Tình thương - một loại vũ khí chống lại HIV/AIDS Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Quán cà phê truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở quận 1
Là thành phố công nghiệp lớn nhất nước, song TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong số địa phương dẫn đầu cả nước về số người có HIV. Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 24.000 người nhiễm HIV được phát hiện. Và đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, song điều đáng quý ở đây là người có HIV đã được xã hội dang tay bao bọc...
Tu viện, chùa – “nhà” của bệnh nhân AIDS
Chùa Kỳ Quan, quận Gò Vấp, trước đây chủ yếu nuôi dưỡng người mù, bây giờ cửa Phật mở rộng đón nhận người có HIV không nơi nương tựa. Còn tại Trung tâm Chăm sóc Mai Hòa thuộc dòng nữ tu Bác Ái Thanh Vinh Sơn, huyện Củ Chi, cuộc sống của những người có HIV diễn ra trong dòng chảy êm đềm của tình thương. Nơi đây, không ai cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc cảm thấy ân hận, day dứt vì quá khứ, bởi phương châm của Mai Hòa là: “Khi bạn vào đây, tất cả chúng ta là anh em một nhà”. Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối được các sơ nữ tử Bác Ái chăm sóc chu đáo, ân cần. Sơ Tuệ Linh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Mai Hòa bày tỏ mong ước: “Chúng tôi cố gắng đem lại cho các anh, chị, các em niềm vui sống và khi lìa đời, nhất thiết phải ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng”...
“Tự lực” là tự cứu mình
Tôi có dịp đi cùng BS. T.T.D, Trưởng nhóm thiện nguyện Tự Lực, đến thăm các bệnh nhân của anh, nơi căn nhà mở ở quận Gò Vấp. Đây là một trong 4 căn nhà mà các chủ nhân đồng ý cho nhóm mượn để nuôi dưỡng, điều trị người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Khi chúng tôi đến, trong nhà có 4 bệnh nhân, tuổi từ ngoài 20 đến ngoài 30, đều là nam (vì chị em có HIV thì ở riêng nhà khác). Các bạn này cũng có gia đình ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vũng Tàu, nhưng đều bị người thân từ bỏ. Sau khi bệnh viện điều trị một số bệnh nhiễm trùng cơ hội, xuất viện, các bạn lang thang ở công viên, hoặc đi ăn xin... và được mạng lưới thiện nguyện của Tự Lực phát hiện, đưa về các nhà mở của nhóm. Tại đây, họ được chăm sóc, điều trị, và sống trong sự đùm bọc của Tự Lực đến khi lìa đời...
Với sự chăm sóc này không ít bạn sức khỏe từ suy kiệt đã từng bước phục hồi... Cũng như Trung tâm Chăm sóc Mai Hòa, ở các mái ấm Tự Lực, không ai hỏi bệnh nhân vì sao nhiễm HIV? Quá khứ đã sống ra sao? Mà câu hỏi của nhóm thường là: “Hôm nay bạn thấy trong người ra sao? Khỏe không? Ăn - ngủ được không?”, hoặc: “Bạn có mong ước gì?” - để tùy theo nguyện vọng của bệnh nhân, các anh chị thiện nguyện viên cố gắng đáp ứng.
Từ khi thành lập đến nay, các mái ấm Tự Lực đã chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân qua đời, nhóm đã hỏa táng chu đáo. Theo BS. T.T.D, “thành tích” mà nhóm tự hào nhất là đã giúp rất nhiều người có HIV, trước khi lìa đời, được “hòa giải” cùng gia đình.
Trả lời câu hỏi của tôi: “Kinh phí ở đâu để Tự Lực thực hiện công việc này?” BS. T.T.D. trầm ngâm: Bằng tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam. Khi “kho” thuốc cạn tôi điện hoặc email cho bạn bè ở trong và ngoài nước, các bạn giúp ngay. Chúng tôi luôn có đủ gạo, thực phẩm, quần áo, thuốc men, dịch truyền, để góp phần đem lại cuộc sống xứng đáng, trong tình thương yêu của cộng đồng, cho những người có HIV ở đây trước khi họ ra đi mãi mãi.
- Tại sao anh không làm những dự án để được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ?
- Nhà báo không thấy tên của nhóm là Tự Lực sao? Chúng tôi muốn duy trì hoạt động này bằng chính tấm lòng và khả năng của chúng tôi, trên tình nghĩa đồng bào.
Cộng đồng cùng chung sức
BS. Nguyễn Hữu Luyễn, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, quả quyết với tôi: “Thành phố có khả năng tự quản lý gần 90% người có HIV, qua mạng lưới hơn 30 bệnh viện. Tại những nơi này, số bệnh nhân có HIV đều gửi báo cáo về đây nên chúng tôi có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng”.
- Và các anh đã yêu cầu đồng đẳng viên đến tiếp cận khi bệnh nhân xuất viện?
- Đúng vậy, chủ yếu để giúp họ vượt qua cơn sốc tâm lý, nếu có, và hỗ trợ vật chất, lẫn tinh thần nếu họ chuyển sang giai đoạn nặng. Gia đình không quan tâm thì đồng đẳng viên sẽ chăm sóc họ tại nhà cũng như khi nhập viện.
Có thể nói công tác tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV được thành phố thực hiện rất tốt, dù bệnh nhân ở nhà hay ở các cơ sở y tế. Chỉ tính riêng hoạt động của nhóm bạn giúp bạn trong năm 2005: chăm sóc tại nhà: 8.100 lượt, tại bệnh viện: 1.542 , lang thang: 2.347 lượt... Có 957 lượt người nhiễm được hỗ trợ vật chất. Nhóm cũng đã quyên góp và tặng 3.700 phần quà để người nhiễm HIV/AIDS vui đón xuân Bính Tuất.
Nhóm bạn giúp bạn có nhiều hoạt động, trong đó mảng tìm việc làm cho người có HIV do chị H.T phụ trách. Chị làm nhiều dự án, được các tổ chức phi chính phủ chấp thuận, nên ở 24 quận – huyện có nhiều dự án triển khai, giúp nhiều người nhiễm HIV/AIDS có công ăn việc làm, tuy thu nhập không nhiều nhưng bảo đảm cuộc sống. Và chủ yếu, qua các dự án này, nhiều người nhiễm trở thành giáo dục viên đồng đẳng, là cầu nối giúp những người cùng cảnh ngộ tiếp cận các dịch vụ như: đến trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng hoặc đến các phòng khám bệnh lưu động để được tư vấn, khám và cấp thuốc điều trị các bệnh cơ hội,... Ngoài ra, mạng lưới đồng đẳng viên góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng qua các hoạt động: phát bao cao su, bơm kim tiêm; vận động gái mại dâm sử dụng bao cao su và người sử dụng ma túy dùng bơm kim tiêm một lần hoặc khử trùng đúng cách... Các mô hình can thiệp giảm tác hại này đã góp phần kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch.
Bức tranh phòng chống HIV/AIDS ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn có nhiều mảng màu xám như sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV chẳng hạn. Nhưng những gam màu tươi sáng trên đây không chỉ làm ấm lòng những người có HIV mà còn giúp cho tất cả chúng ta thêm tin tưởng rằng bằng tình người và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi được đại dịch.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00