Có nên xét nghiệm HIV trước khi cưới? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Có nên xét nghiệm HIV trước khi cưới? Có nên xét nghiệm HIV trước khi cưới?](https://tamsubantre.org/media/news/a2.jpg)
Sau dự thảo của các đại biểu quốc hội về Luật phòng chống HIV/AIDS vào cuối tháng 2 vừa qua, một trong những tranh luận được nhiều bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn quan tâm, đó là có nên bắt buộc xét nghiệm HIV trước khi cưới. Ở góc độ của những bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn, không ít người vẫn băn khoăn tự hỏi chính mình “nên hay không nên?”.
|
Kết quả xét nghiệm HIV, chỉ có giá trị từ thời điểm hiện tại (thời điểm làm xét nghiệm) trở về trước (với điều kiện là người làm xét nghiệm không có hành vi nguy cơ trong thời gian 3-6 tháng trước khi xét nghiệm). Giấy xét nghiệm hoàn toàn không có giá trị cho thời điểm sau xét nghiệm hoặc nếu người làm xét nghiệm có hành vi nguy cơ trong khoảng thời gian 3-6 tháng trước khi xét nghiệm (*). Chính vì thế, tờ giấy xét nghiệm âm tính có thể “đánh lừa” niềm tin của nhiều người. Giấy xét nghiệm chỉ có giá trị tại một thời điểm nhất định, trong khi vi rút HIV thì không có thời điểm nào là không thể tấn công một người có hành vi nguy cơ. Vậy điều quan trọng có phải là giấy xét nghiệm khẳng định có hay không bị nhiễm HIV trước khi cưới có thể bảo vệ chúng ta không bị lây nhiễm HIV từ bạn đời? Câu trả lời sẽ là không, nếu chính những người trong cuộc không chung thuỷ, không biết cách tự bảo vệ chính mình, và bảo vệ người bạn đời của mình khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV.
Hơn nữa, luật pháp nước ta đã quy định, người đi làm xét nghiệm HIV có quyền được bảo vệ bí mật thông tin kết quả xét nghiệm. Vậy, khi đã có quy định phải xét nghiệm HIV trước khi cưới, cũng đồng nghĩa với việc phải có giấy xét nghiệm HIV trình cho các cán bộ làm thủ tục đăng ký kết hôn ở xã, phường. Phải chăng đó chính là vi phạm quyền được giữ bí mật thông tin? Ai có thể chắc thông tin chỉ dừng lại ở những cán bộ này mà không đến tai người khác? Với sự kỳ thị về người có HIV vấn đang tồn tại trong xã hội ta, thì sự rò rỉ thông tin đó có nhiều khả năng sẽ làm cho người nhiễm HIV và những người liên quan tới người có HIV bị phân biệt đối xử. Khi đó, trình giấy xét nghiệm có thể trở thành sự nặng nề và nỗi sợ hãi với người trong cuộc.
Nền tảng cơ bản để tiến đến hôn nhân là tình yêu, sự tin tưởng và tự nguyện. Có người mặc dù biết người mình sắp kết hôn bị nhiễm HIV, không những vẫn quyết định tiến tới hôn nhân mà còn quyết định sẽ không sử dụng bất kì biện pháp phòng tránh nào vì họ muốn được chia sẻ cuộc sống với người mình yêu. Trong những trường hợp này, liệu tấm giấy xét nghiệm có giá trị gì với họ hay một qui định bắt buộc về tư vấn tiền hôn nhân sẽ là tốt hơn?
Thêm nữa, với những người đã biết người yêu của mình bị nhiễm hoặc những trường hợp biết cả hai đã biết mình bị nhiễm và đã nói chuyện này với nhau, việc lại phải đi xét nghiệm và phải đưa tấm giấy xét nghiệm ra chính quyền, liệu có phải là một việc làm dễ chịu đối với họ và sẽ làm ảnh hưởng tới ngày hạnh phúc của họ?
Dẫu biết, ý kiến xét nghiệm HIV trước khi cưới với mong muốn là để bảo đảm sự an toàn và tin tưởng cho người bạn đời, cũng như là để phòng chống bị lây nhiễm HIV từ người bạn đời. Nhưng tất cả những điều tôi vừa đề cập đến ở trên có thể cho thấy, tấm giấy xét nghiệm HIV trước khi cưới không thể làm tròn mục đích đó, mà nó vô tình có thể là rào cản cho những người nhiễm HIV hoà nhập cùng cộng đồng, tạo ra sự tin tưởng giả tạo cho người trong cuộc, và không thể bảo vệ được người trong cuộc trước nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ bạn đời, nếu bạn đời của họ hay chính họ có những hành vi nguy cơ và không biết tự bảo vệ an toàn. Xét nghiệm HIV là cần thiết nhưng đưa ra là luật, là bắt buộc thì cần phải xem lại.
Từ đó đặt ra một câu hỏi, cần làm điều gì đó khác hơn là buộc những người sắp kết hôn phải đi làm xét nghiệm HIV trước khi cưới, để vẫn có thể đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho những người sắp gắn kết cuộc đời với nhau? Phải chăng, cái cần là triển khai là tư vấn trước hôn nhân về HIV/AIDS cho tất cả những người sắp kết hôn mới chính là biện pháp thiết thực nhất? Thông qua đó để giúp những người sắp kết hôn hiểu và phòng chống nguy cơ bị lây nhiễm HIV cũng như sẽ đưa ra quyết định đi tư vấn và xét nghiệm HIV một cách tự nguyện. Và với những người có HIV, cần giúp họ hiểu rằng, mình cần có trách nhiệm phải cho bạn đời biết về tình trạng sức khoẻ của mình, cũng như bảo vệ bạn đời khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mình.
Sự lựa chọn kết hôn hay không phụ thuộc vào quyền quyết định của mỗi cá nhân. Khi mỗi người thực sự hiểu sự cần thiết trong việc phòng chống và biết cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm HIV, thì chính những người trong cuộc sẽ biết mình phải làm gì, có cần phải đi làm xét nghiệm trước khi cưới hay không, dù không có quy định phải đi làm xét nghiệm.
-----------------
Bài liên quan:
- Cấm người nhiễm sinh con – đôi điều suy nghĩ
- Có nên tách trẻ nhiễm HIV/AIDS học riêng?
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00