Xa hơn một chút... Khi đang học mẫu giáo. Lớp học đã tan. Mọi đứa trẻ hớn hở chạy ra cửa khi nhận thấy bóng dáng quen thuộc của cha hay mẹ. Đứa nào được cha mẹ đón sớm nhất sẽ sở hữu ánh mắt ghen tị của bạn bè. Lớp học thưa dần. Các bạn đều đã được đón hết. Chỉ còn lại nó. Sân trường vắng lặng. Bác bảo vệ đi từng phòng để khoá cửa lại. Cô giáo phải dắt nó ra cổng trường để chờ mẹ... Cứ cái xe đạp màu đỏ nào thoáng qua cũng làm nó hy vọng... Mẹ vẫn chưa đến. Đèn đường đã sáng. Những con muỗi đang vo ve trên đầu... Mẹ vẫn chưa đến... Cổ nó nghẹn lại... Bao giờ mẹ mới đến?
Trong tuổi thơ của mình, hẳn ai cũng đôi lần như thế... Khi mẹ đến, bạn oà khóc nức nở, mẹ dỗ dành, mẹ xin lỗi. Có thể mẹ lại đến đón muộn một vài lần nữa, những đó chỉ là đón muộn thôi, vì bạn biết chắc, rồi bóng mẹ lại sẽ xuất hiện ở phía cuối con đường.
Chúng em muốn được yêu thương!
Chờ đợi...
Còn nó, đứa trẻ bị nhiễm HIV tội nghiệp, nó phải chứng kiến sự ra đi của cha mẹ, từng người một, từng người một... Ngay cả khi không còn ai, nó vẫn chờ đợi. Biết đâu có một phép màu, cha mẹ sẽ trở về. Nó muốn ở trong căn nhà quen thuộc. Nó muốn được mẹ xoa lưng trước khi đi ngủ, muốn được nghe tiếng ho quen thuộc của cha, muốn được nằm trên chiếc giường mà nó vẫn cảm nhận được hơi ấm của mẹ... Nhưng căn nhà ấy được bán đi, trong niềm hy vọng mong manh, một nỗi sợ mơ hồ xâm chiếm lấy nó, phải làm thế nào đây, nếu cha mẹ trở về sẽ không gặp được nó nữa. Vì bị nhiễm HIV nên không người thân nào dám nhận nuôi nó và họ quyết định đưa nó đến một nơi xa. Nó băn khoăn, liệu cha mẹ có tìm được chỗ mới này để gặp nó hay không?
Cũng giống như bạn khi chờ mẹ đến đón, nó đã đứng trên một con đường chỉ có bóng tối, trong cảm giác bơ vơ và lạc lõng. Nó đã chờ đợi. Nó đã khóc... Nhưng điều khác biệt là không ai đến đón. Dù biết chắc rằng cha mẹ sẽ không trở lại nữa, sao trong nó cứ ấp ủ một niềm hy vọng... Không có tiếng bước chân nào quen thuộc, không ai đến ôm nó vào lòng để dỗ dành nữa. Không có bàn tay vững chắc nào để đưa nó về căn nhà yêu dấu. Tiếng khóc ấy rơi vào vô vọng... Con đường dài và tối quá, ai đó thô bạo đang xô đẩy chúng...
Nhà mới
Rồi nó được đưa đến một ngôi nhà mới. Xa lạ mà cũng rất quen thuộc. Quen bởi lần đầu tiên nó nhận ra nhiều đứa cũng ở trong hoàn cảnh của nó. Những đứa bé không có người thân và đều bị nhiễm HIV. Lần đầu tiên nó phải gọi một người xa lạ là mẹ, nhưng mẹ lại có rất nhiều con. Rồi, có rất nhiều người đến thăm nó, họ từ các vùng miền khác nhau của đất nước, có cả những người nước ngoài với ngôn ngữ xì xồ mà nó chẳng hiểu.
