Nguyên nhân tăng số Teen có H ở Việt Nam Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Tự bảo vệ mình trước những nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, trong 20 phụ nữ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trên thế giới hiện nay thì có một người ở tuổi vị thành niên. Trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên thế giới có 50% dưới 25 tuổi. Ở Việt Nam, những người trong độ tuổi 20 – 29 chiếm 52,5 % số người nhiễm HIV/AIDS (2005).
Con số biết nói
52,5 % là con số biết nói, nó cho thấy thanh thiếu niên là lứa tuổi rất nhạy cảm với HIV. Trên thực tế, giới trẻ ngày càng có quan hệ tình dục sớm hơn mà không có biện pháp phòng vệ nào.
Lân, 17 tuổi, nhân viên giao sách của một cửa hàng trên đường Láng cho biết mình thường xuyên quan hệ với gái trong các quán Karaoke, nhưng không biết dùng bao cao su hay thuốc kháng chống HIV xâm nhập khi quan hệ. Trong một lần tình cờ đi xét nghiệm máu, cậu đã phát hiện mình bị nhiễm HIV.
Những người rơi vào cảnh tâm lý hoang mang bất an như Lân ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại. Từ năm 2000 trở lại đây, số người nhiễm HIV không ngừng tăng lên, nhất là trong độ tuổi thanh niên - độ tuổi sung sức nhất của đời người, đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi và nguồn lao động nước ta. Thời đại bùng nổ thông tin đã khiến giới trẻ phải đối mặt với nhiều điều phức tạp. Mang thai, lây nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục và đau đớn hơn là nhiễm HIV đang ngày càng tăng trong Teen ở mức báo động.
Đâu là nguyên nhân?
Khi lý giải hiện tượng này, các nhà xã hội học, tâm lý học đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết đều cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do trình độ nhận thức của Teen về giới tính. Trong khi ở các nước phát triển, việc đào tạo giới tính cho thanh niên rất được chú trọng thì tại Việt Nam, đó vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Một mặt các chuyên gia muốn tăng sự nhận thức về giới tính cho vị thành niên qua các môn học chính ngay từ trường phổ thông, nhưng một số người lại cho rằng, đó có thể là “vẽ đường cho hươu chạy”. Tại thời điểm này, một khung chương trình về giáo dục giới tính cho vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ đã xác định, “Việc làm, phòng chống HIV/AIDS và ma tuý là những vấn đề mà thanh niên phải đối mặt”. Trong những năm qua, rất nhiều chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai, nhưng kiến thức về vấn đề này của vị thành niên và thanh niên vẫn còn khá mơ hồ. Điều này dễ dàng nhận thấy thông qua các kiến thức về HIV/AIDS của rất nhiều vị thành niên mà chúng tôi tìm hiểu được hiện nay.
Hùng, một ông chủ có cửa hàng kinh doanh internet, cho biết cậu vẫn hàng ngày đi vào quán bia ôm, đèn mờ giải khuây, nhưng không biết làm gì để bảo vệ mình. Cậu cho rằng, việc nhiễm HIV là ở đâu đó chứ không phải ở nơi cậu thường đến. Chỉ đến khi sinh con, biết con mắc bệnh, hai vợ chồng đi xét nghiệm thì mới vỡ lẽ là họ đã nhiễm H từ rất lâu. Mới 21 tuổi đầu, cả gia đình Hùng đang phải vật lộn với những nỗi lo, day dứt về tâm lý. Đây là hậu quả cho những người thiếu hiểu biết về HIV/AIDS.
Cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, một lượng lớn thanh niên nông thôn đổ ra thành thị làm việc. Việc di dân tự do cũng là điều kiện lý tưởng để các tệ nạn xã hội khác như ma tuý, mại dâm, HIV phát triển. Đa phần thanh niên từ nông thôn ra thành phố không có kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình, lại sống xa nhà, nên dễ sa vào chơi bời, nghiện ngập, đến khi biết thì đã muộn. Với những đối tượng này, ngay cả khi biết mình mắc bệnh thì cũng không có cách nào chữa trị, vì đồng tiền họ kiếm được chủ yếu dựa vào nghề nông, và bi kịch HIV lại xảy ra với những người thanh niên quanh năm chân lấm tay bùn.
