Khi nỗi đau bạo lực không còn là của riêng người trong cuộc Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Phan Minh Mẫn đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình
tamsubantre.org - Gần đây, dư luận cả nước xôn xao vì hành vi “trời không dung, đất không tha” (theo lời hội đồng xét xử) của Phan Minh Mẫn khi chích điện cha mình đến chết vì ông hay đánh đập, hành hạ vợ con.
Lan Chi: Nói một cách đau xót, tôi nghĩ người gây ra sự vụ đau lòng này không ai khác chính là người mẹ và những người khác trong gia đình Mẫn. Tại mẹ Mẫn, tại họ hàng hai bên đã im lặng mỗi khi chồng bà có hành động bạo lực. Giá như bà phản kháng lại chồng bằng cách nhờ chính quyền can thiệp hoặc dũng cảm chống lại người đã đem lại đau khổ cho gia đình thì mọi chuyện đâu đến nỗi. Khi chồng đánh đập vợ, tâm lý của đứa con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều
Quốc Vượng: Đọc những bài liên quan đến vụ án “Giết cha ruột” gần đây khiến tôi bùi ngùi và trăn trở: Mẫn đáng trách lắm vì hành vi “Giết cha” không ai có thể chấp nhận được. Nhưng tôi lại cảm thấy cay đắng hơn khi nghĩ về hoàn cảnh của Mẫn, một mối hệ luỵ đã gây ra bối cảnh tồi tệ như thế này: Chính quyền nơi gia đình Mẫn sinh sống ở đâu (thôn, ấp, xã…)? Chính quyền và các đoàn thể của địa phương là những ai? Chẳng nhẽ họ hoàn toàn không hay biết về chuyện bạo hành trong gia đình của Mẫn? Nếu như mọi người sống có lương tâm và trách nhiệm hơn một chút thì bi kịch này có xảy ra không? Ai trong số họ sẽ trả lời chính xác câu hỏi này? Bạo lực gia đình rõ ràng chẳng còn là chuyện riêng của bất kì ai. Bạn bị đánh, không chỉ là một mình bạn bị đau mà có nghĩa là tất cả những người thân của bạn cũng đang bị đau. Vì thế, hãy dẹp bỏ ngay suy nghĩ “nhịn một chút cho cửa êm nhà ấm”. Mẹ của Mẫn cũng nhịn đấy, nhưng cái nhận được về là nỗi đau phải thờ chồng chôn con. Đau hơn gấp bội lần.
ATA: Tôi cũng từng sống trong cảnh bạo lực gia đình như thế nhưng may mắn thay nó đã kết thúc trước khi tôi 20 tuổi, tuổi của Mẫn bây giờ. Cha mẹ tôi ly thân vài năm rồi ly dị khi tôi đang học năm thứ 2 đại học. Không thể có lời nào diễn tả hết được những khổ sở, đau buồn mà tôi và những người thân khác đã trải qua trong thời gian bạo hành đó. Những trận đòn vô cớ, những đêm không ngủ để chờ mẹ, tìm mẹ cũng như tìm lại nhau sau mỗi trận đòn của cha, những ngày không có cơm để ăn, những nơm nớp lo sợ mỗi khi cha mình uống rượu; học bài cũng phải lén lút vì việc học không được cha tôi ủng hộ. Có khi nửa đêm chờ cha tôi không còn gì để đập phá và lăn ra ngủ, tôi lén lội xuống ao vớt chiếc xe đạp cũ kỹ lên để sáng mai đi học... Nhiều lần phải vài tháng mới tìm được mẹ trong bệnh viện với nhiều vết thương nặng, gầy gò, tiều tụy. Bây giờ hơn 30 tuổi, tôi nhìn nhận vấn đề đúng sai chín chắn và thận trọng hơn mặc dù khó có thể quên được những ngày tháng đó. Tôi hoàn toàn hiểu được sự ức chế, sự căng thẳng tinh thần đè nén từng ngày của Mẫn cũng như những bi kịch đang xảy ra trong gia đình cậu ấy. Tôi không thể bào chữa cho phút giây nông nỗi của Mẫn vì điều đau lòng và đáng tiếc đã xảy ra. Tôi cảm thấy rất buồn và tự hỏi liệu còn bao nhiêu gia đình đang sống trong cảnh bạo hành như thế, liệu chính quyền địa phương có biết những gia đình như thế không, liệu có cách nào giúp họ giải thoát chứ không phải kết thúc bằng những phiên tòa đau lòng như vậy không? Cách duy nhất là lên tiếng bảo vệ chính mình.
Im lặng trước hành vi bạo lực cũng là đồng lõa với tội ác
Bảo vệ mình bằng cách nào?
Lan: Qua câu chuyện của Mẫn, tôi rút ra một bài học rằng: bảo vệ mình chính là bảo vệ sự an toàn của những người xung quanh. Chồng đánh vợ không chỉ làm vợ đau mà còn làm các con hoảng sợ, vì thế nếu ai đang phải sống trong cảnh này, hãy báo cáo ngay với chính quyền địa phương để nhận được sự giúp đỡ kịp thời
Minh: Ly hôn là điều chẳng ai muốn xuất hiện trong hôn nhân của mình. Thế nhưng nếu duy trì mà chỉ mang lại đau khổ cho những người trong cuộc cũng như những người sống xung quanh thì ly hôn là nên lắm chứ. Ly hôn sẽ làm cho bạn đau khổ trong một thời gian, nhưng những chuỗi ngày sau đó sẽ không phải chịu sự giày vò về cả thể chất và tinh thần
Gianghp: Khi bị bạo hành, sẽ có hai xu hướng xảy ra: một là đòi ly hôn, hai là cam chịu, nhưng tôi nghĩ đó chưa hẳn là những cách hay. Hãy bỏ đi đâu đó một thời gian, hoặc ly thân chẳng hạn, để cả hai suy nghĩ về hành động của mình. Thời gian sẽ làm cho những người trong cuộc ngộ ra được nhiều điều.
Ngoctuan: Không phải người nào đánh vợ, đánh con nào cũng là người không biết nghĩ. Hãy đem bi kịch của gia đình Mẫn làm bài học cho cách cư xử của họ. Nói chuyện thẳng thắn, tình cảm với nhau về những hậu quả có thể xảy ra sẽ có ích nhiều với việc cứ làm um mọi chuyện lên.
Câu chuyện về một sinh viên giết cha đẻ của mình vì ông hay đánh đập vợ con đã khép lại, thế nhưng để lại sau đó là nỗi đau, nỗi ám ảnh về bạo lực gia đình. Hạn chế bạo lực gia đình vẫn là một bài toán khó! Hãy cùng chung tay đưa ra những cao kiến của mình để giúp những người trong cuộc bằng cách nhấn vào dòng chữ Trao đổi thảo luận phía dưới, bạn nhé!
Tâm sự bạn trẻ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Chấp nhận sự từ chối-Làm thế nào chúng ta có thể biến nỗi đau thành sự phát triển Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00