Hội thảo khoa học về việc điều trị thay thế dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS - Những vấn đề đặt ra trong ngày đầu tiên Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Báo cáo của Tiến sĩ Myat Htoo Razak - đại diện Tổ chức Sức khoẻ Gia đình quốc tế (FHI) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tỷ lệ ca nhiễm HIV do tiêm chích ma tuý tại Việt Nam chiếm hơn 60%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực châu Á, do đó, nếu không phối kết hợp hơn nữa trong công cuộc phòng chống thì khả năng lây nhiễm HIV từ những người nghiện sẽ ngày càng rất cao. Ông Razak cho rằng việc áp dụng các biện pháp điều trị thay thế cho người tiêm chích ma tuý, trong đó có việc dùng thuốc Methadone sẽ mang lại nhiều hiệu quả hứa hẹn. Các nghiên cứu về điều trị thay thế ở người tiêm chích ma tuý cho thấy, nếu dùng thuốc Methadone sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế do giảm việc sử dụng ma tuý, giảm tần suất tiêm chích, giảm đáng kể hành vi tội phạm, tử vong do dùng quá liều, cải thiện tình trạng sức khoẻ, trạng thái tinh thần, và đặc biệt là giảm nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV... Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Razak, để các chương trình này mang lại hiệu quả thì các nhà thực hiện chương trình, các bác sĩ điều trị... cần phải hiểu và thống nhất quan điểm đối thoại với người bệnh, rằng: "Tôi ở đây không phải để thuyết giáo cho anh, mà để lắng nghe vấn đề của anh hơn nữa. Qua đó tôi mới có thể giúp được anh"
Bản tham luận về "Điều trị dược học về lệ thuộc chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, Buprenorphine và Naltrexone" của bác sĩ Lynn E. Sulivan - Trường Đại học Y khoa Yale- Hoa Kỳ, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, đã chia sẻ những kinh nghiệm về ưu và nhược điểm của từng loại thuốc điều trị thay thế. Điều đặc biệt là qua tham luận này, bác sĩ Sulivan khẳng định rằng: "Methadone có thể sử dụng an toàn cho cả phụ nữ đang có thai". Chắc chắn tham luận của bà sẽ là cơ sở cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu Việt Nam về hiệu quả điều trị của các loại thuốc này.
Đáng chú ý hơn cả, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khoẻ tâm thần Trung Ương, cơ quan duy nhất trong cả nước có kinh nghiệm điều trị thay thế, đã chia sẻ với hội thảo những kinh nghiệm quý báu trong điều trị Methadone và Naltrexon. Mong rằng kinh nghiệm của viện Sức khoẻ tâm thần sẽ là cơ sở khoa học gần gũi cho các địa phương đang và sẽ triển khai chương trình điều trị thay thế này.
Xen lẫn những tham luận, những bằng chứng khoa học việc điều trị thay thế, Tiến sĩ Phạm Chiến Khu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tư tưởng Văn Hoá Trung Ương đã trình bày tại hội thảo những kết luận quan trọng về nhận thức của người dân trong việc điều trị thay thế giảm thiểu tác hại. "Đa số người dân khẳng định việc sử dụng ma tuý đã phát triển tran lan trong xã hội. Đại đa số đánh giá đúng hiệu quả của các biện pháp cai nghiện mà lâu nay chúng ta áp dụng (không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp). Đặc biệt kết quả nghiên cứu này khẳng định dư luận ủng hộ biện pháp sử dụng thuốc thay thế". Như vậy, đứng về khía cạnh nào đó, người dân trong nước cũng rất ủng hộ chương trình giảm thiểu tác hại bằng thuốc thay thế, nếu như nó được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.
Trong ngày làm việc thứ nhất của hội thảo, ngoài những bằng chứng khoa học, những kết quả nghiên cứu ủng hộ chương trình, thì điều mà nhiều nhà khoa học, nhà lập sách băn khoăn là: Giá thành của methadone như thế nào, liệu người nghiện ma tuý (bần cùng đã bán tới vật dụng cuối cùng trong gia đình để có tiền dùng ma tuý) có khả năng theo đuổi điều trị được không? Thiết nghĩ đây cũng là câu hỏi xác đáng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách khi quyết định đưa chương trình giảm thiểu tác hại bằng thuốc thay thế.
Giáo sư Đào Duy Quát - Phó trưởng ban Tư Tưởng Văn hoá Trung ương, đại diện cho cơ quan Đảng đã đưa ra những ý kiến rất tâm huyết của mình. “So với các chương trình khác, cũng như so với các nước khác trong khu vực, thì chương trình giảm thiểu tác hại ở Việt Nam thực hiện quá chậm chễ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động phòng chống HIV/AIDS tuy đã tiến hành được 10 năm, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Do đó, chúng tôi nghĩ, phải coi giảm thiểu tác hại là mục tiêu thường xuyên, hàng đầu, nếu không nó sẽ chìm đi sau những ưu tiên khác”. Qua ý kiến này, có thể thấy quyết tâm của Đảng và nhà nước ta trong việc đưa các chương trình giảm thiểu tác hại trở thành mục tiêu hàng đầu trong công tác bảo vệ người nghiệm ma tuý tránh khỏi đại dịch HIV, cũng như góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam từ này đến 2010.
Với những ý kiến khoa học, những kinh nghiệm điều trị và các băn khoăn đặt ra trong ngày làm việc thứ nhất, chắc chắn hứa hẹn nhiều thú vị trong ngày làm việc thứ hai (16/11) của Hội thảo.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00