Nhóm giáo dục viên đồng đẳng TP. Biên Hòa: những người ''vác tù và hàng tổng'' Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Nhóm giáo dục viên đồng đẳng TP. Biên Hòa: những người ''vác tù và hàng tổng'' Nhóm giáo dục viên đồng đẳng TP. Biên Hòa: những người ''vác tù và hàng tổng''](https://tamsubantre.org/media/news/409_aids_stopsign_702694.gif)
Ảnh minh họa
Họ hầu hết đều là những người đã có một quá khứ đen tối khi vướng vào vòng nghiện ngập ma túy (MT) hoặc liên quan đến mại dâm (MD). Tuy nhiên, quá trình làm lại cuộc đời, họ đã nhận ra được lỗi lầm và tự nguyện gia nhập đội ngũ những tình nguyện viên trong việc tiếp cận để khuyên răn những người vẫn còn dính dáng đến MT, MD trở về đường ngay, lẽ phải. Đáng kể là trong số này, có người đã nhiễm HIV/AIDS, khi thấu hiểu nỗi đau tận cùng của sự chết chóc, nên họ đã tình nguyện chăm sóc cho những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối...
Tương tự như H., N.V.D. 32 tuổi, ngụ tại phường Long Bình Tân đã phải rất vất vả mới rũ bỏ được MT. D. bị nhóm bạn xấu đưa vào "tròng" nghiện ngập năm 1990. Năm 1999, trước nguy cơ trở thành con nghiện nặng, D. đã quyết tâm rời TP. Thái Nguyên vào TP. Biên Hòa "chạy trốn" đám bạn nghiện ở quê nhà. Không có bà con, giòng họ; không một người thân, nên những ngày đầu ở vùng đất lạ, D. đã phải sống vất vưởng, cực nhọc. Trong quá trình tự cai nghiện, chống chọi lại những cơn hành hạ vì thiếu MT, đã không ít lần D. nằm lăn lóc ngoài đường phố. Sau khi tự cắt cơn được, D. phải làm thuê, làm mướn để sống. Khi đã có cuộc sống tạm ổn định, D. xin vào làm công nhân ở một công ty. Anh là người rất hăng hái tham gia cùng các đoàn thể của phường trong việc phòng chống MT. Thấy anh tích cực và "có nghề" khi gặp các đối tượng nên chính quyền địa phương đã giới thiệu anh gia nhập nhóm đồng đẳng. Từ khi trở thành giáo dục viên, ngoài giờ làm ở công ty, D. tranh thủ tìm và gặp "khách hàng" (từ mà Dự án Phòng chống AIDS ở Việt Nam dùng để chỉ những người có hành vi dẫn đến lây nhiễm HIV cao). Trong những lần đi "thực tế", D. lặn lội đến những nơi dân nghiện hay lui tới chích choác. Có nhiều người nghĩ anh thuộc thành phần "chỉ điểm" cho Công an nên không ít lần phản ứng hoặc hăm dọa. Trao đổi với tôi, D. thổ lộ quá trình nghiện ngập của anh là những chuỗi ngày dài sống trong sự cùng khổ vì bị MT vật vã. Cho nên, đưa được một người nghiện MT cai nghiện thành công trở về với cuộc sống đời thường, coi như anh đã chuộc lại một phần lỗi lầm ngày trước.
