Giao diện tiếp cận

Tuổi thơ không bình yên Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Tuổi thơ không bình yên

Trẻ em vui chơi và khoẻ mạnh là niềm mơ ước của mọi gia đình (Ảnh minh hoạ)

Để tiếp cận được với phòng dành cho trẻ điều trị HIV, tôi đã phải cất công đến Viện Nhi Trung ương 4 lần. Bốn giờ tiếp xúc ngắn ngủi, nhìn những khuôn mặt ngây thơ, non nớt sớm chịu cảnh ốm đau, bệnh tật, biết bao nỗi niềm, suy nghĩ cứ trở đi trở lại như một sự dằn vặt mãi trong tôi.

Em bé có giấc ngủ không yên

Bé H, quê ở Thái Bình, đang điều trị lao phổi, nằm mệt mỏi, thở dốc, sốt và rên liên tục cả ngày đêm. Nhìn khuôn mặt sáng sủa, hiền hậu và dễ thương, ít ai ngờ mới chưa đầy tuổi, H đã có thâm niên nằm viện gần 10 tháng. Cả phòng này có 6 cháu, bố H là người đàn ông duy nhất tất bật chăm sóc H. “Khi nào H cũng rên như vậy. Nhìn cháu khổ từ giấc ngủ, cô có thấy không, cháu đang điều trị ARV nên đau lắm”. Tôi nghẹn lại khi thấy cả phòng xúm lại nói về H. Suốt cả ngày lẫn đêm, lúc nào H cũng rên như vậy. “Người lớn ốm còn mệt, huống chi là cháu. Cháu phải đi viện từ lúc 2,5 tháng cô ạ”. Bố H. rơm rớm nước mắt.

Lúc vừa sinh ra, H trắng trẻo và bụ bẫm lắm. Khi thấy bé ốm yếu liên miên, hai vợ chồng mang đi chữa trị mới hay con bị nhiễm HIV từ lúc nào. Không dám xét nghiệm bản thân mình vì sốc, anh chị giấu nỗi đau vào lòng đưa H lên Viện Nhi điều trị. “H là người có thâm niên ở đây lâu nhất, từ tháng 10 năm ngoái đấy cô ạ”. Bố bé H tâm sự.

Nhiều cặp vợ chồng đã dồn hết của cải và sức lực chăm sóc con những mong một ngày con khỏe mạnh (Ảnh minh hoạ)

Cha mẹ H đều làm nông nghiệp, gia đình hai bên nội ngoại đều nghèo khó nên không giúp được gì nhiều. Vợ chồng thay nhau vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc con. “Thương và nhớ con, hai vợ chồng tôi cùng ra đây để ở gần con, nhưng đêm tôi lại vất vưởng ngoài công viên… nuôi muỗi. Thế là chúng tôi bàn nhau, mỗi người một tuần chăm con cho đỡ tốn. Biết là vất vả, cực khổ vì chạy mua cơm, mua nước, giặt giũ, chăm sóc con khi có một mình, nhưng nhà nghèo, biết làm sao được hả cô!”. Vậy là đến 6 tháng nay, hai vợ chồng anh thay nhau chăm sóc H, cứ cuối tuần, anh lại lặn lội về tận Thái Bình khi vợ ra thay. Nhìn cách anh tất bật pha sữa, bế con nựng, ai cũng ái ngại...

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

Tại Viện Nhi Trung ương thường xuyên có hai phòng điều trị và chăm sóc các bé bị nhiễm HIV với khoảng 10 - 12 cháu. Phần lớn các em vào đây khi đã ở giai đoạn cần điều trị. Q.A, mới 4 tuổi, quê ở Tuyên Quang, xuống đây được gần một tháng. Người Q.A gầy đét như que củi, xanh xao, vàng vọt. Ngồi nói chuyện cùng em, thấy em đòi ăn mì tôm, sữa, bim bim liên tục; nhưng khi mẹ đưa cho, em lại ứa nước mắt không ăn được. “Q.A chỉ đòi thế thôi vì thèm. Lưỡi đau rộp, cả tháng nay hầu như Q.A chẳng ăn được gì ngoài uống men tiêu hoá”. Mẹ em buồn rầu nói.

