Cầu vồng... sau mưa Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Tự tin hoà nhập cuộc sống, những người có HIV đang dũng cảm thay đổi số phận
Mỗi lần đến chơi với các bé ở phòng điều trị các em nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi lại có cơ hội tiếp xúc với tư vấn viên, bác sĩ ở đây. Tôi vô cùng cảm phục tấm lòng nhân ái của họ, đặc biệt là chị N. - một tư vấn viên ở đây. Giá như, ai cũng có nghị lực và lòng nhân ái như chị, hẳn sẽ có thêm nhiều người có HIV vững tin và sống có ý nghĩa nhiều hơn cho xã hội. Câu chuyện sau đây được chị kể lại cho chúng tôi.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Tôi sinh ra trong một gia đình nông nghiệp ở vùng quê ngoại thành xa tít. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em nên tôi khá vất vả. Học xong cấp 3, tôi lấy chồng, anh cũng là con trong gia đình làm nông ở ngoại thành Hà Nội. Anh là con út nên khi lấy về, chúng tôi ở với bố mẹ để tiện chăm sóc. Tuy công việc đồng áng vất vả, lại sinh hai đứa con gái nhưng vợ chồng tôi vẫn rất yêu thương nhau. Trong nhà ngoài ngõ, chưa hề có lời ra tiếng vào vì tôi biết cư xử với bố mẹ đúng mực và còn tham gia công tác hội phụ nữ của thôn rất nhiệt tình. Mọi chuyện bắt đầu tồi tệ khi tôi biết mình nhiễm HIV.
Ngày không thể quên
Một ngày mùa đông năm 2006, bầu trời xám xịt. Tôi nhận được kết quả xét nghiệm máu dương tính với virus HIV. Chồng tôi phản ứng kịch liệt khi biết chuyện, còn tôi, choáng váng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Chắc cô lại lăng nhăng với thằng nào đúng không? Cô đã hại tôi, hại gia đình này rồi”. Nhìn hai đứa con gái ngơ ngác, đôi mắt trong veo, tôi quặn thắt lòng. Lấy chiếc xe cũ, tôi phóng nhanh ra ngoài đê ngồi trong buổi chiều đông lạnh ngắt. Chỉ biết khóc và khóc cho số phận bất hạnh. Thế là từ nay, tôi phải sống chung với HIV mà không biết vì sao lại mang bệnh. Chưa bao giờ, tôi phản bội chồng mình, sao ông trời nỡ ác với tôi thế? Các con tôi còn chưa đi học, ai sẽ nuôi chúng trưởng thành? Gia đình tôi, hạnh phúc và cuộc sống của tôi sao có thể yên ấm được nữa.

Nỗi đau xé lòng
Sống trong nỗi dằn vặt và cái nhìn ái ngại từ gia đình bên nội, những trận đòn của anh khi say xỉn, khi mệt mỏi, tôi gục ngã. Khi động viên anh đi xét nghiệm, anh quắc mắt nhìn tôi khinh bỉ, “mày còn dám mở mồm ra nói với ông mày à?”. Nhưng như thế có là gì so với nỗi đau đớn khi hai đứa con gái yêu quý, chỗ dựa tinh thần duy nhất của tôi bị ốm nặng. Đứa đầu bị gan bẩm sinh đến giai đoạn phát bệnh, đứa thứ hai mới hơn tuổi cũng bị tim bẩm sinh.
Sau khi đứa con đầu vừa mất được một tuần, tôi chưa kịp hoàn hồn thì lại biết tin anh nhiễm HIV đã hơn 4 năm. Hai người bạn của anh chết vì HIV, anh và 3 người nữa đi xét nghiệm mới biết, họ đã nhiễm HIV trong một lần quan hệ tình dục với cô gái bán dâm trên phố. Anh quỳ xuống xin tôi tha lỗi vì những trận đòn oan anh gây ra cho tôi, còn tôi bàng hoàng nhìn nụ cười hồn nhiên của đứa con thứ hai. Tôi đưa cháu vào Bệnh Viện Nhi Trung ương chữa trị ngay lập tức, nhưng bệnh tim bẩm sinh cùng với vi rút HIV trong người đã cướp nốt đứa con thơ dại còn lại của tôi.
Một lần nữa, tôi gục ngã và nghĩ mình không thể sống, không thể chịu đựng được nỗi đau ấy. Tôi muốn chết ngay theo cùng hai đứa con vì tôi chẳng còn gì cả. Nhưng chính trong lúc ấy, các thành viên của nhóm Hoa hướng dương, nhóm tự lực của người có HIV đã đến. Nửa năm sau, tôi tự đứng dậy, không khóc lóc và nghĩ ngợi, tôi tham gia sinh hoạt trong nhóm. Năm tháng sau, tôi tách ra làm trưởng nhóm Hoa đồng nội, tập hợp những người nhiễm HIV quanh khu vực Long Biên, Tây Hồ sinh hoạt với nhau. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi đã trở thành một người khác.
