, sự trừng phạt của cha mẹ (bằng roi vọt, mắng chửi) là yếu tố làm gia tăng thêm rối nhiễu tâm lý ở trẻ. Trong can thiệp và phòng ngừa bạo lực gia đình, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em.
Một đối tượng khác có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình, nhưng cũng chưa được các chương trình can thiệp về bạo lực gia đình để ý đến, đó là người có H. Nghiên cứu “Bạo lực gia đình đối với người có HIV” của bà Phan Hồng Giang, được trình bày tại hội nghị cũng nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của người nghe. Kết quả nghiên cứu Bạo lực gia đình đối với người có HIV cho thấy bạo lực gia đình đối với người có H đang diễn ra khá phức tạp. Người có H phải chịu sự bạo lực gia đình nhiều tầng: bạo lực gia đình từ nguyên nhân thường thấy và bạo lực gia đình từ nguyên nhân có HIV. Nữ giới có H bị bạo lực gia đình nhiều hơn nam giới. Trong khi đó nhận thức, thái độ và hành vi của những người có H về việc mình bị bạo lực còn hết sức hạn chế: 28/30 người có H cho rằng nên giữ im lặng, không nên nói về việc mình bị bạo lực với bất kỳ ai. Và điều này càng làm tăng thêm khả năng bị bạo lực của họ. Sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội đối với người có H có mối quan hệ chặt chẽ đối với người có H bị bạo lực gia đình, điều này thể hiện ở chỗ họ không dám công khai việc mình bị bạo lực để tìm kiếm sự hỗ trợ. Vai trò của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, các dịch vụ can thiệp còn hạn chế. Một số cán bộ ở các cơ quan này còn tỏ ra thờ ơ, không can thiệp việc người khác gây ra bạo lực với người có H.
Thứ hai, có rất nhiều rào cản gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, làm việc, hỗ trợ người có HIV. Do cách ứng xử và nhìn nhận giá trị của con người phân theo giới và vị trí trong gia đình, 5/30 người có H cho rằng nếu xảy ra bạo lực gia đình, phần lớn là do người vợ không khéo xử lý tình huống. 17/30 người nghĩ rằng là con cái, là vợ dù bị bố mẹ, bị chồng đánh thì cũng không nên phản ứng lại dưới mọi hình thức. 16/30 người đồng ý rằng trong gia đình, người chồng nên có quyền lực hơn người vợ.
Pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền, các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình thì chưa có quy định cụ thể nào về hỗ trợ cho đối tượng bị bạo lực gia đình là người có H, nhận thức của người hỗ trợ về HIV còn hạn chế, gây cản trở cho quá trình hỗ trợ.
Thêm vào đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người có H càng khiến người có H giấu giếm tình trạng bị bạo lực gia đình. Họ khó kiếm việc làm, khả năng kinh tế bị phụ thuộc nên họ dễ bị bạo lực gia đình và không có khả năng kháng cự.
Như vậy có thể thấy rất rõ rằng người có H là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình. Mà khi tiếp cận, can thiệp bạo lực gia đình đối với người có H còn rất nhiều rào cản. Luật phòng chống Bạo lực gia đình cần được bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan đến đối tượng này.
Nghiên cứu “Bạo lực tình dục và nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bạn tình của người nghiện chích ma túy tại Tiên Du, Bắc Ninh năm 2012” của bà Đỗ Thị Vinh và Hồ Thị Hiền, trường Đại học Y tế công cộng cũng chỉ ra một số kết quả đáng chú ý. Bạo lực và bạo lực tình dục khá phổ biến đối với nhóm vợ/bạn tình của người nghiện chích ma túy, và bạo lực tình dục này làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV của phụ nữ nông thôn và bạn tình của người nghiện chích ma túy lên trên 10 lần.
Qua đó, bà Đỗ Thị Vinh cũng đưa ra khuyến nghị, cần tăng cường các chương trình truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho bạn tình của người nghiện chích ma túy; nâng cao kỹ năng thương thuyết tình dục an toàn và sử dụng bao cao su cho bạn tình; tuyên truyền về luật phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi nghiêm cấm như bạo lực tình dục; cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, bạo lực tình dục.
Khép lại phiên song song này, chủ tọa Phạm Kim Ngọc, chủ tịch Mạng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet) đã đăt ra một câu hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Bạo lực gia đình là một thực tế muôn mầu, nó cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Thông qua những trao đổi thảo luận như thế này, chúng ta thấy rằng, còn rất nhiều khía cạnh của cuộc sống mà luật chưa hướng đến. Trong các chương trình chúng ta phải làm như thế nào để có thể tiếp cận được đến những đối tượng yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ bạo lực gia đình. Tại sao chúng ta lại đối xử độc ác, tàn tệ với người có H, với trẻ em? Sự thay đổi phải xuất phát từ mỗi con người trong chúng ta”
Khánh An
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tầm quan trọng của sự nhất quán khi dạy con Thứ Sáu, 01/03/2024, 14:00
- KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN Thứ Sáu, 12/01/2024, 00:00
- Vì sao người ta theo đuổi “đa sự nghiệp”? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Hiring freeze - Khi tạm dừng là việc cần làm để tồn tại Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Mình đứng lên từ cú sốc bị xem thường vì làm nhiều nghề Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá” Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Hãy cư xử như một senior nếu muốn trở thành một senior Thứ Sáu, 24/02/2023, 14:07
- Beyoncé: Cần cù bù vào tài năng Thứ Ba, 24/01/2023, 00:00