Bill Clinton nói chuyện cởi mở về HIV/AIDS với sinh viên VN Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Bill Clinton nói chuyện cởi mở về HIV/AIDS với sinh viên VN Bill Clinton nói chuyện cởi mở về HIV/AIDS với sinh viên VN](https://tamsubantre.org/media/news/Bin-toa-dam.gif)
Ông Clinton chụp ảnh cùng chị Phạm Thị Huệ và các SV tham dự buổi toạ đàm
Đông đảo thanh niên Việt Nam đến dự toạ đàm
Phòng họp Sông Hồng của khách sạn Sheraton đầu giờ chiều ngày 6/12 đã đông người, bảo vệ đứng khắp nơi, an ninh được kiểm tra tương đối nghiêm ngặt. Ngay cả cánh phóng viên cũng gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Lúc đầu, theo thông báo của vụ báo chí Bộ Ngoại giao cuộc toạ đàm phóng viên chỉ cần có thẻ nhà báo hoặc thẻ sự kiện là vào được (đến trước 30 phút làm công tác an ninh). Tuy nhiên, khi phóng viên các báo chìa thẻ nhà báo ra thì nhân viên an ninh không cho vào vì không có giấy mời và thẻ sự kiện.
Chờ gần 30 phút, nhóm phóng viên mới được vào bằng thẻ nhà báo nhờ sự can thiệp của vụ báo chí qua điện thoại.
Đối tượng đông nhất có mặt trong cuộc toạ đàm là sinh viên một số trường Đại học ở Hà Nội. Mọi người đều háo hứng chuẩn bị cho cuộc trò chuyện với cựu Tổng thống. Trên tay ai cũng sẵn sàng giấy bút để ghi chép và đợi cơ hội để xin được chữ ký của Bill Clinton. Ngoài ra, máy ảnh là phương tiện được sử dụng rất nhiều. Ai cũng mong chụp được tấm ảnh đẹp với cựu Tổng thống hay ít ra là tấm ảnh ngài đang tọa đàm với sinh viên Việt Nam một cách thân thiện.
Theo dự kiến ban đầu của ban tổ chức, khách mời chỉ khoảng 200 người nhưng trên thực tế số người tham dự đông hơn rất nhiều. Phòng họp Sông Hồng không còn một chỗ trống, nhiều người phải đứng suốt buổi toạ đàm.
Đúng 15h chiều, Bill Clinton trong bộ veston sẫm màu với cà vạt đỏ nở nụ cười tươi bước vào phòng họp, tất cả mọi người đứng dậy đón ông trong tiếng vỗ tay không ngớt. Rất nhanh chóng, buổi toạ đàm được diễn ra.
Bill Clinton đồng cảm với người nhiễm HIV
Với chủ đề ''Chống HIV/AIDS, nâng cao khả năng của thanh niên Việt Nam: trao đổi với cựu Tổng thống Bill Clinton'', ngài Bill Clinton với tư cách là khách mời danh dự cùng toạ đàm với 5 sinh viên - đại diện cho hàng ngàn sinh viên Việt Nam - và chị Phạm Thị Huệ - người có H, tình nguyện viên quốc gia cho Liên hiệp quốc cho những người sống chung với HIV/AIDS.
Tham dự buổi toạ đàm còn có mặt Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam bà Trần Thị Trung Chiến, bà Hà Thị Khiết - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và quan chức một số bộ ngành.
Dẫn chương trình của buổi toạ đàm là MC quen thuộc của chương trình ''Talk Vietnam'' Louisa Huỳnh Thuận. Ngoài chị Huệ sử dụng tiếng Việt trong buổi toạ đàm còn lại 5 sinh viện tham gia thảo luận đều sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy khiến cuộc trò chuyện trở nên thân mật và gần gũi.
Bill Clinton ngồi giữa ngay cạnh chị Phạm Thị Huệ, trên khuôn mặt ông lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện.
Cuộc trò chuyện được MC Louisa Huỳnh Thuận dẫn dắt nhanh chóng theo đúng chương trình. Câu hỏi đầu tiên được đưa ra là ''HIV/AIDS có quan trọng đối với thanh niên Việt Nam không?''. Với câu hỏi này, những sinh viên là thành viên của buổi thảo luận đều cho rằng: họ rất quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS. Nó đang lan nhanh trong đất nước Việt Nam đặc biệt là thanh niên. Là những chủ nhân tương lai của đất nước hơn ai hết sinh viên rất lo lắng vấn đề này.
Vấn đề thứ hai được đưa ra là dự phòng đối với người nhiễm HIV/AIDS. Sau khi nghe ý kiến của sinh viên Việt Nam, ngài cựu Tổng thống đã bày tỏ quan điểm của mình. Ông cho rằng: dự phòng cần được thực hiện mạnh hơn trong việc phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, khi chưa có vắc-xin phòng chống căn bệnh này thì việc dự phòng là quan trọng hơn cả. HIV có thể phòng ngừa được 100%. Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm trong công tác dự phòng. Muốn dự phòng được tốt thì việc hiểu HIV lây như thế nào và ngăn chặn bằng cách nào cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng phải quan tâm hơn nữa. Sống trong cộng đồng không nên có sự phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV mà trái lại phải giúp họ hoà nhập cộng đồng.