Theo Phó Giáo sư, Bác sĩ Phạm Nhật An, trưởng khoa Lây truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương thì khoa Lây truyền của Viện Nhi Trung ương được thành lập năm 1979 nhưng mới tiếp nhận điều trị bệnh nhân có HIV khoảng 10 năm trở lại đây. Việc tiếp nhận bệnh nhân theo quy trình của nhà nước quy định, không phân biệt đối tượng. Ở đây, luôn có hai phòng chuyên khoa dành cho các em nhiễm HIV ở các tỉnh lên điều trị. Phần lớn các em ở đây đến điều trị khi đã ở giai đoạn AIDS vì suy giảm miễn dịch nặng hoặc đến điều trị dự phòng. Có hai tư vấn viên là người có HIV tình nguyện làm tư vấn cho các mẹ về chăm sóc và điều trị bé có HIV trước khi họ quyết định chăm sóc con tại nhà hay đến bệnh viện điều trị.

Bố mẹ Q.A cũng không khá giả gì. Dành dụm được 6 triệu đồng, anh chị vội đưa bé xuống đây chữa trị, “chỉ mong bé có tương lai”. Q. A là em bé rất thông minh và nhanh nhẹn. Bố Q.A được một nhà xe chạy tuyến Tuyên Quang - Mỹ Đình cho ngủ nhờ ở gần bến xe, còn chị ngày ngày ở viện chăm con. Sáng sáng, 7 giờ, anh đi xe buýt mua đồ ăn sáng vào cho vợ con rồi mang quần áo về giặt. Chiều  lại vào thăm con và mua những thứ cần thiết. Anh là người may mắn nhất ở phòng điều trị này vì có người quen cho ở nhờ, chứ đa số, các ông bố đều phải ngủ vật vờ ngoài công viên vì người ta không cho ngủ ở hành lang bệnh viện, mà thuê nhà để chăm con thì quá xa xỉ với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Đến ăn uống, họ còn nhịn để mua thuốc cho con nói chi đến nhà trọ với giá 80 nghìn/ngày/đêm ở gần bệnh viện. Nếu tính chi phí một tháng con nằm viện, tiền nhà cũng đã quá triệu, còn tiền ăn và bao khoản chi phí khác. Thôi, nhịn ăn, nhịn mặc, tất cả vì tương lai của con vậy.

Bé N (10 tuổi), đang truyền dịch ở giường bên cứ thỉnh thoảng lại ngoái nhìn mọi người nói chuyện. Ngày nào N cũng phải truyền dịch đến chai cả tay. Trước đây, N học giỏi lắm, nhưng khi sức khoẻ yếu, N phải lên đây chữa trị và bỏ bê việc học đến nửa năm rồi. Có lẽ, chỉ còn hai bàn tay và hai bàn chân N là có sức sống do cơ thể bị phù vì phải nằm nhiều. Hai mẹ con N tự lo cho nhau, chăm sóc lẫn nhau, thiếu bàn tay đàn ông nên mọi đồ dùng gần như cả phòng mua giúp. Gần đến ngày phải đi học nhưng N vẫn phải nằm tại chỗ để truyền. “Cháu muốn được về đi học lắm”, N buồn bã nói. Năm học mới này, N lên lớp 5. Dường như, N cũng hiểu phần nào trong câu chuyện nghe được của người lớn. Ít nhất, N phải ở đây 1 tháng nữa để điều trị, về nhà rồi, biết mình có đủ sức khoẻ mà theo học tiếp? N ít nói, lúc nào cũng nằm trân trân nhìn chai nước truyền mong mỏi.

Còn V.A là người mới nhất của phòng điều trị khi vừa vào đây được một ngày. V.A không khóc nhiều như những em bé khác nhưng có đôi mắt rất buồn. Em không ngồi được vì suốt ngày đeo bỉm, xương hông nhô lên chỉ có thể nằm dựa vào mẹ. Hai em bé mới sinh chưa đầy tháng còn lại trong phòng, bố mẹ ngồi dựa vào tường im lặng và mệt mỏi. “Có ai khi sinh con ra lại phải chứng kiến nó gầy còm, xanh xao chưa đầy cân thế này đâu hả cô?”. Nhưng với lòng thương yêu và trách nhiệm của một người bố, người mẹ, họ vẫn đưa con vào đây điều trị bởi “còn nước, còn tát”.

