Đối với mỗi người “ dị tính” chúng ta, việc kết hôn , việc được nuôi dạy, chăm sóc con cái là điều hết sức bình thường, nhưng sao với các bạn “ đồng tính, song tính và chuyển giới “ thì sao cái ước mong nhỏ nhoi đó lại xa xôi và khó khăn đến thế.
Ông Lương Thế Huy – Cán bộ lập pháp của Isee – một trong những tiếng nói cho toàn thể cộng đồng LGBT
Mỗi con người khi sinh ra được trao tặng các quyền lợi như nhau. Mỗi người sinh ra tạo nên cái riêng biệt, cái đa dạng cho xã hội, vậy tại sao những con người ấy, những cuộc đời ấy phải chịu đựng sự xa lánh của cộng đồng , phải chịu sự đau khổ đến tột cùng khi đến cái quyền lợi nhỏ nhoi chính đáng của một con người cũng không được xã hội công nhận. Và câu hỏi đặt ra cho các bạn trong cộng đồng LGBT đó là có mấy người trong các bạn hiểu được những quyền mà mình đang có và cần phải có ? Tại sao các bạn phải chịu đựng sự xa lánh, sự đối xử tệ bạc, sự không công bằng trong khi các bạn không đáng phải chịu những điều như vậy. Và để giúp các bạn trong cộng đồng LGBT trả lời câu hỏi, Viên nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường ( Isee) đã tổ chức buổi hội thảo “ Tư vấn pháp luật cho cộng đồng LGBT” và giới thiệu cẩm nang “ Quyền của tôi “ với sự tham gia của các bộ lập pháp của viện Isee Lương Thế Huy, giảng viên đại học Luật Hà Nội TS Nguyễn Thị Lan và các bạn trong cộng đồng LGBT.
Lần đầu tiên tại hội thảo, các bạn trong cộng đồng LGBT được chia sẻ, được hiểu hơn về các quyền mà mình có. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề về quyền kết hôn của cộng đồng LGBT và về quyền thân nhân, hộ tịch.
Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của các bạn trong cộng đồng LGBT và một số nhóm khác
Một câu nói của bạn Hoàn- một bạn đồng tính nam chia sẻ: Tôi là đồng tính nam, tôi cũng là một con người, tại sao tôi lại không có quyền kết hôn với người tôi yêu thương ?. Tại sao mọi người xung quanh lại nghĩ chúng tôi là những người cần phải đi điều trị tâm thần?. Câu hỏi của bạn làm tất cả mọi người lắng lại, man mác buồn cho số phận của một con người. Không chỉ có bạn, mà ngoài xã hội còn nhiều, còn nhiều hơn nữa những cuộc đời, những số phận phải chịu cảnh khổ cực. Không được kết hôn với người mình yêu thương, không được sống thật với chính con người của mình, bị từ chối khám chữa bệnh, từ chối không cho đi máy bay vì bề ngoài không giống với giấy tờ. Phải chăng, xã hội chúng ta đang từ chối đón nhận những con người này, và dồn họ vào sự tận cùng của xã hội
Phụ huynh có con là người đồng tính nam
Cũng trong buổi hội thảo tư vấn này, có sự tham gia của một phụ huynh có con là người đồng tính nam. Một người cha đã đến từ rất sớm để hy vọng trong buổi hội thảo này, ông có thể hiểu hơn về những quyền mà con mình đang và cần có.