Muốn làm được điều này công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng đến người dân là cách tốt nhất để hạn chế sự kỳ thị. Quỹ Clinton đang làm mọi cách để người nhiễm HIV sống khoẻ mạnh và được dự phòng tốt.
Bằng chứng của việc chống kỳ thị, cựu Tổng thống cho biết: ngài đã tham gia nhiều hoạt động, gặp gỡ nhiều người nhiễm HIV như chị Phạm Thị Huệ - người đang ngồi cạnh ông.
Ông đã ca ngợi những tuyên truyền viên như chị Huệ. Chính họ là tấm gương, những tuyên truyền viên giúp công tác phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả. ''Hiện nhiều người trong chúng ta có thể coi người nhiễm HIV nhưng chúng ta không hiểu gì về họ nên đã xa lánh, kỳ thị. Chính sự hiểu biết hạn chế đó khiến nhiều người có thái độ không đúng với người nhiễm HIV'', Bill Clinton nhấn mạnh.
Sau khi nghe chị Huệ kể về số phận những người nhiễm HIV mà chị đã từng gặp trong thời gian qua cũng như những gì mà chị đã trải qua từ khi nhiễm HIV, cựu Tổng thống đã chia sẻ với mọi người: "Trong suốt 8 năm làm việc ở Nhà Trắng, trên bàn của tôi đặt ảnh một em bé nhiễm HIV/AIDS. Khi đó em bé chưa được điều trị, em cũng không được đi học vì nhà trường sợ em lây bệnh. Em bé đã chết năm 2002. Đối với tôi, bức ảnh đó nói lên thật nhiều điều. Sự không hiểu biết về HIV/AIDS có thể gây ra những thảm cảnh''.
Vấn đề cuối cùng được đưa ra tại buổi toạ đàm là dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Ngài cựu Tổng thống khẳng định một điều: ''Hiện nay số người nhiễm HIV trên thế giới được điều trị bằng thuốc còn hạn chế. Thế nhưng, chăm sóc cho người người nhiễm HIV không phải chỉ có thuốc mà còn cần có cơ sở hạ tầng. Do đó, bên cạnh việc cung cấp thuốc cho người nhiễm HIV chúng ta cần đào tạo con người tốt để chăm sóc người bệnh''.
Đối với sinh viên Việt Nam, ông có lời khuyên: sinh viên cần hoạt động ở nhiều vùng khác nhau. Đây chính là những tuyên truyền viên, tình nguyện viên cần thiết cho công tác phòng chống HIV/AIDS''.
Buổi toạ đàm kết thúc tốt đẹp
Buổi buổi toạ đàm diễn ra trong 45phút. Kết thúc buổi toạ đàm, rất đông các bạn trẻ Việt Nam muốn được chụp ảnh, xin chữ ký ngài cựu Tổng thống. Tuy nhiên, số người may mắn thực hiện được mơ ước này rất hạn chế.
Ngay sau khi buổi toạ đàm kết thúc, Bill Clinton cùng các quan chức nhanh chóng bước ra tiền sảnh lên ôtô, trong khi đó những người tham dự phải ở lại phòng họp lâu hơn. Nhiều người nhìn theo cựu Tổng thống trong sự tiếc nuối vì không thực hiện được mơ ước là xin chữ ký và chụp ảnh, hay chỉ là cái bắt tay cùng ngài.
Mặc dù buổi nói chuyện chỉ diễn ra trong thời gian khiêm tốn nhưng những gì mà ngài cựu Tổng thống tâm sự cho thấy, ông cũng như Quỹ Clinton rất quan tâm đến những người nhiễm HIV/AIDS trên thế giới và Việt Nam.
Bằng chứng là, trước khi buổi nói chuyện diễn ra Quỹ Clinton cũng đã ký thỏa thuận với Bộ Y tế Việt Nam về hỗ trợ 1.200 liều thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.
Vài nét về sáng kiến HIV/AIDS thuộc Quỹ Clinton |
Sáng kiến HIV/AIDS thuộc Quỹ Clinton (CHAI) đang nỗ lực để giảm chi phí điều trị HIV/AIDS và thực hiện những chương trình lồng ghép có quy mô lớn về chăm sóc, điều trị và dự phòng. CHAI thiết lập quan hệ với Việt Nam vào tháng 12/2005 bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Y tế Việt Nam về kiểm soát HIV/AIDS. Văn phòng của CHAI mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 7/2006. Quỹ đang hỗ trợ Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam nâng cao khả năng quản lý nhằm giải quyết những vấn đề về mở rộng quy mô chăm sóc và điều trị. |
-
Lệ Hà
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00