Hành lang pháp lý cho chiến lược giảm thiểu tác hại phòng lây nhiễm HIV trong nhóm có nguy cơ cao Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, nhóm tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm là nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. Do đó, để giảm thiểu lây nhiễm HIV cần tập trung vào nhóm đối tượng này. Và ngay tại một số nước như Mỹ, Canada, Indonesia … đã có những biện pháp và pháp lệnh cụ thể để thực hiện chiến lược này.
Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên đề cập đến vấn đề áp dụng biện pháp can thiệp giảm tác hại phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm hành vi nguy cơ cao tại chỉ thị số 02/2003/CT-TTg ngày 24/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm 2 của chỉ thị quy định: "Bộ công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ lao động - Thương binh xã hội, Uỷ ban Dân số Gia đình Trẻ em … nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng có hiểu quả nhằm giảm sự lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm người có nguy cơ cao ra cộng đồng".
Tiếp theo đó, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 36/2004/QĐ – TTg ngày 17/3/2004 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Qua đó đề cập đến vấn đề can thiệp giảm thiểu tác hại phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS tại điều 1. Tại điều 1 này đã có những quy định cụ thể hơn so với chỉ thị năm 2003 về quan điểm, mục tiêu, nhóm các giải pháp về xã hội. Đặc biệt, điều 2 dành riêng để nói về chương trình can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS (đây là 1 trong 9 chương trình của chiến lược).
Đặc biệt tại Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đã đưa ra nhóm các giải pháp xã hội trong đó đã coi biện pháp "Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS" là một trong sáu giải pháp của nhóm này để thực hiện Chiến lược này với các nội dung rất cụ thể, bao gồm: tạo hành lang pháp lý và tăng cường hoạt động cụ thể.
Và mới đây nhất trong dự án Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS tại Điều 20 đã nêu rõ: “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS bao gồm: Các biện pháp can thiệp bằng truyền thông thay đổi hành vi; Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch …”
Trên đây là những cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong khi thực hiện chương trình này chúng ta đã và đang gặp phải những mâu thuận giữa việc thực hiện một số chương trình giảm tác hại với hành lang pháp lý. Ví dụ: Trong luật phòng chống ma tuý năm 2000 quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý… Điều 3 của Luật ghi rõ: Nghiêm cấm "Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý", và “Sản xuất tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý". Như vậy tại điều luật này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai cung cấp bơm kiêm tiêm sạch cho người nghiệm ma tuý. Trên thực tế, chương trình này đã được thực hiện tại một số tỉnh thành như Lạng Sơn, Điện Biên…. Đây là mâu thuẫn thứ nhất đặt ra cần phải giải quyết.
Bên cạnh đó, điều 4 Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: "lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm". Còn tại điều 12 Pháp lệnh phòng chống virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 1995 quy định "Nghiêm cấm hành vi mua bán dâm, tiêm chích ma tuý và các hành vi làm lây truyền HIV/AIDS khác". Qua đây có thể thấy tinh thần kiên quyết đấu tranh nhằm làm giảm thiểu tệ nạn xã hội mại dâm ma tuý của Nhà nước nhưng hầu như không đề cập tới vấn đề giảm tác hại trong phòng chống mại dâm, ma tuý nhằm phòng ngừa sự lây truyền HIV/AIDS. Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền và hướng dẫn người hành nghề mại dâm sử dụng bao cao su cũng như người dùng ma tuý sử dụng bơm kim tiêm sạch để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV cho mình hoặc cho người khác. Mà điều này đã được triển khai tại một số tỉnh thành như An Giang, Cần Thơ...
Đứng từ một góc độ nào đó thì những quy định pháp luật này còn có thể tạo ra những định kiến xã hội đối với người hành nghề mại dâm, người tiêm chích ma tuý dẫn đến việc khi triển khai các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp sẽ gặp một số rào cản tâm lý như từ chối không tham gia chương trình này, đánh giá quá nặng nề về người hành nghề mại dâm và tiêm chích ma tuý.... Tuy nhiên, đứng về khía cạnh tâm lý này thì yếu tố văn hoá, phong tục tập quán, trình độ nhận thức, thực trạng quản lý của nhà nước cũng là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến kết quả triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại từ ma tuý, mại dâm.
Trên cơ sở phân tích những điều chưa thống nhất về mặt luật pháp có thể ảnh hưởng đến công tác giảm thiểu tác hại, Phó Vụ trưởng đã đưa ra một số giải pháp và lý luận hợp lý hơn về vấn đề này, như:
Ví dụ tại Điều 3 khoản 4 Luật chống ma tuý quy định nghiêm cấm hành vi "vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý". Trong khi hành vi của cộng tác viên đồng đẳng không phải là vận chuyển, mua bán, tiếp tay bơm kim tiêm để khuyến khích sử dụng ma tuý mà là cho không hoặc đổi bơm kim sạch lấy bơm kim tiêm đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu hành vi nguy cơ cao từ người tiêm chích và do vậy hành vi này không phạm pháp.
Tương tự như vậy, pháp lệnh mại dâm đã quy định rõ chỉ bị coi mua bán dâm khi có hành vi giao cấu giữa người mua dâm và người bán (Điều 3 khoản 1, 2 Pháp lệnh), do đó việc phát bao cao su của tuyên truyền viên cho gái mại dâm cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Vấn đề đặt ra là cần thống nhất về mặt nhận thức và tổ chức quản lý chặt chẽ, hợp lý sao cho có thể giảm tối đa việc làm sai mục đích của biện pháp can thiệp để các ngành, các cấp, các lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội có thể phối hợp một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để đồng đẳng viên hoạt động.
Song song với vấn đề thống nhất nhận thức về pháp luật liên quan đến việc giảm thiểu tác hại cho người có nguy cơ cao, ông Sơn còn nêu ra giải pháp cụ thể hơn về khía cạnh này là: Sớm ban hành Luật phòng, chống HIV/AIDS và bổ sung luật phòng chống ma tuý, Pháp lệnh phòng chống mại dâm là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc xem xét để soạn thảo, sửa đổi thông qua đó thống nhất các đạo luật này có vai trò quan trọng giúp các ngành các cấp dễ triển khai chiến lược giảm thiểu tác hại này.
Tuy nhiên, Phó vụ trưởng cũng cho rằng việc phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi từ các cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội có liên quan trong các hoạt động này để có sự phối hợp cũng không thể thiếu để hoạt động can thiệp giảm tác hại này có hiệu quả cao.
Như vậy, cùng với việc các ngành các cấp xây dựng chiến lược giảm thiểu tác hại phòng tránh lây nhiễm HIV trong nhóm có nguy cơ cao thì công tác xây dựng hàng lang pháp lý mà cụ thể hơn nữa là có sự thống nhất giữa các điều luật, pháp lệnh, các văn bản nghị định cũng là vấn đề rất quan trọng để công tác này đạt hiệu quả.
Châu Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00