Ngôi nhà không bao giờ mở cửa Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Đã hơn 10 năm trôi qua, trong tôi vẫn còn nguyên ấn tượng về một ngôi nhà không bao giờ mở cửa, mặc dù nó cũng có đầy đủ cửa chính và cửa sổ như những ngôi nhà bình thường khác. Bọn trẻ chúng tôi không bao giờ dám đi qua ngôi nhà đó. Người trong làng thường dọa chúng tôi, đó là ngôi nhà có ma. Không biết có thật không nhưng mới nghe thế, tôi đã sởn gai ốc.
Lớp 5, lớp tôi có một bạn da đen đến học. Đây là chuyện hết sức lạ lùng. Nghe mẹ tôi kể, nó là con lai. Bà nó ngày xưa đi hoạt động cách mạng nằm vùng, là người được cài vào phe kia để làm nhiệm vụ và phải lấy một ông da đen rồi sinh ra mẹ nó. Tôi cũng không biết chuyện đó có thật không nhưng mẹ nó đúng là người da đen thật. Sau chiến tranh, bà ngoại nó thành người không chồng, mẹ nó thành không cha. Mẹ nó da đen nên không ai lấy và sau này sinh ra nó, một đứa trẻ lại cũng không cha.
Bạn bè trong lớp không ai chơi với nó không chỉ vì nó khác màu da mà quan trọng hơn là vì mẹ nó nhiễm HIV. Ngày học lớp 5, tôi là đứa luôn bị cô giáo ghi vào “sổ đen”. Tôi ham chơi, nghịch ngợm và luôn muốn làm trái những gì người lớn nói, vì thế tôi nghĩ, tại sao lại không chơi với nó. Nó hiền lành, lại có nhiều cái giống tôi như học dốt, lười nhác, không có ai chơi cùng và… cũng không có bố như tôi. Chỉ khác một điều, tôi thì sôi nổi còn nó trầm lặng. Một hôm tôi đến cạnh nó và nói: “Chúng mình làm bạn nhé!”, mắt nó sáng rực lên, tôi thấy tội nghiệp kinh khủng. Nghĩ lại tôi thấy mình thật tồi tệ vì đã có ý nghĩ chơi với nó để thử cảm giác làm ngược với mọi người...
Mấy hôm sau, tôi và nó đến lớp cùng nhau. Nó vui lắm nhưng không bao giờ cho tôi biết nhà mình ở đâu. “Có gì mà phải giấu, cậu và tớ là bạn mà”. “Không được! tớ không muốn cậu biết nhà tớ”. Tôi cũng chẳng buồn hỏi thêm. Từ đầu đến giờ tôi chỉ gọi nó là "Nó" mà quên mất tên nó là Minh. Phải, con một bà mẹ nhiễm HIV và bị mọi người xa lánh.
Bất cứ nơi nào nó đến và những gì nó đã từng cầm đều không được dùng lần thứ hai. Buổi trưa không ai dám ngồi ăn cùng nó trừ tôi. Những đứa bạn khác đi qua ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Nè, mày không biết mẹ nó bị HIV à?”. Có đứa còn nói gần nói xa: “Con kia bị hâm hay sao nhỉ?”, tôi cũng chẳng quan tâm. Nó nhìn tôi ái ngại. “Hay là… cậu đừng chơi với tớ nữa”. “Hâm à!”, tôi quát nó. “Tớ và cậu cùng là bạn, có cậu tớ rất vui, tớ và cậu sẽ làm đôi bạn lười học như nhau, ham chơi như nhau và học dốt như nhau. Hihi!”. Nó quay sang tôi lắc đầu: “Không, tớ không muốn. Tớ muốn chúng mình cùng tiến bộ”. Ngạc nhiên! Tôi im lặng.
Gần đến ngày thi, lớp phân công học nhóm để củng cố kiến thức tốt hơn. Tất nhiên tôi và Minh đăng ký học nhóm với nhau nhưng cô giáo không đồng ý vì cả hai chúng tôi đều dốt. “Một bạn nữa phải bổ sung vào nhóm này. Ai xung phong?”. Không một cánh tay nào giơ lên, chúng nó lần lượt từ chối chỉ vì “Em không thích bạn Minh ạ”. Minh buồn rầu quay sang tôi, “Cậu mà học nhóm với tớ thì ngày càng ngu đấy”. “Thì tớ bảo phấn đấu hai đứa cùng ngu cho hợp cạ mà lại”, cả hai đứa cùng cười.
Không ai học nhóm cùng, tôi vốn lười chẳng định học hành gì nhưng Minh kể cho tôi nghe, cái trường cấp 2 hôm mẹ nó đưa đi qua rất đẹp, có nhà cao mấy tầng, có nhiều hàng quán bên đường như ở ngoài phố, vậy là tôi lại thích vào cấp 2. Chúng tôi ôn bài chăm chỉ nhưng mất rất nhiều thời gian vì cả hai đều không biết gì.
