Có nên tách trẻ nhiễm HIV học riêng? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Trong cuộc họp Quốc hội thảo luận về các dự án Luật phòng, chống HIV/AIDS, bàn về vấn đề phòng chống HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo luật đã đưa ra quy định các cơ sở giáo dục không được từ chối tiếp nhận vì biết hoặc nghi ngờ học sinh, sinh viên nhiễm HIV và cho rằng quy định như vậy là không phân biệt đối xử và không kỳ thị đối với học sinh, sinh viên, học viên nhiễm HIV. Có nhiều ý kiến đồng ý với quy định này nhưng một số ý kiến khác liên quan đến việc tách trẻ mẫu giáo học riêng lại lập luận quy định như vậy chưa hẳn là nhân đạo, vì nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là ở các trường mẫu giáo, mầm non các cháu còn quá nhỏ, chưa có ý thức phòng ngừa. Chẳng hạn trong khi chơi đùa các cháu có thể cắn nhau hoặc cấu nhau chảy máu thì dễ dẫn đến lây nhiễm. Do đó, đề nghị Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục riêng cho học sinh mẫu giáo nhiễm HIV và đào tạo đội ngũ giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm giúp các cháu trong cuộc sống. Đây cũng là một vấn đề chúng ta cần xem xét. Tuy nhiên, sau khi các cháu được học tách riêng ở trường mẫu giáo với những môi trường và cách chăm sóc khác, các em sẽ hoà nhập như thế nào với các em khác khi bước vào học tiểu học? Liệu các em khác có thái độ phân biệt và trẻ nhiễm HIV sẽ tự co mình lại không?
Cùng với ý kiến đồng ý việc tách trẻ nhiễm HIV học riêng, nhiều người cho rằng nên cho trẻ nhiễm HIV học tập trung và có chế độ học tập, săn sóc phù hợp với sức khỏe các em. Nếu địa phương nào không có kinh phí thì Nhà nước nên hỗ trợ...
TS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế, phó chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng không nên tổ chức trường lớp riêng cho trẻ nhiễm HIV. Xét về cơ chế lây nhiễm, nếu trẻ chỉ chơi đùa với nhau thì khó có thể lây nhiễm HIV. Hơn nữa, việc tổ chức trường, lớp riêng như vậy là không hiệu quả, không khả thi, có nguy cơ tước mất quyền học tập của các cháu nếu như địa phương không xây dựng được trường gần nơi cư trú của trẻ.
Bản thân những trẻ nhiễm HIV đã khó hoà nhập với cộng đồng, nếu cộng thêm sự phân tách lớp học, trường học như vậy thì sự khó hoà nhập đó sẽ càng tăng lên. Đúng là về mặt sức khoẻ, trẻ nhiễm HIV có thể yếu hơn các bạn khác. Nhưng với chế độ chăm sóc tốt cả vê thể chất và tinh thần, các em vẫn có thể theo học mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bạn khác cũng như không quá sức đối với các em. Hơn nữa, chương trình học mẫu giáo chủ yếu là vui chơi mà chưa có nhiều các vấn đề kiến thức khiến các em phải tư duy nhiều. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, nhiều địa phương còn thiếu trường học mẫu giáo thì việc xây thêm những cơ sở mẫu giáo cho trẻ nhiễm có khả thi? Khi không thể xây dựng trường học, lớp học thì các em sẽ học ở đâu? Khi đó, ai sẽ là người đảm bảo quyền tự do tham gia các hoạt động vui chơi phù hợp với lứa tuổi của các em, quyền được học tập của các em? Hơn nữa, mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử. Liệu việc học riêng có phải là một yếu tố thúc đẩy sự phân biệt đối xử mà chúng ta đang muốn xoá bỏ?
Nếu học chung, làm thế nào để đảm bảo sự công bằng và quyền cho tất cả các em? Trẻ mẫu giáo còn nhỏ và chưa có khả năng tiếp nhận các thông tin để tự mình phòng tránh lây nhiễm HIV. Vậy vai trò của các thầy cô giáo trong vấn đề này là rất quan trọng. Sự chú ý chăm sóc và nhắc nhở các em để giảm thiểu nguy cơ các em có thể đánh nhau, gây chảy máu là việc làm cần thiết. Bản thân các thầy cô giáo cũng như nhà trường cũng cần có một kiến thức đầy đủ và khoa học về vấn đề HIV để không phân biệt đối xử, không kỳ thị và có cách cư xử phù hợp với trẻ nhiễm HIV. Vai trò của những người bố, người mẹ của những đứa trẻ không nhiễm HIV cũng rất quan trọng. Đã có trường hợp khi bố mẹ trẻ biết trong lớp có một bạn nhiễm HIV nên đã cấm không cho các em chơi với nhau và có người còn không cho con mình đi học. Chính người lớn còn kỳ thị với những người HIV thì thật khó để tránh khỏi tình trạng trẻ em học theo những thái độ đó và phân biệt đối xử với những người bạn nhiễm HIV.
Đây là vấn đề mới được đưa ra, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Các bạn cũng có thể cùng Tâm sự bạn trẻ bàn về vấn đề này để chúng ta có thể thực hiện tốt nhất quyền của trẻ em, quyền của những người có HIV.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00