Nỗi lòng cha mẹ

Hoàn cảnh gia đình túng thiếu, những ông bố, bà mẹ ở đây dồn hết tiền bạc chữa trị cho con những mong sau này con có tương lai. Các bà mẹ đêm nào cũng thường nằm ôm con khóc chứ không ai ngủ được. Lo ngày mai con sẽ ra sao, lo cuộc sống và cả những dằn vặt bản thân nữa. Ở đây, mỗi khi con đòi ăn phở, bố xách cặp lồng đi mua về. Con ăn bao nhiêu, còn bao nhiêu hai bố mẹ húp nước để che lấp cái đói, dành tiền chữa trị cho con. Căn phòng 20 mét vuông, 6 cháu bé, 6 người nhà chăm sóc. 12 người ngủ trên 3 cái giường một nên phải nằm ngang được nửa lưng. Họ chịu đựng tất cả khó khăn và khổ cực, chỉ mong một ngày, con được khoẻ để ra viện.

Ngày nào đó, con sẽ được ra viện để đến trường (Ảnh minh hoạ)

Trong phòng, mọi người ít nói dù luôn cố gắng tỏ ra thoải mái, tươi cười cho không khí đỡ căng thẳng. Nhưng chỉ cần có phút lặng, ai cũng âm thầm buồn bã tìm cho mình một góc ngồi. Trên vai họ còn có tương lai của con, còn gánh nặng tiền thuốc, tiền chữa trị cho con. “Nếu 5 năm trước biết mình bị HIV, tôi đã để tiền mua hai quan tài cho 2 vợ chồng. Nhưng khoa học càng hiện đại, tôi càng hi vọng có thể điều trị cho cháu có tương lai. Chúng tôi dành hết tiền điều trị cho cháu, mong một ngày cháu có thuốc chữa khỏi bệnh để đến trường”. Bố Q.A tâm sự.

Những em bé như Q.A, H hay N, đều xác định phải sống chung với HIV khi còn đang rất nhỏ. “Mỗi năm, trung bình các em phải đi viện 3 lần để điều trị. Dài nhất là nằm viện 2 tháng, tính chi phí cũng lên tới 18-20 triệu đồng. Nhà nông, lấy đâu tiền mà chữa trị, dù thương con lắm”, mẹ bé N thở dài.

Đã 6 giờ tối mà cơn giông chiều ập đến lúc 4 giờ vẫn chưa kịp tạnh. Mai là H tròn 1 tuổi, cũng là vừa 9 tháng rưỡi em nằm viện. Bước ra khỏi phòng điều trị, tôi hứa sẽ quay lại chơi với các em, mua bóng bay cho N và mua tặng H, Q.A một ít bột đậu xanh. Thấy bé H đang khóc bỗng im bặt ngơ ngác nhìn. Tôi bước nhanh ra khỏi phòng, đỏ hoe mắt. Sắp hết giờ thăm bệnh nhân, các bố phải đi mua ít đồ dùng cần thiết cho vợ con. Đi cùng tôi một đoạn dài, 3 người bố chung nhau một chiếc ô, chẳng ai nói với nhau câu gì. Dường như trên vai họ, nỗi lo lắng cho con đang đè nặng mỏi mệt, bao giờ con mới được ra viện…
 
L. M
Lượt xem: 1138

Nhận xét(0 Nhận xét)

Chưa có nhận xét nào

Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét  của bạn.

Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *




Các tin mới hơn



Đăng ký nhận bản tin

Nhận qua email bản tin thông báo về ấn phẩm, chương trình và sự kiện của Tâm sự 360.

Đối tác

IPPF
Logo-Rockefeller
Save-Child
CORDAID

Liên kết website

CCIHP
Lao động xa nhà

Đóng góp - Tài trợ

Thanh niên Việt Nam cần sự chung tay của bạn để có một cuộc sống lành mạnh, an toàn, thỏa mãn và tương lai bền vững.



Thống kê truy cập

Số người đang online: 11
Lượt truy cập: 36398711

bandar togel terbaik slot online gampang maxwin 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Togel Terbaik Dan Terbesar Min Bett 100 Perak 5Daftar Situs Bandar Togel Terpercaya Situs togel Resmi dan Terpercaya Aplikasi bandartogel terbaik dan terbesar di indonesia 5 Rekomendasi Situs Bandar Togel terbaik Rekomendasi Situs Bandar Togel Terbaik SLOT GACOR : Slot Online Gacor Terbaik SLOT DEMO : Slot Demo Gacor Terlengkap 5 Daftar Situs Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbesar Dan Terbaik Daftar Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Rekomendasi Slot Demo Anti Lag Slot Demo Gacor Situs Bandar Togel Resmi Rekomendasi Slot Demo Anti Lag TOTO ONLINE Akun Slot Demo Gacor Terlengkap 10 Daftar Bandar Togel Terbaik