Trong số những nhân vật ở nhóm đồng đẳng TP. Biên Hoà mà tôi đã gặp, thì T., 32 tuổi, nhà ở phường T. là trường hợp khá đặc biệt. T. bị nhiễm HIV/ AIDS do một lần buông thả cùng với gái MD. Cho đến năm 2002 khi chuẩn bị lập gia đình, T. đi xét nghiệm và bàng hoàng biết mình bị nhiễm HIV. Song, anh không dám thổ lộ cho gia đình biết, và tìm cách thoái thác cuộc hôn nhân. Ban đầu T. sống khép kín. Nhưng về sau, anh đã trở lại với nhịp sống thường ngày, duy chỉ có chuyện sinh hoạt trong gia đình hoặc giao tiếp với người khác là anh cẩn thận hơn trước. Ý thức được cuộc sống người bệnh rất dễ bị tổn thương khi bị gia đình hoặc lối xóm xa lánh, T. đã đến với họ, đặc biệt là đối với những trường hợp đã vào giai đoạn cuối. T. thú thực với tôi: "Thông thường, những người bị nhiễm HIV/ AIDS hay mặc cảm, tự ti. Cho nên khi bị người đời ruồng bỏ, họ rất bất mãn và luôn có ý tưởng trả thù". Gặp những trường hợp như vậy, T. nhỏ nhẹ khuyên răn người bệnh phải thể hiện cuộc sống có ý nghĩa hơn, dẫu đường đời đang bị thu hẹp và ngắn lại. Là người "trong cuộc" nên những điều T. nói thường được các bạn lắng nghe, chấp nhận. T. kể, đối với những bệnh nhân nhiễm HIV do tiêm chích MT thường không có sức đề kháng, vì vậy, bệnh chuyển rất nhanh. Có người chỉ sau vài tháng là xuống sức, cơ thể teo tóp và chuyện "ra đi" được tính từng ngày. Chính những lúc ấy, sự thân thiện của người chung quanh sẽ kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân AIDS. Tuy nói với tôi về những trường hợp khác nhưng dường như T. cũng muốn nói về mình. Anh cho biết hiện nay, ngoài giờ làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Biên Hòa, anh thường xuyên đến với người nhiễm HIV, kể cả gái MD và người nghiện MT. "Sự sẻ chia ấy là điều cần thiết giúp người bệnh thay đổi hành vi ngăn chặn lây lan HIV như sử dụng bao cao su an toàn, kim tiêm riêng. Ngoài ra, sự ứng xử thân thiết sẽ khiến người bệnh sống có ý nghĩa hơn, trách nhiệm hơn. Nếu không, thời gian còn lại đối với họ quả là vô nghĩa..." - T. nói.
Ngoài H., D. và T., tôi còn gặp chị N.T.M.Tr. Đây là trường hợp khá lạ vì Tr. năm nay mới 23 tuổi, nhà ở phường Tân Phong, là công nhân Công ty Pouchen, chưa lập gia đình và không hề dính dáng gì đến TNXH. Thế nhưng, Tr. đã tham gia nhóm đồng đẳng cả năm trời nay. Kể với tôi về quá trình gia nhập nhóm, Tr. cho biết, ngày càng có nhiều gái MD sử dụng MT, dẫn đến bị nhiễm HIV. Trước hiểm họa của tệ nạn này, Tr. đã "vào cuộc" với những mong góp phần nhỏ bé của mình vào việc ngăn chặn tình trạng lây lan của HIV/AIDS. Để hoạt động có hiệu quả, sau giờ làm việc, Tr. tìm cách tiếp cận với những tiếp viên ở các quán cà phê đèn mờ, bia ôm hoặc hớt tóc thanh nữ. Hầu hết những người hành nghề MD có nhận thức kém, có cuộc sống buông thả nên dù đã trở nên thân thiết, thì việc đề nghị họ đi xét nghiệm HIV hoặc thay đổi hành vi đối với khách làng chơi là điều không dễ. Đáng chú ý là một số người đã nhiễm HIV thì thường hay có tư tưởng cực đoan, sẵn sàng gieo tai họa cho người khác. Để thuyết phục được số chị em đã trót hành nghề MD luôn mang bên mình bao cao su, Tr. phải kiên trì, thậm chí chấp nhận nghe chửi rủa hoặc bị xua đuổi. Theo Tr., một số gái MD rất sợ đi xét nghiệm, hoặc chấp nhận cho khách không sử dụng bao cao su. Nhưng sau những lần gặp Tr. nhiều người đã thay đổi nhận thức và biết cách tự bảo vệ bản thân mình...
Đánh giá về nhóm đồng đẳng, chị Huỳnh Thị Kim Lan, cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS, thuộc Đội Y tế dự phòng TP. Biên Hoà cho biết, thành lập từ tháng 9-2004, đến nay nhóm có 16 thành viên. Từ khi đi vào hoạt động, nhóm đồng đẳng đã giúp cho công tác giám sát trọng điểm được nâng lên. Số người nghiện MT, gái MD, số người bị nhiễm HIV trên địa bàn TP. Biên Hòa được quản lý, theo dõi chặt chẽ. Chị Lan khẳng định, các thành viên trong nhóm đồng đẳng chẳng khác gì người "vác tù và hàng tổng". Thế nhưng, hoạt động của họ mang nhiều ý nghĩa và có tác dụng đáng kể đối với công tác phòng chống tệ nạn MD, MT và ngăn chặn lây nhiễm HIV ngày càng có nguy cơ lan rộng.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00