Ông đã đứng lên chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình “Ông và gia đình đã mất 2 năm để chấp nhận sự thật rằng con trai mình là người đồng tính. Cha mẹ ai cũng yêu thương những đứa con của mình, giờ tôi hiểu rằng, tôi cần phải ở bên con để chia sẻ cùng con và hiểu con hơn. Tôi đến buổi hội thảo này cũng mong muốn biết them được các quyền mà con tôi và những người trong cộng đồng LGBT đang và cần có “
Sự có mặt của ông làm tôi và tất cả mọi người trong buổi hội thảo đều rất vui và xúc động. Để nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, động viên từ phía gia đình của các bạn trong cộng đồng LGBT quả thật là một điều vô cùng khó. Ngoài việc nhận thức được việc con mình là người đồng tính nam là việc hết sức tự nhiên thì ông còn tìm hiểu và nắm được các quyền mà con mình có. Nếu như không có những người bố như ông - những người quan tâm và hiểu những đứa con – những con người đang bị xã hội gọi là kì dị thì những đứa con đấy sẽ như thế nào đây?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan :Giảng viên đại học Luật Hà Nội – Người luôn cung cấp những thông tin về pháp luật cho cộng đồng LGBT
Trong buổi hội thảo , TS Nguyễn Thị Lan trả lời các thắc mắc và tư vấn về pháp luật cho các bạn trong cộng đồng LGBT . Cô cũng chia sẻ rằng “ Tôi đang và sẽ cố nhặt nhạnh các quyền lợi có thể để giúp các bạn trong cộng đồng LGBT có được cuộc sống tốt đẹp nhất”. Xã hội vẫn có những người như cô- những người đang và sẽ mang lại niềm tin, sự hy vọng cho các bạn LGBT về những niềm vui, niềm hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Isee cũng giới thiệu cẩm nang “ Quyền của tôi “ Một cuốn sách giúp các bạn trong cộng đồng LGBT có thể hiểu hơn về những quyền mà mình đang có và cần phải có. Cẩm nang cung cấp những thông tin khái quát về một số quyền cơ bản của LGBT. Nhờ có cẩm nang này, mà các bạn trong cộng đồng sẽ tự tin và dũng cảm đối diện với những điều đang xảy ra xung quanh.
Trong cuốn cẩm nang này có đề cập đến Pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về nhân thân, hộ tịch và các lĩnh vực pháp luật khác.
Trong buổi hội thảo này, ngoài việc các bạn trang bị cho mình một cuốn cẩm nang quý báu thì các bạn cũng được giải đáp các thắc mắc , băn khoăn về pháp luật của công đồng LGBT. Một câu hỏi của một bạn trong cộng đồng LGBT : “ Nếu em bị một người cùng giới hiếp dâm, giao cấu ngoài ý muốn thì người đó có thể bị truy tố hình sự không”? Với câu hỏi của bạn , TS Nguyễn Thị Lan đưa ra câu trả lời như sau : “ Pháp luật hình sự Việt Nam không quy định rõ nạn nhân của hiếp dâm phải là nữ giới. Tuy nhiên, do diễn giả hành vi hiếp dâm hay giao cấu phải là giữa nam và nữ cho nên trên thực tế chưa có trường hợp nào nạn nhân là nam giới. Nếu như trong trường hợp hành vi hiếp dâm xâm hại tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì bạn có thể tìm tới viện Isee, trung tâm ICS để được trao đổi cụ thể hơn”. Thế mới thấy, các quy định pháp luật hiện hành còn có nhiều bất cập. Và những con người ấy vẫn cần lắm sự công bằng trong cuộc sống này.
Cẩm nang mang tên “ Quyền của tôi”
Mỗi con người sinh ra đều được ban tặng những quyền cơ bản. “ Đồng tính, song tính, chuyển giới “ không phải là người kì dị hay là bị tâm thần có vấn đề, họ là những con người bình thường như bao người khác, vì vậy họ xứng đáng được hưởng những điều mà họ đáng được nhận. Tôi và mọi người trong xã hội không có quyền tước bỏ đi cái mà họ đáng được nhận. Những con người ấy vẫn hàng ngày, hàng giờ đi tìm kiếm cái gọi là “ Quyền của tôi” quyền lợi hết sức bình thường đối với mỗi người.
Hy vọng rằng trong dự thảo luật vào ngày 05/11/2013 sắp tới, Nhà nước ta sẽ chấp nhận quyền hôn nhân đồng giới cũng như các quyền khác để cộng đồng LGBT được sống theo những gì họ mong muốn và sống một cuộc sống của con người.
Lê Ngọc