Một hôm trời mưa, Minh rủ tôi đi kéo vó. Hai đứa đội mưa đi. Tắm mưa là sở thích của những đứa trẻ con quê tôi, Minh rất thích tắm ao nhưng tôi là con gái nên chẳng thích mấy vụ này. Thấy mấy thằng đang bơi dưới ao, Minh kêu to: “Cho tớ chơi với”. Mấy đứa dưới nước nhìn thấy Minh la lên: “Không được xuống, mày xuống lại lây bọn tao bây giờ”, tôi không biết lúc đó Minh có khóc không, trời mưa to quá.
Hôm sau tôi đến lớp cùng Minh, vừa thấy chúng tôi, thằng bạn la to: "Minh HIV đến kìa!". Tôi chạy đến đẩy người bạn đó ngã lăn từ bàn xuống đất. Tôi lại phải ngồi lớp viết bản kiểm điểm, Minh chờ tôi viết xong hai đứa cùng về.
Có lẽ bạn sẽ băn khoăn không hiểu tại sao tôi lại kể câu chuyện về ngôi nhà ma và chuyện bạn tôi ở đây bởi chính tôi cũng không ngờ đến sự liên quan đó. Một lần, đợi Minh đi khuất tôi bèn lẻn theo sau. Tôi thấy Minh đi vào ngôi nhà ma đó, ngôi nhà không bao giờ mở cửa. Một người đàn bà gầy guộc ra mở cổng, đưa tay vuốt đầu Minh và hỏi: Hôm nay con có bạn chơi không? “Có ạ!”, Minh trả lời giọng nhỏ tí rồi đi vào nhà. Thì ra nhà Minh ở đó, ngôi nhà bé tí trông thật thảm hại, thảo nào mà nó không cho tôi đến nhà chơi.
Hôm sau tôi đến đứng sẵn nhà Minh đợi nó cùng đi học. Nó ngạc nhiên lắm: “Cậu biết nhà tớ rồi à?”, giọng nó không có vẻ gì chào mừng tôi. “Ừ”. Nó kể cho tôi nghe về chuyện của nó, nhà của nó và những người đàn ông hàng đêm vẫn đến với mẹ nó. Tôi quen miệng hỏi mẹ nó làm nghề gì? “Thì nghề… mà tớ vừa nói đó. Mẹ tớ kiếm tiền nuôi tớ bằng cách đó”. Tôi không hỏi gì thêm nữa, tự dưng tôi thấy thương nó và mẹ nó kinh khủng. Hàng ngày, tôi giấu đồ ăn mang đến cho nó. Tôi mời nó đến nhà chơi, mẹ tôi phản đối kịch liệt. Mẹ bảo nếu tôi không nghe lời mẹ thì không thèm mẹ con gì với tôi nữa. Minh buồn ghê gớm, tôi thấy mặt nó xám ngắt khi bị mẹ tôi đuổi khéo về. Nó khóc. Giờ thì tôi nhìn thấy rõ giọt nước mắt của nó. Tôi cũng khóc, chưa bao giờ tôi thấy ghét và thất vọng về mẹ đến thế.
Rồi một hôm nó chạy đến đưa cho tôi bức thư và chạy biến. Tôi chẳng hiểu gì bèn giở thư ra đọc: “H thân mến! Chỉ có cậu là bạn thân duy nhất của tớ. Cảm ơn vì cậu đã làm bạn với tớ. Ông nội tớ vẫn sống và đã tìm thấy nhà tớ. Ông đón tớ và mẹ tớ sang nước gì đó ở Châu Phi. Tớ phải đi cùng với mẹ. Kỳ thi sắp đến rồi, cậu hãy học thật tốt để thi lên cấp 2 nhé. Nhớ tớ nói gì không? Trường cấp 2 có nhiều thứ đẹp lắm đấy!”.
Tôi cầm tớ giấy khóc nức nở. Nó không hẹn ngày quay về thì tôi biết khi nào nó về mà chờ được, cái thằng thật ác quá.
Thế rồi 5 năm, 10 năm trôi qua, Minh vẫn biệt vô âm tín. Chúng tôi không còn liên lạc gì với nhau nữa, nhưng bức thư và tình bạn trong khoảng thời gian ngắn ngủi với Minh đã giúp tôi học tốt hơn rất nhiều.
Ngôi nhà nhỏ bé của Minh vẫn nằm đó và mỗi lần đi qua tôi lại như vẫn thấy hình ảnh người phụ nữ gầy gò ra mở cửa cho đứa con trai đi học về, vuốt tóc con rồi hai người cùng đi vào nhà, ngôi nhà cửa sổ không bao giờ mở…
T.H
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00