Tin vui đối với bạn trẻ: Dự án phòng chống HIV trị giá 26,7 triệu USD dành riêng cho thanh niên Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Sau một thời gian khá dài, với sự làm việc nhiệt tình của các chuyên gia, các cán bộ Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em, dự án "Phòng chống HIV cho thanh niên" đã chính thức được khởi động. Dự án này do Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em làm chủ dự án dưới sự tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Đây là một tin vui đối với giới trẻ chúng ta, những người được hưởng lợi chính từ dự án.
Xuất phát từ thực tiễn là hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi thanh niên không ngừng gia tăng. Theo số liệu chính thức từ Bộ Y tế, tính đến tháng 6/2006 tổng số người nhiễm HIV (tích luỹ số nhiễm) ở nước ta là 109,989 người (ước tính thực tế gấp 3 lần con số này), trong đó 79% số người nhiễm ở trong độ tuổi thanh niên (20 - 39 tuổi). Đồng thời hiện nay dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã có dấu hiệu lan sang cộng đồng (thể hiện ở tỷ lệ mẹ truyền sang con và tỷ lệ thanh niên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự có kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngày càng tăng). Hơn thế nữa, mặc dù thanh niên Việt Nam có sự hiểu biết cao về HIV/AIDS nhưng trong hành vi còn nhiều bất câp. Ví dụ như theo báo cáo của Điều tra Đánh giá về thanh niên Việt Nam (SAVY 2005, do Bộ Y tế phối hợp với WHO thực hiện), 98% biết được bao cao su là biện pháp có thể phòng chống lây truyền HIV nhưng hơn 70% lại cho rằng sử dụng bao cao su sẽ làm giảm khoái cảm và khoảng 50% cho rằng mang theo bao cao su là thể hiện của những quan hệ không chính đáng. Chính vì vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với thanh niên là rất cao. Dự án này ra đời, nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) thông qua các chương trình truyền thông thay đổi hành vi. Đặc biệt có hai vấn đề mới mà dự án sẽ tập trung nguồn lực của mình để thực hiện, đó là tăng cường hành vi chấp nhận xét nghiệm HIV tự nguyện và tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su trong thanh niên. Có thể coi đây là một trong số các "chìa khoá" mở cánh cửa giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong thanh niên một cách hiệu quả.
Để thực hiện được điều đó, dự án dự định tiếp cận với thanh niên bằng nhiều cách khác nhau, như tạo môi trường hỗ trợ đảm bảo sự tiếp cận của thanh niên đối với giáo dục và dịch vụ sức khoẻ sinh sản thân thiện (bao gồm cả tư vấn xét nghiệm tự nguyện và không bị phân biệt đối xử), tăng cường vai trò của thanh niên trong các hoạt động, tiếp cận tới những người có ảnh hưởng đối với thanh niên (cha mẹ, thầy cô giáo, người lãnh đạo cộng đồng...). Dự án cũng sẽ sử dụng truyền thông đa phương tiện (VTV, radio, website, đĩa CD-ROM, đường dây nóng, báo chí, quảng cáo....) để tạo ra một chiến dịch truyền thông cộng hưởng, đồng bộ và sâu rộng kết hợp với các chương trình Giáo dục kỹ năng sống (đặc biệt là giáo dục kỹ năng giải quyết các xung đột và kỹ năng từ chối các hành vi có hại) trong các trường học, các câu lạc bộ thanh niên, các trường dạy nghề... và các chương trình giảm thiểu tác hại đối với các nhóm thanh niên có nguy cơ cao (cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch, vận động các hiệu thuốc bán rộng rãi bơm kim tiêm). Đặc biệt, dự án sẽ "đánh" thẳng vào lĩnh vực Giải trí - Giáo dục trên truyền hình, xây dựng và sản xuất kịch, phim truyền hình nhiều tập để đưa các thông điệp về sức khoẻ và xã hội đến với đông đảo các bạn thanh niên, qua đó tạo cơ hội để thanh niên tham gia thảo luận, toạ đàm các vấn đề "nóng" của cuộc sống, giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi của mình.
Dự án sẽ triển khai tại 15 Tỉnh/Thành trong cả nước, đó là những nơi tập trung đông thanh niên (nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, nhiều khu công nghiệp, trung tâm du lịch, giải trí...) và có tỷ lệ nhóm nguy cơ và nhóm dễ bị tổn thương cao. Trước mắt trong giai đoạn 1 dự án này sẽ được thực hiện tại 5 Tỉnh/ Thành phố khu vực phía Bắc (gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Tây), sau đó giai đoạn 2 sẽ triển khai tiếp ở 10 Tỉnh/ Thành còn lại (gồm Hải Dương, Điện Biên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp).
Dự án này đã mở ra một cơ hội lớn trong việc đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên. Với các nhà lập sách, các nhà thực hiện chương trình, họ còn rất nhiều điều cần phải làm để hoàn thiện chương trình và để đảm bảo dự án chạy tốt, có hiệu quả cao và mang tính bền vững. Còn đối với thanh niên, chúng tôi mong chờ các hoạt động của dự án này sẽ dành cơ hội tham gia trực tiếp, tích cực, thực sự "cho thanh niên" và "vì thanh niên".
Tâm sự bạn trẻ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00