Sự ám ảnh này tác động không nhỏ lên cuộc sống của họ khiến họ luôn ở trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, stress, thậm chí nghĩ đến cái chết (giống như suy nghĩ của một người khi biết mình đã thực sự nhiễm HIV).
Các phương pháp xét nghiệm HIV hiện tại chỉ có thể cho kết quả chính xác khi việc xét nghiệm được thực hiện ở thời điểm sau khi trải qua tình huống có nguy cơ từ 3 đến 6 tháng. Đây có thể là một quãng thời gian không hề ngắn đối với những người này. Họ có thể mất ăn, mất ngủ, giảm cân; không còn hứng thú cũng như năng lượng để học tập, làm việc và tham gia các hoạt động mà trước đây họ thường làm.
Họ có thể liên hệ đến một số biểu hiện về sức khoẻ như cảm cúm, sốt nhẹ, đau người… mà họ đang gặp để tin rằng mình đã thực sự bị nhiễm HIV, mặc dù trên thực tế đây không phải là những biểu hiện đặc hiệu của một NCH ở giai đoạn đầu.
Một số người cũng có thể tự dằn vặt là đã “sa ngã”, bất cẩn, nông nổi hoặc “đen đủi” vì đã rơi vào tình huống có nguy cơ; hoặc trách móc, tức giận với người đã dẫn họ đến tình huống có nguy cơ đó.
Họ cũng có thể nghĩ đến khả năng nếu họ nhiễm HIV thật thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào, phải đối mặt với những điều gì; có nên công khai tình trạng nhiễm HIV không; những người thân sẽ như thế nào biết họ nhiễm HIV, có bỏ rơi họ không, xã hội xa lánh và kỳ thị họ không; bao lâu thì sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS và bao lâu thì sẽ chết; điều trị và chăm sóc sử khoẻ của mình thế nào để có thể kéo dài cuộc sống… Nhìn chung những điều mà họ nghĩ đến không khác mấy so với cảm giác và trạng thái tâm lý mà một người có HIV thật trải qua khi vừa biết mình nhiễm HIV.
Những cảm giác và suy nghĩ như vậy của một người vừa trải qua tình huống có nguy cơ và chưa thể xét nghiệm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những người thậm chí đã làm xét nghiệm và được bác sĩ chẩn đoán là âm tính (không nhiễm HIV) rồi nhưng vẫn không tin kết quả đó là chính xác và tiếp tục làm xét nghiệm thêm nhiều lần nữa. Khi đó sự ám ảnh của họ có thể đã ở mức bệnh lý và cần được điều trị tâm lý.
Vậy nếu bạn hoặc người thân của bạn trải qua tình huống có nguy cơ hoặc đang ám ảnh về nguy cơ lây nhiễm HIV, bạn cần làm gì? Dưới đây là một số gợi ý:
* Nếu bạn là người trải qua tình huống có nguy cơ:
- Tự xác định mức độ nguy cơ.
- Thực hiện các biện pháp xử trí và điều trị dự phòng sau phơi.
- Tìm đến các trung tâm tư vấn HIV để được trợ giúp tâm lý và tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến HIV nói chung và nguy cơ lây nhiễm HIV nói riêng (trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua internet).
- Tự nhủ rằng hành vi nguy cơ đã qua không thể thay đổi được nữa, cần chấp nhận và an tâm chờ cho đến khi đủ thời gian để có thể xét nghiệm.
- Tin rằng cách duy nhất để biết mình có nhiễm HIV hay không là xét nghiệm chứ không phải là các biểu hiện cơ thể.
- Cũng cần nghĩ đến tình huống là có thể bạn đã nhiễm HIV thật. Tuy nhiên, nhiễm HIV không có nghĩa là bạn sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS ngay lập tức. Và bị AIDS cũng không có nghĩa là sẽ chết ngay. HIV/AIDS cũng chỉ là một trong những nguyên nhân có thể gây ra tử vong. Nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tử vong sớm hơn như tai nạn giao thông hoặc ung thư.
Có những bệnh khác cũng chưa tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu như ung thư, suy thận, bệnh tự miễn dịch. Bạn vẫn có thể sống khoẻ mạnh và có ích trong nhiều năm. Bạn có thể sử dụng những năm tháng này để thực hiện những điều mình muốn làm.
* Nếu người thân, bạn bè của bạn là người trải qua tình huống có nguy cơ:
- Giúp họ có các biện pháp xử trí kịp thời, đúng cách và tiến hành điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (nếu cần).
- Cùng họ xác định mức độ của nguy cơ.
- An ủi, động viên họ nên chấp nhận hành vi nguy cơ đã trải qua vì không thể thay đổi được nữa.
- Giúp họ hiểu rằng cách duy nhất để biết mình có nhiễm HIV hay không là xét nghiệm chứ không phải là các biểu hiện về cơ thể.
- Nếu không đủ thông tin và kỹ năng tư vấn để giúp họ vượt qua sự ám ảnh, bạn nên đưa họ đến các trung tâm tư vấn về HIV (trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua internet).
- Giúp họ tập đối đầu với tình huống họ nhiễm HIV thật.
D.N