Bước ngoặt cuộc đời
Sau hơn 2 năm phát hiện bệnh, sức khoẻ của tôi đã suy giảm nhiều nên phải dùng thuốc ARV. Bước ngoặt lớn nhất trong đời đã đến khi tôi được vào làm tại phòng tư vấn hỗ trợ điều trị trẻ nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tiếp xúc với các cháu, tôi có cảm giác bản năng làm mẹ của mình được hồi sinh. Tôi hạnh phúc khi được các bé gọi là cô, xưng con. Hàng ngày, tôi lập danh sách phát sữa cho các con, đưa các con vào phòng khám. Buổi sáng, tôi làm hồ sơ cho các con và tư vấn cho các bà mẹ cách chăm sóc, điều trị bệnh cho con.
Công việc tưởng không mấy nặng nề đó nhưng lại khá vất vả với một người nhiễm HIV như tôi. Sức khoẻ của tôi ngày càng suy giảm. Hơn nữa, hàng ngày, tôi phải đi một quãng đường khá xa. Sáng sáng, tôi đi xe buýt từ Xuân Quan (Long Biên) vào bệnh viện mất hơn một giờ đồng hồ. Mặc dù tư vấn viên không có lương mà chỉ được hỗ trợ khoảng 1,200,000 đồng/tháng nhưng có hôm tắc đường, tôi vẫn phải đi xe ôm vì sợ đến trễ, mẹ các bé lại không chờ được tư vấn, thiệt thòi cho các con.
Tôi là tư vấn viên chính ở đây, lúc mệt cũng phải cố gắng đến vì các mẹ rất cần mình. Nhiều lúc, anh nhà tôi gây áp lực vì không muốn tôi đi làm, anh sợ mọi người biết chuyện, nhưng tôi đã quyết tâm giúp các mẹ và các bé ở đây để tìm niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Có thể các bác sĩ cũng có tư vấn khi thăm khám cho các con nhưng không thể tư vấn kỹ càng bằng chính người có HIV, vì chúng tôi hiểu tâm lý và những khó khăn của các mẹ, các con hơn ai hết. Vả lại, với tôi, làm ở phòng tư vấn cho các con cũng như tư vấn cho con mình vậy.
Tôi nhớ mãi lần tiếp xúc với bệnh nhân từ trung tâm 02 xuống. Bảo là một đứa bé làm tôi ấn tượng hơn cả trong gần một năm làm tư vấn viên. Bảo nhiễm HIV và bị bỏ rơi ngay khi vừa sinh ra, được các mẹ trong trung tâm nuôi dưỡng và đưa xuống đây điều trị. Tôi đã dồn hết tình yêu của mình cho Bảo như một người mẹ của con. Bảo sinh đôi, chị con mất khi vừa 2 tuổi nhưng con đã chống chọi được đến ngày nay. Mỗi lần con uống thuốc, tôi đều chảy nước mắt thương và cảm phục nghị lực của Bảo. 5 tuổi đầu, con uống 7 viên thuốc to như nắp chai nước khoáng và chẳng ăn uống được gì. Bây giờ, tuy con đã về trung tâm nhưng tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi. Tôi rất sợ ngày nào đó, lúc con ra đi, không biết tôi sẽ phải đối mặt với sự thật này như thế nào.
Tin tưởng và lạc quan
Tháng 8 năm 2009, tôi có dịp đi tập huấn về cách điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho người có HIV tại cộng đồng cho các nhóm tự lực. Trong mấy ngày ngắn ngủi, tôi thấy mình có thêm quyết tâm, nghị lực sống qua cuộc nói chuyện với một em ở nhóm Khát vọng sống.

Lúc đó, tôi đang trong tâm trạng rất buồn vì nghĩ, chắc em đó cũng là người có HIV. Nhưng tại sao em ấy lại có thể vui vẻ và hoà đồng với mọi người như thế. Tôi khó có thể làm được như vậy vì cứ mỗi khi tôi muốn nở một nụ cười, hình ảnh hai đứa con đã mất lại hiện lên.
Sau này, biết em là người không có HIV, tôi đã tự kỳ thị, không muốn gặp và tiếp xúc với em, dù em là trưởng nhóm của tôi. Biết bao lời ra, tiếng vào kỳ thị người có HIV như chúng tôi, tôi đâu dám gần em ấy? Đầu tiên là thân mật, hỏi han nhưng sau đó là những cái bĩu môi, “Chắc lại do lăng nhăng với trai hay gái nghiện ngập”. Nhưng em đã thay đổi ý nghĩ ấy của tôi chỉ trong một ngày. “Chị phải gắng làm cho xã hội hiểu được, người có HIV cũng là người bình thường, không khác gì những người khác”. Chính vì câu nói đó, tôi quyết tâm hơn vào cuộc sống và công việc đang làm. Rồi đây, tôi sẽ làm cho xã hội hiểu rằng, người có HIV không xấu như những gì người ta nói và cuộc sống của họ cũng còn bao nhiêu gian nan, vất vả, cần sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Tôi sống tin tưởng và lạc quan hơn để có thể giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như mình. Dù bận bịu, dù đôi lúc chạnh lòng nhưng tôi vẫn luôn nở nụ cười với tất cả.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00