Đào Phương Thanh - ngư?i có HI Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Chị Đào Phương Thanh
“Giúp được người khác, mình rất vui, sức khỏe của họ là phần thưởng cho mình. Phải tạo được niềm tin cho họ bằng chính những hành động của mình”. Đó là tâm sự của chị Đào Phương Thanh, trưởng nhóm Hoa Sữa (nhóm tự lực của người có HIV, Hà Nội), người đã kéo dài sự sống của rất nhiều người có HIV như chị.
Khó khăn rồi cũng sẽ qua
Năm 2004, trong một lần chăm sóc em trai - một người có HIV (NCH) đã chuyển sang giai đoạn AIDS, vô tình chị bị kim tiêm đâm vào tay. Mũi kim oan nghiệt đó đã gây cho chị nỗi bàng hoàng và bất ngờ sau ba tháng với kết quả xét nghiệm HIV dương tính. HIV xâm nhập vào cơ thể chị trong một sự tình cờ như thế.
Chồng chị đã qua đời trong một tai nạn đắm tàu khi chị đang mang thai người con đầu lòng. Em trai chị cũng rời xa chị sau một thời gian điều trị nhưng không qua khỏi. Chị có sốc, nhưng được sự động viên của gia đình và trách nhiệm với người con gái, chị thấy mình cần phải sống. Chị quyết định công khai tình trạng của mình, vì “nếu công khai mình sẽ có nhiều cơ hội để đến với những NCH, giúp đỡ họ để họ có niềm tin và sống tốt hơn”. Chị nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bà con trong khu phố. Điều đó làm chị rất vui. Tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, chị mong muốn được giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và tuyên truyền kiến thức phòng tránh HIV/AIDS trong cộng đồng.
Sau khi công khai thông tin đó, đã có rất nhiều tổ chức biết đến và mời chị đến chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS. Chị dành thời gian cho dự án “HIV/AIDS tại nơi làm việc” - một phần của Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (BSPS), được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Chị được mời vào tổ chức Smartwork để chia sẻ những kiến thức về HIV/AIDS. “Do cùng hoàn cảnh nên chị hiểu được những cảm xúc cũng như mong muốn của những người có HIV. Hơn nữa những người đã công khai tình trạng như chị, đi chia sẻ dễ thuyết phục hơn”, chị nói.
Ý tưởng thành lập nhóm Hoa Sữa nảy sinh và chị quyết định đứng lên kêu gọi mọi người thành lập nhóm. Ban đầu có 6 thành viên, sau đó không lâu số thành viên đã tăng dần lên và đến nay là 64 người. Những ngày đầu mới thành lập, “đã có lúc tưởng như nhóm gần tan rã, nhưng chị nghĩ tất cả tâm huyết mình dành cho nhóm bây giờ mình lùi bước thì không ai có thể làm thay chị”. Chị nói tiếp: “Hơn nữa, mình muốn làm được một cái gì đó có ích, mình thương các bạn và không muốn cộng đồng có cái nhìn không đúng với NCH, họ không phải là người bỏ đi”.
Không phải những NCH tự đến Hoa Sữa mà ngày ngày chị tìm đến với những NCH chia sẻ với họ và vận động họ nên vào hoạt động trong nhóm. Để tạo được niềm tin cho họ, chị đã chứng minh bằng chính những hành động thiết thực của mình như sự quan tâm, động viên, chăm lo và giúp đỡ họ. Chị thấy “Vấn đề tinh thần là điều rất quan trọng với những người không may bị nhiễm HIV”.
Nhóm thành lập một tổ sửa xe nhưng khách vắng với lý do không ai muốn sửa ở quán của NCH. Rất nhiều NCH đã bị mất việc do có sự kỳ thị trong xã hội. Chị tìm đến những kế hoạch kinh doanh nhỏ khác như: đan len, đan những bop đựng điện thoại nhỏ,… Những sản phẩm xinh xắn đó đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Tham gia vào các tổ chức chống kỳ thị và phân biệt đối xử với NCH chị được trang bị thêm nhiều kiến thức, trình độ chuyên môn để có thể giúp đỡ những NCH nhiều hơn. Đôi khi sức khỏe không được tốt chị vẫn cố gắng động viên mình. Chị nói: “Sức khỏe của mình cũng quan trọng nhưng nếu mình cứ giữ gìn thì không có thời gian và cơ hội giúp đỡ mọi người”.
“Không cố gắng thì hết cơ hội giúp đỡ mọi người”
Cũng là một NCH và rất bận rộn, nhưng chị Thanh luôn nhắc nhở “bệnh nhân” của mình uống thuốc đúng giờ, đúng liều, vẫn ân cần hỏi han từng thành viên về việc đọc sách báo, tìm thêm thông tin để nâng cao kiến thức cho mình.
Ngày nào cũng là ngày bận rộn với chị. Buổi sáng, chị dậy sớm, ninh nhừ xuơng và và lọc lấy thịt, nấu cháo để chị em trong nhóm đem phát miễn phí cho những người đang điều trị HIV/AIDS tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa – Hà Nội. Những bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, sức khỏe quá yếu, chị đều đến tận nhà truyền dịch và cho thuốc. Ngày nào chị cũng bận, không ngày nào chị có dưới ba bệnh nhân. Vậy mà nét mặt chị vẫn luôn tươi vui, không tỏ ra một chút mệt mỏi.
