Hội thảo khoa học về việc điều trị thay thế dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS - Những điều được đúc kết trong ngày bế mạc Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Ngày 16 tháng 11 năm 2005, là ngày họp thứ hai, cũng là ngày khép lại hội thảo khoa học ''Điều trị thay thế nhằm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam'' do Ban khoa giáo Trung ương kết hợp với Trung tâm dự phòng bệnh tật Hoa Kỳ tổ chức. Trong ngày làm việc này, nhiều vấn đề đặt ra trong ngày thứ nhất đã được làm sáng tỏ.
Tiến sỹ Lynn Sullivan, Trường Đại học Yale, Hoa Kỳ mở đầu Hội thảo bằng bản tham luận “Lợi ích của điều trị duy trì bằng Methadone làm tăng hiệu quả của điều trị ARV cho người sử dụng ma tuý nhiễm HIV”. Bản tham luận cho thấy hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng Methadone trong giảm thiểu lây nhiễm HIV tại Hoa Kỳ, và lợi ích của thuốc trong việc kết hợp với ARV điều trị HIV. Đây là một kết luận khoa học quan trọng.
Tiến sỹ Shui Shan Lee, Trường Đại học Trung Hoa tại Hồng Kông chia sẻ kinh nghiệm của nước mình trong việc thực hiện chương trình Methadone. Điều đáng chú ý nhất trong bản tham luận này là Hồng Kông đã thực hiện chiến dịch phòng chống và giảm thiểu tác hại ngay từ khi nước này bắt đầu có bệnh nhân nhiễm HIV từ việc sử dụng ma tuý. Do đó, cho đến thời điểm này, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ tiêm chích ma tuý ở Hồng Kông là rất thấp (khoảng 2 trên 100 người nhiễm HIV). Việc xây dựng các trạm y tế tại địa phương, và việc huy động các tình nguyện viên không chuyên đã có những hiệu quả không ngờ. Theo ông Lee, thành công mà Hồng Kông đạt được là thành công về khâu tổ chức và sử dụng nguồn nhân lực. Chúng ta có thể bắt tay thực hiện ngay mà không cần phải đợi đến khi kế hoạch hoàn chỉnh mới bắt đầu, không nên xem nhẹ vai trò của người dân, đừng nghĩ là không hiệu quả hay mất thời gian. Không cần tranh luận nhiều, không cần nói nhiều, chỉ làm thôi, làm theo nhu cầu và thực tế xã hội – đây chính là những điều mà ông Lee đúc kết lại sau kinh nghiệm hoạt động của nước mình.
Cũng như Hồng Kông, Australia đã sử dụng và thu được hiệu quả từ việc điều trị Methadone dự phòng dịch HIV bùng nổ trong nhóm tiêm chích ma tuý. Theo tiến sỹ Alex Wodak, Bệnh viện Thánh Vincent, Australia bị đe doạ bởi dịch HIV liên quan đến tiêm chích ma tuý vào giữa những năm 80. Ngay trong giai đoạn đó, chính phủ Astralia đã thông qua và triển khai chiến dịch giảm thiểu tác hại. Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, cũng như công tác giáo dục đồng đẳng đã giúp cho Australia đạt được hiệu quả không ngờ (tỉ lệ người tiêm chích ma tuý dẫn đến HIV là 1 – 2%). Tiến sỹ Wodak tự hào khẳng định rằng hiện nay Australia hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch HIV, đặc biệt trong nhóm tiêm chích ma tuý, và những phương pháp dự phòng hiện vẫn được duy trì. Tiến sĩ khẳng định chắc chắn rằng: Kinh nghiệm của Australia không mang tính hiếm có, mà có thể linh động vận dụng và thành công ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tất cả các nhà khoa học, đại diện Ban tư tưởng văn hoá Trung ương tại 25 tỉnh thành đều thừa nhận rằng, việc triển khai điều trị dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam là cần thiết trong giai đoạn này. Các thành viên Hội thảo đều nhất trí với nhận định của Đại diện CDC “Việt Nam đã và đang bùng nổ đại dịch AIDS, thời điểm này là quá muộn để ngăn chặn đại dịch, nhưng không quá muộn để kiểm soát và hạn chế nó”.
Thu hút được sự quan tâm nhất trong ngày thứ hai của Hội thảo là sự xuất hiện của các bệnh nhân đã và đang điều trị Methadone và Naltrexone. Mỗi bệnh nhân đều công nhận tác dụng của thuốc. “Nhìn chung, thuốc giảm thiểu nhiều tác hại so với việc sử dụng Heroin. Bất kỳ người nghiện ma tuý nào cũng muốn thoát khỏi nó, nhờ có Methadone và Naltrexone chúng tôi đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, không phụ thuộc vào ma tuý". Lời chia sẻ này là minh chứng tốt nhất về tác dụng tích cực của liệu pháp thay thế và đối kháng cho người sử dụng ma tuý. Tuy rằng ở mỗi người, do cơ địa khác nhau, thuốc có tác dụng khác nhau, song theo như tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện sức khoẻ tâm thần Trung ương “Chúng ta đừng nên bận tâm quá đến các tác dụng không mong muốn của Methadone hay Naltrexone, thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Điều chúng ta cần nhìn nhận là Heroin tác hại hơn nhiều, còn hai loại thuốc này có thể đưa người nghiện trở về và chủ động với cuộc sống của mình.”
Những băn khoăn lo lắng trước khi chúng ta triển khai một chương trình mới là cần thiết, tuy nhiên, đi đến cuối buổi Hội thảo, các thành viên đã đạt được những sự đồng thuận trong một số vấn đề. Vì lợi ích chung của cả cộng đồng, chúng ta cần quan tâm đến người nghiện. Chúng ta có thể áp dụng linh hoạt cả hai loại thuốc này trên từng cá nhân. Chính phủ sẽ xem xét và sớm có chỉ thị triển khai chiến dịch điều trị giảm thiểu trên diện rộng. Đây không còn là vấn đề làm khoa học nữa, mà là vấn đề y tế công cộng, vấn đề con người. Đây là biện pháp giúp đỡ con người trở về với cuộc sống bình thường. Việc này cần làm càng sớm càng tốt để đảm bảo an sinh xã hội.
Sau khi nghe được những thông tin này, các bệnh nhân đang điều trị thay thế tỏ ra rất vui mừng. Mở rộng chương trình Điều trị thay thế dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên toàn quốc, cho cộng đồng là điều mà người nghiện, cũng như các nhà khoa học, người dân mong muốn nhất. Hội nghị này khẳng định với bè bạn quốc tế Việt Nam đã cam kết tham gia chương trình phòng chống AIDS. Triển khai lúc này tuy không còn là sớn, nhưng vẫn chưa phải là quá muộn, để kiểm soát đại dịch, nếu như các cấp, các ngành có sự quyết tâm và đồng bộ. Hy vọng rằng những vấn đề đặt ra trong kỳ Hội thảo này sẽ sớm được triển khai thực hiện.
Châu Anh – Nghi Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00