Người thợ sửa xe Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Hình minh hoạ
Nếu phải nhận xét một người liệu đang làm việc bình thường hay làm để hòa nhập thì bạn sẽ căn cứ vào đâu? Vào công việc họ đang làm? Hay vào những thành kiến hoặc sự xa lánh của người xung quanh?
Một trưa khá lâu, đang ngon trớn thì bánh sau xe tôi bị xẹp; không phải hết hơi thông thường vì tính đuểnh đoảng mà bạn trai tôi thường la, nhưng là gì… thì tôi không biết! Nhìn quanh tôi chỉ thấy một góc sửa xe nhỏ bên vệ đường, nơi giao lộ Võ Văn Tần - Trương Định, và cũng gần chỗ tôi đang sắp “mếu”. Vội vã đẩy xe đến và leo lên lề, tôi chợt nhận thấy những người xung quanh đó đang ra sức xua tay chừng như không muốn cho tôi tiếp cận người thợ. Chưa hết ngạc nhiên thì người thợ từ nãy đang lúi húi tìm cái gì trong hộp đồ nghề bỗng quay lại. Không phải khuôn mặt khắc khổ, da đen nhẻm và nhăn nheo những “họa tiết” của cực nhọc và thời gian như “chuẩn” mà là hơn thế nữa. Nó mang một nét đau đớn của sự giãy dụa của những sợi thần kinh điều khiển các hoạt động của cơ mặt, cùng cái môi to trề ra, mà từ đó nước dãi vẫn nhỏ ra như sợ sự nhăn nhúm trên chưa đủ minh chứng! Và ánh mắt thì… không thể nói là chỉ buồn phiền đơn thuần, nó mang thêm một ánh giận dữ. Giận dữ vì điều gì? Sự tật nguyền của cơ thể? Cảnh khổ cực phải phơi mình ngoài trời? Và kết hợp cả hai? Tôi không biết; chỉ biết một điều là lúc ấy tôi bỗng cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ, khiến tôi ngần ngừ một lúc. Những người xung quanh lúc này như để nhấn mạnh hơn, đã thay những cử chỉ ra dấu lịch sự bằng những tiếng thì thào: “xì ke đấy. Đem xe vào nó phá hết”, “đi lên kia một chút kìa, góc Lê Quý Đôn có chỗ sửa. Sáng giờ nó phá 3 chiếc rồi đấy”, nhưng nếu thế thì những dụng cụ sửa xe đó để làm gì, và cả vẻ mặt đau đớn ấy nữa... Và rồi tôi quyết định vẫn dắt xe lên cho ông ta sửa. Quả thật lời cảnh báo có vẻ không phải thừa khi bàn tay ông ta chậm chạp lần từng dụng cụ để lấy cái mỏ vịt dùng nạy ruột xe ra, trong quá trình nạy, không ít lần ông ta phải dừng lại lấy ống tay cáu bẩn quẹt nước miếng, thậm chí cả dừng lại để thở dốc! Lôi được cái ruột ra ông lại nặng nhọc dùng bơm hơi bơm lên và lần từng chút để tìm lỗ xì… Tổng cộng thời gian tôi mất cho ông ta để vá cái lỗ mọt hết sức thông thường đó là... 45 phút! Tuy vậy, nào đã hết khi cho ruột xe vô lại không biết vì lý do gì mà vòi bơm không thể nhét vào được, mặc người đàn ông khốn khổ này hì hụi lần, hì hụi lau nước bọt và hì hụi thở. Rồi ông ta lại vặn vặn đầu bơm, vỗ vỗ vỏ xe bên này bên kia để tìm tâm điểm nhằm nhét cái ruột vào lại. Phải thêm 20 phút nữa để công – phu – vá – bánh được gọi là hoàn tất!!
Tiền công tôi phải trả là sáu ngàn đồng, không đắt so với công sức nãy giờ người đàn ông này phải bỏ ra. Duy một điều khi nhận tiền ánh mắt ông đã không còn ánh giận dữ nữa, mà thay vào là vẻ hài lòng (song cũng mệt nhọc). Lên xe rồi, ngoái nhìn lại vẻ chậm chạp, khổ sở đang thu những dụng cụ để “phá” xe tôi trước đó, tôi bỗng hiểu vì sao mình đã quyết định đưa xe cho ông ta sửa (và thấy rằng mình đúng). Có thể ông xì ke (nhưng đây là điều tôi tin chắc rằng không phải), có thể ông bệnh hoạn, có thể ông cũng từng “phá” xe người khác trước đó (do hư hỏng quá phức tạp vượt ngoài khả năng của ông chẳng hạn) như những người xe ôm, bán hàng quanh đó đã cảnh báo... Song ông vẫn mong muốn được tiếp tục hòa nhập cuộc sống, kiếm từng đồng lẻ một bằng chính sức lao động mình bỏ ra, bằng tất cả những khả năng mà ông có, trong khi một cái ca hay cái nón sẽ có thể khiến ông “nhàn” hơn…
Sau ngày hôm ấy, mỗi sáng đi qua ngã tư nọ, tôi đều đưa mắt tìm người sửa xe. Giữa tấp nập của phố phường vào giờ cao điểm, đôi khi mắt tôi bắt gặp mắt anh ta. Vẫn khuôn mặt nhăn nhúm vì đau đớn, vẫn đôi môi... ấy, nhưng hình như trong ánh mắt ấy không còn cái vẻ hằn học, giận dữ như buổi đầu mới nhìn thấy nữa. Có đôi lần, tôi cảm thấy ánh mắt ấy như nhận ra mình... Những lúc ấy lòng lại thầm hỏi cầu toàn có phải là điều tốt và luôn luôn cần thiết?
Bùi Nguyễn Quý Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00