Hiếu – quê ở Hà Nam, học hết cấp 3 ra Hà Nội phụ hồ cho một người quen nhận thầu xây dựng. Sau một thời gian cậu trở về quê với số vốn kha khá, định mở cửa hàng sửa chữa xe máy thì bỗng lăn ra ốm. Đến lúc này Hiếu mới biết mình đã nhiễm H giai đoạn cuối. Bao công lao vun vén, bao ước mơ hạnh phúc và dự định làm giàu trên chính mảnh đất quê hương giờ đã tan tành vì một phút thiếu hiểu biết. Quyết không chữa trị, Hiếu dành toàn bộ số tiền tích cóp được trong hai năm phụ hồ cho bố mẹ nuôi em ăn học, bỏ đi biệt tích. Giá cậu biết những cách thức phòng vệ mình trước căn bệnh nguy hiểm này thì đâu đến nỗi.
Một lý do cũng không thể không kể đến hiện nay là sự quan tâm, quản lý của gia đình với Teen còn lỏng lẻo và hạn chế. Các ông bố, bà mẹ quá bận rộn với công việc, không có thời gian chăm sóc, gần gũi con trẻ, cung cấp những kiến thức đúng đắn khi con bước vào tuổi dậy thì. Có rất nhiều bậc cha mẹ chỉ biết rằng họ cần phải dành thời gian gần gũi con hơn là khi con đã mắc sai lầm và không thể sửa chữa. Hiện – sinh viên năm thứ hai, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội tâm sự, “Bố mẹ quá bận rộn với công việc làm ăn, buôn bán nên không biết em nghiện từ lúc nào. Em bị nhiễm HIV qua kim tiêm. Khi biết chuyện, bố mẹ cứ đổ lỗi cho nhau nhưng cũng không thể làm gì khác được”.
Tuy nhiên, cũng có không ít người biết tác hại của HIV nhưng vẫn lao vào các cuộc chơi để chứng tỏ bản thân. Liên (Đống Đa - Hà Nội) đã có thâm niên đi “tránh bão” (đua xe) 5 năm, dù mới 19 tuổi. Nhìn khuôn mặt non choẹt, xinh đẹp cuả Liên, ít ai ngờ cô lại là một “quái xế” kiệt xuất. Sau mỗi lần “tránh bão” đêm là những cuộc thác loạn trong nhà nghỉ. Bố mẹ đi lao động ở nước ngoài, Liên ở với đứa em trai do bà cô quản lý. Cô được tự do làm theo ý thích mà bà cô không thể biết vì trước mặt bà, Liên tỏ ra là đứa trẻ ngoan ngoãn và hiền thục. Đến khi bị bắt trong nhà nghỉ, xét nghiệm biết hai chị em nhiễm HIV, Liên mới bật khóc nức nở. Đây là lần đầu tiên cô rủ em đi “tránh bão” cùng.
Hãy tự biết bảo vệ mình
Làm gì để Teen có nhận thức đúng về HIV/AIDS? Đây có lẽ là câu hỏi của rất nhiều người tâm huyết với giới trẻ. Việc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho Teen không chỉ là việc làm của gia đình, của nhà trường hay đoàn thanh niên, mà là của cả cộng đồng. Sự phối hợp giáo dục, tuyên truyền cùng những biện pháp quản lý, giáo dục giới trẻ trong gia đình và nhà trường là điều tối cần thiết. Điều đó không những giúp định hướng tình dục lành mạnh cho các bạn trẻ mà còn ngăn ngừa những hậu quả xấu xảy ra, nhất là với các bệnh lây qua đường tình dục như HIV/AIDS. Tuy nhiên bên cạnh đó chính các bạn trẻ cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin và rèn luyện lối sống lành mạnh, tránh xa ma tuý và các tệ nạn xã hội khác. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, bạn hãy tự biết “xây” cho mình một hàng rào bảo vệ trước những cái xấu. Cuộc sống của bạn và những người thân yêu phụ thuộc vào bản lĩnh của chính bạn trong thời hiện đại.
Hồ Vân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00