Sự kỳ thị… chết người Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Trái tim người có H cũng biết yêu thương
Mỗi khi muốn chê thứ đồ gì bị hỏng, không thể sử dụng được nữa như chiếc thớt đã mục, quyển sách bị rách…, nhiều người thường gọi là “xì ke”, “đồ sida”. Và không ngần ngại, họ ném chúng vào sọt rác. Thế nhưng, họ đâu biết rằng gọi như thế cũng là tỏ thái độ kỳ thị đối với những người nhiễm HIV/AIDS.
Kỳ thị bởi áp lực đám đông
Không thể phủ nhận một số người nhiễm HIV/AIDS đã từng nghiện hút, hành nghề mại dâm hoặc có những mối liên hệ với những nhóm đối tượng này, nhưng họ có đáng bị ghẻ lạnh, xa lánh như vậy không? Sự kỳ thị người xung quanh dành cho họ ảnh hưởng như thế nào? Đối với người bệnh, họ sẽ càng thêm tủi thân, xa lánh mọi người và có thể con đường tiến tới cái chết sẽ nhanh hơn. Còn những người bình thường, dù buông những lời mai mỉa, chê cười, chế giễu, nhưng liệu họ có thực sự cảm thấy thoải mái không?
Có những người kỳ thị vì áp lực nhóm của những người “bình thường” xung quanh. Họ e sợ bị vạ lây, rằng nếu không kỳ thị thì những người khác sẽ nghĩ họ “phải làm sao thì mới không sợ, không xa lánh, hay trước kia cũng thế…”.
Và như thế, sự kỳ thị cứ lây từ người này sang người khác mà mức độ nguy hiểm không hề kém một dịch bệnh nào.
Trong khu chợ tại thị trấn V, nếu ai không lớn tiếng quát tháo thì cũng ngọt nhạt xua đuổi X khi anh đến gần hàng quán của họ. Nghe đồn X đang mang trong mình hội chứng AIDS sau khi từ Cam-pu-chia về . Mọi hoạt động giao tiếp của X với mọi người xung quanh đã bị ngăn chặn lại. Người duy nhất chăm sóc X là một người thân trong nhà nhưng sự tiếp xúc cũng hết sức dè dặt. Anh trai X mua cho em một bộ đồ ăn riêng, dao kéo, chăn màn,…tất cả đều riêng rẽ. Có lần trong bữa cơm, X dùng nhầm đôi đũa của anh, anh X liền vứt ngay vào sọt rác trước mặt X, khiến anh luôn có cảm giác mình là một con quái vật, một con bệnh truyền nhiễm đáng ghê tởm. X ngập sâu vào cảm giác chán chường, cô đơn . Anh lặng lẽ uống thuốc ngủ tự tử để chấm dứt những tháng ngày sống trong sự cô lập của mọi người. Khi AIDS chưa đủ sức để giết anh thì anh đã bị giết bởi chính sự kỳ thị của mọi người. Một cái chết thật bất hạnh.

Kỳ thị ngược
Mọi người thường cho rằng chỉ có người lành kỳ thị người mắc bệnh mà quên mẩt rằng có một số người mắc bệnh cũng kỳ thị người bình thường. Ở những người này, khi biết cuộc sống bị bao phủ bởi đám mây AIDS, họ đều tỏ ra chán chường, tuyệt vọng vì biết sớm muộn gì cái chết sẽ đến với mình, và cũng lo sợ rằng khi mọi người biết sẽ khinh miệt, xa lánh mình. Vậy nên họ cố gắng che giấu được ngày nào hay ngày ấy. Đến khi không thể che giấu được nữa vì không được chuẩn bị tâm lý, không lường trước được thái độ của mọi người, họ càng rơi vào sự cô đơn, buồn chán hơn. Sự thiếu ổn định về tâm lý càng khiến họ suy yếu nhanh hơn.
Không hiếm trường hợp người có HIV lấy chính căn bệnh của mình ra để đe dọa mọi người. Báo chí đã từng đăng tải các “Chí Phèo” ngồi ở bến tàu, bến xe với chiếc xilanh dọa đâm mọi người để kiếm tiền. Nếu tự kỳ thị căn bệnh của mình thì sẽ không thể nào sống chung được với nó và hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Được giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu được của tất cả mọi người. Khi nhu cầu đó không được thỏa mãn, con người khó có được một cuộc sống phát triển cân đối, hài hòa. Con người một mặt thường khó chấp nhận những thứ khác với mình nhưng mặt khác lại dễ dàng dung nạp những thứ giống mình. Vậy nên, sự kỳ thị phải chăng là do sự ích kỷ của con người mà ra?
Mỗi khi đi qua các nghĩa trang, hiếm người không nhận ra có những ngôi mộ nằm lẻ loi ở góc khuất, được quét vôi trắng và rắc vôi bột xung quanh. Đấy có thể là những ngôi mộ của những người đã chết vì AIDS. Khi sống, họ đã chịu sự ghẻ lạnh, khinh miệt của mọi người xung quanh, đến cả khi chết đi rồi, sự xa lánh đó vẫn còn. Tôi tự hỏi nếu như thực sự có cõi âm thì ở đó, những người mắc AIDS có còn phải chịu sự kỳ thị bởi những người “lành” nữa không?
Nguyễn Loan
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00