''Một ngày phòng chống HIV/AIDS là không đủ…'' Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
''Một ngày phòng chống HIV/AIDS là không đủ, mọi người phải nghĩ về vấn đề này trong suốt thời gian mình có''- Với lời phát biểu này, Đại sứ Mỹ Michael W Marine, đã bày tỏ quyết tâm đẩy lùi HIV/AIDS, trong buổi thảo luận bàn tròn nhân ngày AIDS Thế giới, vào chiều ngày 30 - 11- 2005, tại Trung tâm Thông tin Tư liệu, thuộc Phòng Thông tin Văn hoá, Sứ quán Mỹ.
Tham gia thảo luận còn có giám đốc của Chương trình Y tế và HIV của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ông Daniel Levitt, và các đại diện của Việt Nam: Bộ Y tế, Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, tổ chức Policy, tổ chức Family Health International – đây là những đơn vị đối tác nhận được tài trợ từ Kế họach Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của tổng thống Bush (PEPFEAR) - Kế hoạch 5 năm (2003 – 2008).
Sau khi giới thiệu sơ lược nội dung của kế hoạch PEPFEAR, về đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, ông Daniel Levitt nói cụ thể về chương trình cứu trợ khẩn cấp AIDS của chính phủ Mỹ ở Việt Nam – 1 trong 15 nước trọng điểm, và là nước Châu Á duy nhất của kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp. Ba vấn đề được nhấn mạnh nhất trong kế hoạch Khẩn cấp này là Dự phòng, Điều trị và Chăm sóc. Trong đó, Dự phòng là một mảng được coi là quan trọng nhất trong toàn bộ kế hoạch. Một trong những can thiệp quan trọng đối với việc phòng ngừa HIV/AIDS là thay đổi hành vi của nhóm những người có nguy cơ cao: Những người tiêm chích ma tuý, những người làm nghề mại dâm chuyên nghiệp và những người đồng tính luyến ái. Đây chính là những nguồn lây nhiễm chính để HIV lan rộng ra cộng đồng. Chúng ta hi vọng qua chương trình này, nhóm những người có nguy cơ cao sẽ trở thành nhóm “những người có nguy cơ thấp”, hoặc giảm thiểu khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ. Điều này đã có nhiều chương trình hoạt động về HIV/AIDS lên kế hoạch và thực hiện, nhưng nhìn vào thực tế chúng ta vẫn chưa thấy có nhiều hiệu quả. Bởi như Ông đại sứ Michael W Marine nói: Nếu không làm tốt công tác phòng ngừa thì chúng ta sẽ bị rơi vào cái vòng xoáy và chúng ta sẽ không thể hoàn thành công việc của chúng ta.
Kế hoạch PEPFEAR, đã thực hiện được 1 năm 6 tháng tại nước ta. Vậy điều mà kế hoạch này đã mang lại là gì? “300 người đã được nhận thuốc; hàng ngàn người được xét nghiệm, khoảng 5000 người được chăm sóc tại các tổ chức của cộng đồng; hỗ trợ cho sự phát triển của chính sách Quốc gia về HIV/AIDS…” – Ông Daniel Levitt cho biết. Chúng ta biết rằng, thuốc là một vấn đề rất quan trọng đối với việc điều trị HIV/AIDS. Liệu 300 người đã nhận được thuốc điều trị có phải là con số quá ít so với khoảng 360,000 (0,44% dân số) người bị nhiễm HIV?
Ồng Daniel Levitt cũng giải thích thêm rằng, số lượng người nhận được thuốc điều trị sẽ tăng lên nhanh chóng, nếu nguồn lực đủ để đáp ứng cho việc điều trị khá phức tạp cho người nhiễm HIV/AIDS. Biết bao nhiêu bệnh nhân HIV/AIDS đang chờ được nhận thuốc và được vào diện điều trị, vậy chúng ta đã có kế hoạch như thế nào để “cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho việc điều trị HIV/AIDS”? Hi vọng các tổ chức, nhất là những tổ chức thuộc đơn vị đối tác của kế hoạch PEPFEAR và tất cả chúng ta sẽ lên tiếng và hành động để không phải vì lý do “thiếu nguồn lực” mà thuốc không đến được với bệnh nhân HIV/AIDS.
Trong phần thảo luận với các diễn giả đến từ các đơn vị đối tác Việt Nam, khi nói về sự tham gia của cộng đồng trong việc phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là sự tham gia của thanh niên, bà Vương Thị Hương Thu, đại diện của tổ chức Family Health International, trao đổi với các bạn thanh niên rằng: "sự tham gia của mọi người vào việc phòng chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng, chúng ta không thể thành công nếu đó chỉ là việc của một vài người hay của một vài tổ chức. Nói với bạn bè của bạn về buổi thảo luận ngày hôm nay, nói với bạn bè của bạn về những gì bạn đã nghe được, giúp những người bạn quen hiểu và không phân biệt, kỳ thị với người có H, cũng là một cách để bạn tham gia vào việc phòng chống HIV/AIDS…”. Vâng, chỉ bằng một việc tưởng chừng đơn giản như vậy chúng ta đã góp một tiếng nói, một hành động cùng với cộng đồng phòng chống HIV/AIDS, đâu cứ phải là một cái gì to lớn, đâu cứ phải là tham gia vào một chương trình, một tổ chức cụ thể mới có thể tham gia phòng chống HIV/AIDS. Điều đó nằm ngay ở trong ý thức, trong hành động của mỗi người và ở ngay những gì rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giống như mong ước của anh Dương Trường Thuỷ, một người đang sống chung với H, một diễn giả đại diện cho tổ chức policy: “Chúng ta chống lại con vi rút HIV, chứ không phải chống lại con người có H”.
Hi vọng là không chỉ có những buổi thảo luận như thế này nhân ngày phòng chống AIDS. Chúng ta đều mong muốn những kế hoạch, những lời nói, những cam kết trên biến thành hành động cụ thể và thiết thực, và một ngày không xa chúng ta sẽ đẩy lùi được AIDS.
Lan Tường
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00