Phụ nữ nhiễm HIV và Quyền Tình dục Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Ai cũng có quyền tình dục
Cũng giống như những người bình thường khác, nhu cầu tình dục của người nhiễm HIV cũng song song tồn tại cùng với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người như: nhu cầu được ăn, được ở và được mặc...
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người bệnh, và nhu cầu về tình dục cũng là một trong những yếu tố chịu sự ảnh hưởng đó. Trong khoảng thời gian đầu sau khi biết kết quả HIV dương tính, cùng với những cảm giác chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống, phần lớn những người nhiễm HIV còn rơi vào trạng thái thờ ơ với cuộc sống tình dục. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ dần qua đi khi người đó lấy lại được sự cân bằng trong tâm lý và cuộc sống hiện tại của họ. Đó là bản năng sinh tồn của mỗi con người mà tạo hóa đã ban cho. Mặc dù vậy, đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục bằng việc sử dụng bao cao su là yếu tố bắt buộc đối với cuộc sống tình dục của người nhiễm nhằm tránh sự lây lan cho những người thân và cộng đồng.
Sinh hoạt tình dục là cần thiết với tất cả, không chỉ với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng an toàn là chuyện cần làm, an toàn cho người mình yêu, phải luôn nhận thức được điều này, phải luôn nhớ các biện pháp phòng ngừa cần thiết...

Người có HIV cũng có nhu cầu tình dục như mọi người (ảnh minh hoạ)
Người nhiễm HIV có bạn tình không? Theo kết quả nghiên cứu của BS Hải Oanh thì họ cũng có bạn tình, nhiều khi bạn tình của họ không bị nhiễm HIV. "Chúng tôi nghiên cứu trên 2.600 người có HIV, trong khoảng 800 người được phân tích thì có 30% có bạn tình, bạn đời không bị nhiễm, mà chúng tôi vẫn thường gọi vui là đôi “cọc cạch”, BS. Oanh cho biết.
Mọi người đang nhầm và lo lắng quá mức. Trong các loại vi rút gây bệnh như HIV, lao, viêm gan B, viêm gan C, thì vi rút HIV được xem là vi rút dễ chết nhất, cũng khó lây nhất. Chỉ khác nhau ở chỗ, người ta nghĩ mắc HIV là chờ chết từng ngày, trong khi mắc viêm gan B, lao… cũng đáng sợ không kém nhưng không chết ngay nên không đáng lo. Tuy nhiên, trên thực tế, HIV đã có chương trình điều trị dự phòng, có thuốc kháng nên nhiều người vẫn có thể sống khỏe mạnh, kéo dài cuộc sống hơn chục năm.
"Một số người nghĩ rằng khi mang HIV trong người thì chúng tôi chỉ còn biết chống chọi với căn bệnh của mình, chứ chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến việc quan hệ tình dục. Nhưng họ không phải là chúng tôi. Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người và chẳng có lý do gì khiến chúng tôi lại mất đi nhu cầu đó", BS. Oanh cho biết thêm.
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, trong một buổi họp của nhóm GIPA được tổ chức tại văn phòng trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chủ đề "Quyền và nhu cầu về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản của người có HIV (NCH)" đã được đề cập. Vấn đề tưởng như rất tế nhị và có thể làm cho các thành viên dè dặt khi trao đổi, nhưng ngay từ màn giới thiệu, không khí của buổi họp đã thể hiện sự sôi nổi vì các thành viên đều hiểu không phải dễ dàng gì mở được một diễn đàn để trực tiếp thảo luận về quyền và nhu cầu của mình trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, tình dục như vậy. Với quan điểm đó, khoảng 30 thành viên đến từ các câu lạc bộ: Hoa Sữa, Hoa Hướng Dương, Thông Xanh, Ước mơ xanh, Bồ Câu… đã chia sẻ hết sức cởi mở ngay từ nội dung thảo luận đầu tiên: "Khi nói đến tình dục chúng ta thường nói đến điều gì?".
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi người thư ký đã liên tục viết lên trên bảng những cụm từ: tự nhiên, tình yêu, nhu cầu, thỏa mãn, sức khỏe và khoa học… bởi NCH cũng bình thường về mặt tâm lý và sức khỏe, nên không có lý do gì NCH lại nghĩ không giống với những người không có HIV. Một thành viên còn triết lý: "Với ai thì hoạt động tình dục cũng cần phải dựa trên nhu cầu và sức khỏe" và cũng hài hước khi chia sẻ công thức về tần suất hoạt động tình dục của mình gắn với số 7: "Nghĩa là với sức của tôi trong một tuần tôi chỉ quan hệ tối đa là 7 lần. Nếu sang lần thứ 8 thì tôi sẽ dần trở thành một ông cụ".
