Sức mạnh của lời khen tặng Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Việc công nhận và khen ngợi người khác có sức mạnh mãnh liệt. Những nhà lãnh đạo giỏi đều biết điều này. Những người luôn thu hút người khác, và tạo động lực cho người khác làm những việc tích cực cũng đều là những người biết động viên nhiều hơn là phê bình, khen ngợi nhiều hơn và ra lệnh ít hơn...
Ở một thành phố phía Tây Bắc nước Mỹ, có lần, một phụ nữ người nước ngoài lái xe ngang qua, rồi đậu xe vào bãi đỗ, và băng qua đường để mua sắm một ít đồ tại cửa hàng tạp hóa. Hy vọng được giảm giá một chút bù vào phí đỗ xe, và cũng không giỏi nói tiếng Anh, nhất là các thành ngữ địa phương, nên cô chìa vé xe ra hỏi người bán hàng:
- Anh có lời khen nào không?
Thực ra, ý của cô là “anh có gợi ý/ ý kiến gì [về chiếc vé này] không?”. Nhưng người bán hàng chỉ hiểu đúng những lời người phụ nữ thốt ra, nên anh ta đáp:
- Tất nhiên rồi ạ. Cô là một người rất tốt và tôi rất thích kiểu tóc của cô.
Như thế có lẽ là xứng đáng với phí đỗ xe. Ý tôi là, ai mà không sẵn sàng trả thêm một đôla để nhận được lời khen tặng như người phụ nữ đó chứ?
Đại văn hào Mark Twain nói: “Tôi có thể sống suốt hai tháng nhờ một lời khen tặng thật lòng”. Nhưng ông cũng nói: “Nếu bạn không thể có được lời khen tặng theo cách nào khác, thì hãy tự cho mình một lời khen”. Tôi cho rằng đôi khi đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể có một lời khen tặng.
Tôi luôn tin vào sức mạnh của việc công nhận, khuyến khích người khác. Có một lần, khi đi thuyết trình, tôi đã nói đùa với các khán giả của mình rằng trong suốt cả đời tôi, tôi chưa bao giờ nhận được một tràng vỗ tay nồng nhiệt. Họ liền tặng ngay cho tôi một tràng vỗ tay, nhưng tôi phải nói thật rằng nó chẳng đem lại nhiều cảm giác hài lòng khi bạn phải đề nghị thì người ta mới vỗ tay. Tuy nhiên, tôi vẫn không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của những lời động viên tích cực đối với cuộc sống của bất kỳ người nào.
Tác giả Alan Loy McGinnis có nhắc đến một nghiên cứu thú vị về tầm quan trọng của những sự động viên tích cực đó. Ông kể về một giáo viên dạy lớp hai thường than phiền rằng học sinh của cô suốt buổi cứ đứng lên và chạy quanh phòng, thay vì ngồi tại chỗ làm bài tập.
Hai nhà tâm lý học đã dành vài ngày ngồi ở cuối lớp và quan sát hành vi của học sinh cũng như giáo viên. Họ ghi chú lại rằng cứ 10 giây thì có bao nhiêu lượt học sinh rời chỗ ngồi của mình. Họ đếm được rằng cứ 20 phút thì có 360 lượt học sinh không chịu ngồi đúng chỗ. Họ cũng phát hiện ra rằng cô giáo đó phải nói: “Ngồi xuống!” 7 lần trong cùng khoảng thời gian 20 phút đó.
Hai nhà tâm lý học liền thực hiện một thí nghiệm. Họ đề nghị cô giáo bảo học sinh ngồi xuống thường xuyên hơn nữa. Rồi họ lại quan sát xem chuyện gì xảy ra. Lần này, họ ghi lại được rằng cô giáo yêu cầu học sinh ngồi xuống đến 27,5 lần trong khoảng thời gian 20 phút , và bây giờ thì có đến 540 lượt học sinh rời khỏi chỗ của mình trong cùng khoảng thời gian đó. Tức là, khi cô giáo mắng nhiều hơn thì tình hình càng tệ hơn. Có một điều rất thú vị là sau đó, khi cô giáo quay trở lại nhắc nhở với số lần như trước (7 lần), thì số lượt học sinh đi lăng quăng lại giảm xuống chính bằng con số trước đó.
Thế rồi hai nhà tâm lý học lại thử “chiêu” khác. Họ đề nghị cô giáo kiềm chế, không mắng hoặc ra lệnh cho học sinh ngồi xuống nữa. Thay vào đó, cô nhẹ nhàng khen ngợi những em học sinh ngồi đúng chỗ của mình và làm bài tập. Kết quả? Số lượt học sinh chạy lung tung giảm 33%. Bọn trẻ thể hiện những hành vi tốt nhất của mình khi được khen nhiều hơn và bị ra lệnh ít hơn.
Việc công nhận và khen ngợi người khác có sức mạnh mãnh liệt. Những nhà lãnh đạo giỏi đều biết điều này. Những người luôn thu hút người khác, và tạo động lực cho người khác làm những việc tích cực cũng đều là những người biết động viên nhiều hơn là phê bình, khen ngợi nhiều hơn và ra lệnh ít hơn.
Có thể câu hỏi của người phụ nữ nói trên cuối cùng lại là đúng: “Bạn có lời khen nào không?”. Tôi hy vọng tôi, và bạn, luôn có thể trả lời là CÓ
Đặng Mỹ Dung (dịch)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00