Có một người phụ nữ đứng lên từ nước mắt... Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Có một người phụ nữ đứng lên từ nước mắt... Có một người phụ nữ đứng lên từ nước mắt...](https://tamsubantre.org/media/news/AIDS1234.jpg)
Tuy nhiên, những người được báo chí, truyền hình nhắc đến không phải đã là tất cả. Trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn có không ít những người có HIV đã đứng lên bằng cách này hay cách khác để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và sự bình đẳng cho những người cùng cảnh khác. Chị Quách Thị Mai ở Hải Phòng là một trong những người như vậy.
Vào một buổi tối mùa thu, thời tiết se lạnh, chúng tôi đang trên đường từ Đông Anh về Hà Nội, thì phải dừng xe lại để nghe điện thoại. Tôi nhận ra giọng của Mai có vẻ như đang rất vui. "Anh Thành ơi bọn vừa đi dự hội thảo ở Hạ Long sắp về tới Hà Nội rồi. Anh nhớ mua hoa tặng em nhé. Hôm nay em lên nhận giải "Thanh niên sống đẹp" ở Nhà hát Lớn". Chúng tôi không kịp về qua nhà cất một số thứ, vôị vàng mua một bó hoa tươi dọc đường và chạy thẳng đến nhà hát. Trong ánh đèn màu sân khấu rực rỡ, cùng với 78 gương mặt trẻ tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam năm 2006. Họ đến từ khắp các tỉnh thành và các cơ quan, tổ chức khác nhau. Họ là những chiến sĩ công an, chiến sĩ quân đội đã có thành tích xuất sắc, thanh niên dân tộc và cả các tăng ni phật tử... Các đại biểu và các vị khách mời không ai có thể nhận ra trong số đó có một phụ nữ trẻ đang chung sống với HIV, bởi sự tự tin của Mai. Hôm đó, Mai mặc bộ áo dài dân tộc, có trang điểm qua loa nên trông có vẻ hơi nữ tính hơn so với ngày thường. Riêng vầng trán cao thì vẫn không dấu được cá tính mạnh mẽ và quyết đoán.
Những ngày tháng đau khổ...
Nhận xong giải thanh niên sống đẹp do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức trao vào tối ngày 5/10/2006, Mai mời chúng tôi đi ăn cơm tối. Tôi nhớ mãi câu nói của Mai buổi tối hôm đó: "Từ nhỏ đến lớn không có ai dạy dỗ em hết, em phải tự học mọi thứ. Cuộc sống đã dạy em và em tự học được từ cuộc sống từ những cái đơn giản nhất". Mai mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 15 tuổi, học hết phổ thông trung học và thi đỗ vào trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng không có tiền để ăn học vì quá khó khăn, Mai vẫn còn một cậu em trai. Lúc đó, Mai phải xin vào làm công nhân giày da để đảm bảo cuộc sống cho 2 chị em. Đã hơn 10 giờ tối, trời lạnh nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn về, những câu chuyện của quá khứ vẫn tiếp tục.
Mai kể lại cho chúng tôi tất cả những gì đã từng xảy ra với chị: "Vào khoảng tháng 6 năm 2.000, khi em sinh cháu, có kết quả xét nghiệm dương tính. Lúc đó, cũng chẳng có tư vấn gì. Bệnh viện gửi kết quả về địa phương. Chẳng hiểu sao mọi người đều biết em bị nhiễm HIV. Anh biết không? Cảm giác hụt hẫng vì không có ai để nói chuyện, chia sẻ với mình. Muốn khóc nhưng không thể khóc được, như là người bị trầm cảm vậy. Ông nội không dám bế cháu. Sau này, hàng xóm cấm không cho con họ chơi với con của em. Bạn bè gặp em cũng không muốn hỏi". Đỉnh điểm của sự kỳ thị và phân biệt đối xử đó là. Mai bị mất việc. Công việc đây cũng chính là là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Mai phải hái những mớ rau muống đem đi bán ngoài chợ để trang trải cho cuộc sống. Phải đối mặt với sự kỳ thị quả thực là không dễ chịu chút nào. Đến cả những mớ rau Mai hái dưới ruộng cũng khó bán vì người ta chê là rau SIDA.
Đứng lên từ nước mắt...
Trong phúc có hoạ, trong hoạ lại có phúc khi ta gặp hoạ mà bình tĩnh suy xét thì có thể tìm ra được lối thoát cho mình. Đó là câu nói mà tôi đã đọc trong một quyển sách của Trung Quốc khi còn nhỏ. Nếu suy ra từ trường hợp của Mai quả thực là không sai. Cũng chính bởi sự kỳ thị và phân biệt đối xử, sự thiếu công bằng trong việc đối xử với mình từ phía những người xung quanh, Mai đã tìm ra một hướng đi mới để tự cứu mình và làm một điều gì đó để giúp cho những người có HIV ngay tại địa bàn nơi Mai đang sinh sống. Bước đầu, Mai cũng chỉ là đối tượng của chương trình, tham gia vào câu lạc bộ Hải Âu ở Hải Phòng do tổ chức FHI (tổ chức Sức khoẻ, Gia đình quốc tế) tài trợ để được chia sẻ với những người bạn cùng cảnh và hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần.
Qua việc tham gia rất nhiều các khoá tập huấn khác nhau do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Dự án HPI (Dự án sáng kiến về chính sách y tế) tổ chức, Mai tự tin lên rất nhiều. Có kiến thức tự chăm sóc cho mình và tư vấn cho người khác, tự tin nói trước công chúng và nhiều kỹ năng khác: "Khởi điểm, bọn em được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ nhỏ từ dự án Policy (nay là dự án HPI). Em đã thành lập nên nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hải Phòng nay đổi tên là nhóm Hoa Bất Tử. Đến nay, bọn em hình thành thêm nhiều nhóm khác tại Hải Phòng. Mặc dù không còn kinh phí nhưng bọn em vẫn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức khác. Bọn em mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Policy cả về kỹ thuật lẫn tài chính để tăng cuờng sự hợp tác liên kết gữa các nhóm, tại Hải Phòng". Với những hoạt động mang lại hiệu quả và thiết thực, tháng 4 năm 2005, chị Mai đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ghi vào sổ vàng và tặng bằng khen người có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tại địa phương.
Tạo nên sự thay đổi...
Tôi đã nhiều lần có dịp đi công tác xuống Hải Phòng và thăm nhóm của Mai. Bây giờ các thành viên trong nhóm không cần phải đi tiếp cận nhiều, mà những người nhiễm tự tìm đến với nhóm. Thành viên trong nhóm còn được tham gia đóng góp vào luật phòng, chống HIV/AIDS. Một số ý kiến đưa ra cũng được quốc hội lắng nghe và cho vào luật. Hy vọng luật sẽ có hiệu lực và thực sự đi vào cuộc sống. Sự kỳ thị tuy chưa thể hết, nhưng cũng đã hạn chế đáng kể so với trước.
Điều mà Mai mong muốn cũng giống như những người có HIV khác, đó là sức khoẻ và được cộng đồng nhìn nhận đúng, cần sự cảm thông chứ không phải lòng là thương hại: "Em chỉ mong muốn là có sức khoẻ để làm việc, còn cuộc sống là còn hy vọng anh ạ". Mai không muốn được "lăng -xê" mình trên báo chí mà chỉ là sự cảm nhận của những người bạn cùng cảnh ....
Đồng Đức Thành (Dự án Health Policy Inititive)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00