Nếu bạn phát hiện mình bị nhiễm HIV… Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Đừng trốn tránh hiện thực
Ba năm sau ngày cưới, cuộc sống bình yên của Yến bỗng bị sóng gió bao trùm. Đầu tiên là sự ra đi bất ngờ vì tai nạn của đứa con thứ hai. Nỗi đau này chưa kịp nguôi thì chồng cô, trong một lần đi xét nghiệm máu đã phát hiện mình bị nhiễm HIV. Bàng hoàng, choáng váng nhưng dù mọi người nói thế nào, Yến cũng cương quyết không đi làm xét nghiệm với lý do: “Nhiễm thì đã nhiễm rồi, thà rằng không biết để sống cho vui vẻ còn hơn là biết để đau khổ, tuyệt vọng”.
Thế nhưng, những ngày sau đó, thay vì sống vô tư như cô mong muốn, Yến luôn thấy lo lắng. Cô không dám lại gần con vì nếu chẳng may có bệnh, mình lại làm lây sang con. Chẳng những thế, thay vì chăm chỉ làm lụng, Yến mang trong mình tâm lý sống gấp và muốn hưởng thụ. Cô rút hết tiền trong sổ tiết kiệm của hai vợ chồng để mua sắm hoang phí những đồ xa xỉ. Thêm vào đó là những trận cãi vã không nguôi giữa hai vợ chồng bởi một lẽ: “Anh đã mang bất hạnh đến cho tất cả mọi người trong cái gia đình này”, Yến vừa khóc vừa quát tháo.
Tất nhiên, khi nhiễm HIV, ai cũng có chung tâm trạng hoảng loạn và mất tự chủ như Yến, thế nhưng nếu đây là việc không thể trốn tránh được, hãy dũng cảm đối mặt với sự thật. Đầu tiên, bạn nên lấy bình tĩnh đi làm các xét nghiệm để biết chính xác tình trạng của bản thân, từ đó có định hướng phù hợp cho tương lai cũng như có cách phòng tránh thích hợp cho những người xung quanh. Sự trốn tránh sẽ chẳng thể mang lại bình yên mà nó chỉ làm bạn thấy thêm hoang mang, lo lắng và lúc nào cũng phân vân: “Liệu mình có nhiễm HIV không”. Thế nên, dù kết quả ra sao, hãy dũng cảm đối mặt với hiện thực
Không nhất thiết phải truy tìm nguyên nhân
Chuẩn bị sinh em bé, theo yêu cầu của bác sĩ, Hà đi làm các thủ tục xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm HIV. Tưởng như chẳng có gì đáng phải bận tâm, thế nhưng kết quả dương tính với HIV đã khiến cuộc sống của Hà thay đổi. Thay vì đau khổ hay lo lắng, cảm xúc đầu tiên mà Hà cảm thấy chính là sự tức giận. Cô nói trong nước mắt: “Em chưa từng quan hệ tình dục với một ai khác ngoài chồng, cũng chưa từng yêu một ai khác ngoài anh ấy. Tại sao sự chung thủy của em lại phải trả giá như thế này? Tại sao anh ấy lại lừa dối em? Sao anh ấy lăng nhăng ở ngoài mà không biết cách bảo vệ để đổ bệnh cho mẹ con em?”.
Mặc dù được các bác sĩ tư vấn điều cần thiết lúc này là cần nói chồng đi xét nghiệm, song Hà vẫn bỏ ngoài tai tất cả. Điều quan trọng với Hà lúc này là vì sao chồng cô lại bị nhiễm HIV bởi cô chắc chắn rằng: chỉ bị lây bệnh từ chồng. “Nếu anh ấy chỉ vô tình mắc phải thì còn có thể chấp nhận được chứ nếu là do chơi bời hay nghiện ngập thì em sẽ không bao giờ tha thứ”, Hà sụt sùi.
Vì sao tôi bị nhiễm HIV – ai cũng muốn có câu trả lời trong tình huống này, thế nhưng thực tế thì nó không phải là điều quan trọng nhất. Thậm chí, theo các chuyên gia tâm lý, cố tìm hiểu nguyên nhân nhiều khi chỉ làm cho người trong cuộc thêm đau khổ. Thế nên, hãy quên nó đi và coi đó như một tai nạn để không dằn vặt trách móc nhau cũng như trách móc bản thân mình. Hãy khép lại quá khứ để hiểu rằng: điều quan trọng nhất lúc này là ổn định tinh thần để tiếp tục cuộc sống chung với HIV
Tương lai vẫn ở phía trước
Cầm tờ xét nghiệm dương tính với HIV trên tay, Hoàng thấy cuộc đời đã chấm dứt. Anh lao mình vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng mong có thể quên đi sự thật cũng như để tận hưởng nốt những tháng ngày còn lại. Vị trí phó phòng nhân sự - công việc mà anh đã mất rất nhiều thời gian để chứng minh khả năng của mình cũng không còn có nhiều ý nghĩa. Anh thường xuyên nghỉ việc không lý do và nếu có đi làm cũng mắt trước mắt sau trốn về sớm. Ngày bị nhận quyết định cho thôi việc, Hoàng chính thức thấy cuộc sống không còn ý nghĩa. Anh mua thuốc ngủ và quyết định chấm dứt sự sống khi mới ngoài 30.
Tiêu cực, thậm chí tự tử là những gì vẫn hay xảy ra ở những người nhiễm HIV. Những người này cho rằng có kéo dài thêm cuộc sống thì cũng chẳng có ý nghĩa gì vì đằng nào cũng chấm dứt bằng cái chết trong ngày một ngày hai. Thế nhưng thực tế thì cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, y học đã tìm ra loại thuốc hạn chế sự phát triển của vi rút HIV là ARV, vì thế nếu được uống thuốc đầy đủ, theo đúng hướng dẫn, những người nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh hàng chục năm. Hơn nữa, nhiễm HIV điều đó chỉ có nghĩa là sức đề kháng của bạn bị suy giảm và có nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội hơn, còn trí óc vẫn không hề bị ảnh hưởng. Như vậy, dù có bị nhiễm HIV, bạn vẫn có thể sáng tạo hay lao động để cống hiến theo cách của riêng mình thật có ích.
Nếu một ngày nào đó, bạn phát hiện ra rằng mình nhiễm HIV, hãy đón nhận nó một cách bình tĩnh nhất có thể và đừng bao giờ nghĩ đến cái chết bạn nhé. Nhiễm HIV nhưng bạn vẫn sẽ là người có ích bởi HIV không phải là dấu chấm hết.
Anh Hòa
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00