Để triển khai phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả ở Bình Dương Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Để triển khai phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả ở Bình Dương Để triển khai phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả ở Bình Dương](https://tamsubantre.org/media/news/Mittinh-HIV.gif)
Ảnh minh họa
Chống ma tuý – “cuộc chiến” nhiều cam go
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993, tính đến hết tháng 10-2006, toàn tỉnh đã có 4.614 trường hợp nhiễm HIV tích lũy và số người chuyển sang AIDS là 1.284 người, trong đó có 291 người tử vong do AIDS. Qua giám sát trọng điểm của ngành y tế cho thấy, số người nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tiêm chích ma túy chiếm gần 26%... Đây là một thực tế đầy thách thức cho các ngành chức năng trong cuộc chiến ngăn chặn AIDS.
Cho đến nay, tình hình tội phạm ma túy vẫn còn diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2006, toàn tỉnh đã phát hiện được 94 vụ, bắt xử lý 274 đối tượng vi phạm các tội về ma túy, tăng 11 vụ so với cùng kỳ. Người nghiện ma túy toàn tỉnh hiện có 767 người, giảm 78 người so với năm 2005. Nguyên nhân giảm là do đối tượng bị bắt, rời bỏ địa phương sang nơi khác hoặc bị chết... Thực trạng này cho thấy mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống nhưng số người nghiện trong tỉnh vẫn còn nhiều. Giám sát trọng điểm năm 2006 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, hiện nay chiều hướng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn tập trung ở nhóm đối tượng ma túy và mại dâm. Cụ thể qua khảo sát 439 đối tượng tiêm chích ma túy thì có 114 người bị nhiễm HIV/AIDS (chiếm 25,96%); 403 gái mại dâm thì có 11 người nhiễm (2,72%); 846 thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự thì có 4 người nhiễm (0,47%); 713 phụ nữ trước đẻ ở thành thị thì có 2 ca nhiễm (0,28%)...
Thực tế đã chỉ ra rằng: “căn bệnh thế kỷ” đã xâm nhập vào mọi thành phần trong xã hội, trong đó nhiều nhất là đối tượng tiêm chích ma túy, nguồn lây lan rất khó kiểm soát. Hơn nữa, điều đáng quan tâm là trong 302 ca nhiễm HIV của năm 2006 thì trên 80% là ở lứa tuổi thanh niên 20 - 39 tuổi và đối tượng nghiện chích ma túy bị nhiễm HIV cũng đều ở độ tuổi này. Chính vì vậy, để hạn chế nguồn lây lan căn bệnh HIV/AIDS ở nhóm đối tượng tiêm chích ma túy thì giải pháp đưa đi cai nghiện tập trung là vấn đề mà các ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, được biết đa số các đối tượng nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được quản lý cai nghiện tại cộng đồng, chỉ khi nào cai tại cộng đồng không hiệu quả thì mới đưa đi cai nghiện tập trung. Như vậy, khó có thể giảm được số ca nhiễm HIV/AIDS vì đa số các đối tượng nghiện chích ma túy đều bị nhiễm HIV/AIDS và số người nghiện mới thì năm nào cũng có đến vài chục người. Riêng từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phát hiện được 25 người nghiện mới và 22 người tái nghiện.
Tệ mại dâm –thách thức không nhỏ
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục ở Bình Dương đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu giám sát trọng điểm năm 2006 của ngành y tế thì đối tượng mại dâm có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS chiếm gần 3% - đứng hàng thứ 2 trong số các đối tượng nhiễm - một thách thức không nhỏ của cuộc chiến ngăn chặn AIDS.
Là một tỉnh đang trên đà phát triển công nghiệp nhanh và mạnh, kéo theo sự ra đời của các loại hình dịch vụ như quán cà phê, karaoke, massage, nhà nghỉ trong đó có không ít tụ điểm đã sử dụng tiếp viên để câu khách và hoạt động mại dâm trá hình. Đây là một hiểm họa cho cộng đồng trong việc lây lan căn bệnh HIV/AIDS. Con số thống kê qua giám sát trọng điểm năm 2006 của Bình Dương đã chỉ ra: trên 599 cơ sở kinh doanh cà phê dạng lùm, chòi, vườn có sử dụng tiếp viên để câu khách, với tổng số tiếp viên trên 2.100 người; trên 400 cơ sở karaoke, trong đó 81 cơ sở có sử dụng tiếp viên để câu khách... Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện, thị đã triệt phá được 14 vụ hoạt động mại dâm, bắt tổng cộng 69 đối tượng, lập hồ sơ 40 gái mại dâm để đưa đi giáo dục, chữa bệnh. Như vậy là, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn còn hoạt động khá nhiều và biến tướng tinh vi - một vấn đề nóng đã và đang đặt ra cho các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm hướng giải quyết triệt để.
Tránh kỳ thị, phân biệt đối xử mà chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ
Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV luôn là một rào cản lớn cho việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh AIDS... Vậy cần làm gì để từng bước xóa bỏ rào cản này?
Cùng với việc nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh AIDS thì vấn đề chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS luôn được quan tâm, kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của cả cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa chuyển biến tích cực, thậm chí vẫn còn không ít người dân e ngại khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS. Thực tế này đã làm cho “căn bệnh thế kỷ” trở nên khó kiểm soát và lây lan nhanh hơn.
Sự phân biệt, kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự che giấu tình trạng bệnh tật của nhiều người nhiễm HIV, làm cho họ thiếu kiến thức về phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Hơn nữa, nó làm người nhiễm bệnh mất đi chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần, làm cho họ dễ có những hành vi, lối sống thiếu lành mạnh và thậm chí có ý định trả thù đời bằng cách đi gieo rắc căn bệnh cho cộng đồng xã hội.
Chúng ta đều biết HIV/AIDS là bệnh nguy hiểm nhưng nếu có kiến thức và ý thức phòng tránh thì tất cả mọi người đều có thể sống chung với AIDS. Chính vì vậy hơn bao giờ hết, những người chẳng may bị nhiễm HIV/AIDS là những người đáng thương và rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người trong xã hội...Và còn chờ gì nữa mà chúng ta không dang tay ra bao bọc và giúp đỡ những người không may nhiễm phải “căn bệnh thế kỷ”, đưa họ hoà nhập với cộng đồng và trở thành những nhân tố tích cực, sống động nhất, góp công góp sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vì sức khoẻ của mọi người, vì sự bảo tồn giống nòi của mỗi chúng ta?!
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00