Trước đây, khi anh Q. - một NCH - chưa chuyển đến ngôi nhà Hoa Sữa, sau mỗi buổi họp dù rất mệt và rất muộn, nhưng chị vẫn đều đặn đến nhà bệnh nhân để truyền dịch, mua thuốc cho Q. Nét mặt vẫn tươi cười. Gia đình Q. rất cảm động trước sự nhiệt tình của chị. Mẹ Q. nghẹn ngào: “Nhà cũng không có điều kiện, cũng may gia đình tôi gặp được chị và nhận được sự giúp đỡ tận tình, sức khỏe của con trai tôi đã dần tốt hơn”.
Ở chị luôn toát ra một vẻ điềm tĩnh rất đáng quý. Có lẽ bởi động lực vô hình nhưng rất lớn như chị nói: “Chị yêu tất cả mọi người”.
Là một NCH và bị lao màng não, gia đình không đủ tiền mua thuốc hàng ngày, ai cũng lo lắng trước tình trạng sức khỏe của anh, vậy mà chị vẫn khăng khăng “bệnh nhân nhất định sẽ sống”. Như một phép màu nghiệm, sau một thời gian được chị chăm sóc, sức khỏe của bệnh nhân đó đã dần tốt hơn. Chị như một vị cứu tinh đến với những người nghèo khổ đúng lúc và kịp thời nhất, mang niềm vui và hạnh phúc đến với họ.
Chị G. ở Bắc Ninh kể lại: Trước khi xuống đây, chị rất bi quan với tình trạng sức khỏe của mình, khắp cơ thể sưng phù, sốt cao, bụng cứng và bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công, bệnh lao và các phản ứng phụ của thuốc kháng virút. Nhưng sau hai tuần, sức khỏe của chị tốt hơn rất nhiều, cơ thể không sưng và không sốt nữa, bụng đã mềm hơn. “Chị mang ơn chị Thanh và nhóm Hoa Sữa rất nhiều, đặc biệt là trưởng nhóm - một người có năng lực, tâm huyết, luôn lo lắng cho mọi người”. Có lẽ chính lòng thương và sự nhiệt tình của chị Thanh đã làm sức khỏe của chị G. tốt hơn nhanh đến vậy!
Một lần, gặp hai em bé sinh ra đã có HIV bị bỏ rơi ở Bệnh viện Bạch Mai, không ngần ngại, chị nhận chăm sóc và thức cả đêm để trông hai cháu. Lòng nhân hậu của chị còn dành cho cả những người không may mắn đến với sự sống, chị đứng ra khâm liệm cho họ trong khi người nhà không dám làm việc đó. Đúng là “nghĩa tử là nghĩa tận!”.
Mọi người luôn dành cho chị sự kính mến, trân trọng và niềm biết ơn sâu sắc. Một thành viên nòng cốt của nhóm chia sẻ: “Trưởng nhóm quá tốt, nhiệt tình, chị đã cứu ai thì cứu hết mình. Cả ba lần anh tái nghiện chị Thanh đều cứu anh”.
Hoàng Lan (tên nhân vật đã thay đổi) - một thành viên mới tham gia vào nhóm đã nhanh chóng nhận thấy nét đáng quý ở con người chị: “Trong công việc, chị Thanh rất nghiêm khắc, trong cuộc sống chị rất vui tính, điều đặc biệt ở chị là sự nhiệt tình và tấm lòng vị tha, yêu thương mọi người hết mực”.
Và những trăn trở…
Chị đã khắc phục những khó khăn ban đầu để cố gắng duy trì nhóm – nơi mà giờ đây nhiều người coi đó là ngôi nhà thân yêu thứ hai của mình. Chị thủ thỉ: “Chị chỉ cần Hoa Sữa, tâm huyết và gắn bó với Hoa Sữa là đủ rồi”.
Tuy nhiên, do không phải là một dự án nên toàn bộ kinh phí của Hoa Sữa đều là tự túc. Kinh phí là khó khăn lớn nhất của Hoa Sữa. Đó cũng là vấn đề chị luôn trăn trở. Cũng dễ hiểu vì sao chị tự túc lo những khoản viện phí cho mình mà không dung tiền quỹ. Theo chị: “Tiền quỹ chỉ để dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu mình vẫn có thể tự túc được thì nên tự túc. Khi mình ốm, nằm viện hết 40 triệu nhưng vẫn không dùng tiền quỹ. Mặc dù không có nhiều, mình vẫn bỏ ra một triệu và xin thêm 630.000 đồng cho bốn anh em đều có HIV”. Hàng tháng, chị vẫn trích 30% thu nhập của mình để góp vào quỹ của nhóm.
Con gái là niềm tự hào, hạnh phúc và là động lực lớn của chị. Nhưng “con gái chị thiệt thòi vì chị không có nhiều thời gian chăm sóc. Đó là một lỗi lớn của chị” - chị Thanh chia sẻ. Chị mong muốn có một sức khỏe tốt và con cái chị được giúp đỡ để chị có nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Đó là mong muốn của chị, một mong muốn nho nhỏ của người phụ nữ giàu tình thương và trách nhiệm.
Nguyễn Hạnh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00