Nhưng họ thật tốt, họ mang đến cho nó và các bạn bao nhiêu quà. Nó biết thêm một điều rất mới đó là: Những đứa trẻ mồ côi như nó có thể có một gia đình mới, rất nhiều người muốn chăm sóc cho những đứa trẻ mồ côi, rất nhiều người cũng khao khát được làm cha, làm mẹ... Có thể nó lại có gia đình, nó sẽ tìm được một không gian ấm áp... Nhưng mãi rồi cũng không có ai chú ý gì đến nó. Một ngày, nó chợt nhận ra, sẽ không có ai nhận nó làm con nuôi, bởi vì, nó bị nhiễm HIV...
Im lặng
Nó buồn qúa. Nhưng nó không khóc. Nó nhìn xa xăm. Một nỗi sợ mơ hồ. Nó không hiểu nhiễm HIV là gì? Tại sao cha mẹ lại không về với nó? Tại sao mọi người lại xa lánh nó? Nó đã làm điều gì sai? Hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu óc non nớt ấy...Mà không một câu trả lời. Cứ như vậy, nó chìm vào im lặng. Vì nó không chia sẻ hay vì không có ai lắng nghe?
Bay lên những trái tim yêu thương!
Hãy giúp nó...
Người ta nhận thấy rằng, có nhiều trẻ bị nhiễm HIV đã bị mất cha mẹ hoặc đang chăm sóc cha mẹ bị nhiễm HIV, các em thường không nói về những trải nghiệm này với bất cứ ai, hoặc hiếm khi tâm sự về những nỗi buồn và đau thương của bản thân với mọi người. Nhiều em đã dồn nén cảm xúc của mình. Không ai hiểu các em đang nghĩ gì.
Một số trẻ nhỏ đã nghĩ rằng, cha mẹ chúng mất đi là do lỗi của chúng, bởi chúng đã làm điều gì đó sai trái. Suy nghĩ tiêu cực ấy đã được củng cố thêm bởi những người đang kì thị chúng, những người không chỉ xa lánh mà đang tìm cách cô lập những đứa trẻ này; họ mắng mỏ chúng về những hành vi của cha mẹ chúng trong quá khứ. Một số em rơi vào trạng thái trầm uất và thậm chí đã tự tử.
Người ta nhận thấy số lượng trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì AIDS tăng đáng ngạc nhiên; năm 1990 số lượng trẻ này là khoảng 536,000, đến nay con số này đã tăng lên 12,4 triệu, và không ai biết được trong tương lai con số này sẽ là bao nhiêu. Ở Việt Nam, có 85,000 trẻ sống cùng HIV, trong đó có 21,000 trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì AIDS. Dù có chương trình phòng chống lấy nhiếm HIV từ mẹ sang con nhưng số lượng trẻ nhiễm HIV vẫn đang tăng... Số phận của những đứa trẻ này sẽ đi đến đâu?
Chúng ta có thể giúp được gì?
Chúng ta có thể chọn cho mình một căn nhà, một chiếc áo, một ngành học yêu thích; nhưng không ai có thể chọn lựa được gia đình. Trẻ nhiễm HIV không chỉ gánh chịu nỗi đau mất đi cha mẹ, bị người thân xa lánh, sống trong sự sợ hãi mơ hồ không hiểu về căn bệnh mình đang có mà còn phải chịu cả sự kì thị phân biệt đối xử của cộng đồng.
Trong tôi vang mãi câu hỏi của một cô bé “Cháu bị nhiễm HIV, nhưng cháu đã làm gì sai? Tại sao mọi người lại xa lánh cháu?”. Điều gì đang ngăn cản chúng ta chia sẻ những nỗi đau này cùng chúng?
Và điều đầu tiên chúng ta có thể làm lúc này là hãy giúp mọi người hiểu được khó khăn và thông cảm hơn với hoàn cảnh của trẻ có HIV, hãy gửi thông điệp này đến với bạn bè, những người quen... để tất cả mọi người hiểu rằng: Chúng ta đang cố gắng Phòng chống HIV/AIDS chứ không phải cô lập, xa lánh những người có HIV! Hãy để cho tình yêu thương toả sáng, hãy xoá đi sự ích kỉ, lo lắng thường ngày...
Đào Thị Thanh Phương