Và nội dung được các thành viên GIPA mong chờ, đó là phần chia sẻ và giải đáp của những cán bộ đến từ Dự án Tư vấn trực tuyến về Tình dục, Sức khỏe sinh sản và HIV cho thanh thiếu niên (CHAT/Tâm sự bạn trẻ) thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP) về quyền về tình dục và sức khỏe sinh sản của NCH. Các thành viên của GIPA tham gia buổi họp đã rất ngạc nhiên khi những phát hiện (trích từ: Một số phát hiện từ nghiên cứu tài liệu truyền thông và nghiên cứu định tính tại Hà Nội và Hải Phòng - nghiên cứu của tác giả Hoàng Tú Anh, Nguyễn Trương Nam, Nguyễn Thị Vịnh) như đã nói lên chính tâm tư và nguyện vọng của họ: "Chúng tôi cũng có nhu cầu được yêu, được quan hệ tình dục, được sinh con nhưng thực tế, hiếm khi chúng tôi được hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Khi đến với cơ sở y tế, nhiều khi các bác sĩ chỉ nói một câu ngắn gọn: Không nên có con" - một thành viên trong buổi họp chia sẻ.

Ai cũng có quyền được yêu thương
NCH cũng có quyền làm cha, làm mẹ. Và với tư cách là những người cha, người mẹ họ cũng khát khao điều tốt đẹp nhất: con không bị nhiễm. Song, ngay cả khi cơ hội có con không bị nhiễm chỉ là 50/50 thì họ cũng vẫn chấp nhận, bởi hơn ai hết, họ hiểu từ "cha", "mẹ" nó thiêng liêng và ý nghĩa với mình biết bao.
Theo nghiên cứu về "Quan hệ tình dục ở phụ nữ có HIV trong kỷ nguyên có thuốc điều trị kháng Retrovirus hoạt lực cao" (nhóm tác giả S. Lambert; A. Keegan; J. Petrak, đăng trong tạp chí Sexually Transmitted Infections, số 5/2009), các nhà khoa học đã phỏng vấn 82 phụ nữ nhiễm HIV các thông tin về dân số xã hội, các mối quan hệ, hành vi tình dục, và các thực hành an toàn tình dục. Các nhà nghiên cứu đã áp dụng thang điểm về lo lắng và trầm uất (the Hospital Anxiety and Depression Scale (HADS)) và thang điểm mức độ hài lòng về đời sống tình dục (the Golombok-Rust Inventory of Sexual Satisfaction (GRISS)) để lượng giá các câu trả lời của đối tượng nghiên cứu. Mục tiêu của các tác giả là khảo sát về hoạt động tình dục, mức độ thỏa mãn, việc sử dụng bao cao su (BCS) và một số yếu tố khác trong một quần thể các phụ nữ nhiễm HIV. Các tác giả nhận thấy 28% số phụ nữ này không có bạn tình kể từ khi được chẩn đoán có HIV. Thời gian kể từ khi được chẩn đoán không liên quan với việc đã có một bạn tình hay không. Thời gian trung bình kể từ khi được chẩn đoán đến thời điểm nghiên cứu là 69 tháng, dao động trong khoảng 4-101 tháng. 59% phụ nữ được khảo sát hiện đang có 1 bạn tình và một nửa trong số này tường thuật có quan hệ tình dục (QHTD) trong tháng vừa qua. Các tác giả nhận thấy nhiều bệnh nhân bị lo âu và trầm cảm (tỉ lệ lần lượt là 60% và 38%). Trầm cảm có liên quan đến chuyện né tránh QHTD. 60% đối tượng nghiên cứu nói họ luôn dùng BCS khi QHTD. Các bệnh nhân ít sử dụng BCS có khuynh hướng bị trầm cảm và lo lắng nhiều hơn. Các tác giả kết luận rằng: các khó khăn trong QHTD, bao gồm cả việc kiêng giao hợp, phổ biến trên quần thể nghiên cứu; điều này cho thấy cần có các can thiệp hỗ trợ về tâm lý tình dục cho phụ nữ nhiễm HIV và bạn tình của họ. |
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00