Ánh sáng cuối đường… Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn
Việc nhiễm HIV đã tước đi của nhiều người không chỉ hạnh phúc gia đình mà còn cả kế sinh nhai. Nhưng sự dấn thân vào “thế giới HIV” bằng con đường tích cực và lạc quan cũng đem lại cho họ những cơ hội việc làm với thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu.
Gần năm năm từ bỏ được ma túy, Bùi Trần Hoàng đã có tất cả: Niềm tin của gia đình, công việc với thu nhập ổn định và… lấy được vợ. Tám năm nghiện chất bột trắng chết người, ăn cắp ăn trộm để có tiền xài, ra vào trại giáo dưỡng như cơm bữa, rồi nhiễm HIV. Gần 3.000 ngày tối tăm ấy, mỗi lần nghĩ lại, Hoàng như thấy sợ chính mình. Mỗi ngày qua đi, người đàn ông đã trưởng thành trong Hoàng đều cố gắng để không bao giờ quãng phim buồn ấy diễn lại nữa.
Bây giờ không còn là kẻ nghiện ma túy, trộm cắp, Hoàng đang là đội trưởng đội chăm sóc thuộc nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội, làm việc cần mẫn, trách nhiệm. Công việc hiện nay của anh là triển khai những hoạt động chăm sóc, hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ.
Đường xa không quản khó khăn
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hai năm liền 2006 - 2007 mất đi hai người thân yêu nhất: Chồng, sau đến con. Chị về ở với bố mẹ đẻ. Thương con xuất giá mà số phận chẳng may mắn, không được gắn bó với chồng con mấy ngày, bố mẹ chị cố gắng bù đắp cho con gái mọi nỗi thiệt thòi. “Không phải ai nhiễm HIV cũng đều xấu xí và xấu xa, đều đáng bị kỳ thị”, Nga đã có cơ hội bày tỏ suy nghĩ trong một chương trình truyền hình.
Tham gia sinh hoạt nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh, Nga tự tin hơn, khi trực tiếp tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Rồi cuối năm 2007, cơ hội mà Nga chưa từng nghĩ đến xuất hiện, khi đường dây tư vấn pháp luật, HIV/AIDS 18001521 tuyển tư vấn viên, Nga được nhận vào làm. Ban đầu mỗi tuần 1- 2 ngày trực tư vấn, còn hiện nay mỗi tuần 3 ngày. Từ nhà ở Bắc Ninh đến Trung tâm tư vấn, trụ sở tại phố Núi Trúc (Hà Nội) không dưới 50 km, nhưng đến phiên trực từ 8h sáng đến 5h chiều, Nga luôn đến sớm về muộn. Tỏ ra rất có duyên với công việc tư vấn, kiến thức về phòng chống HIV, luật pháp liên quan đến HIV/AIDS được Nga nhập tâm rất nhanh và phát huy tác dụng khi giải quyết các tình huống.
Chị Xuyến cũng ở Bắc Ninh hoàn cảnh rất neo đơn, chồng mất, một mình nuôi hai đứa con. Con lớn của người vợ cả tàn tật, con đẻ của chị, cháu Duyên lại bị nhiễm HIV. Bé Duyên chân ướt chân ráo vào lớp 1 được mấy hôm, chị Xuyến đã được nhà trường mời đến trao đổi về việc muốn tự cháu thôi học, để học sinh và phụ huynh khác không xì xào, kiến nghị. Biết chuyện, năm bảy lần đến thuyết phục nhà trường, chị Nga đã không ngại đưa ra Luật phòng chống HIV/AIDS, tại điều 4 và điều 15 đều quy định Người nhiễm HIV có quyền được học văn hóa… các cơ sở giáo dục không được từ chối tiếp nhận học sinh vì người đó nhiễm HIV”. Chị Nga thẳng thắn: “Nếu cô giáo không phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV thì các em cũng không thể tự mà xa lánh”. Chị cũng khôn khéo liên hệ với đài truyền hình làm một chương trình về trường, với góc độ đang thực hiện phòng chống HIV/AIDS. Cô giáo hiệu trưởng không còn cách nào khác, nên đã vui vẻ đón bé Duyên trở lại trường học.
Sau đó vài tháng, mẹ Xuyến lại được tư vấn làm đơn xin huyện trợ cấp theo diện trẻ mồ côi nhiễm HIV nghèo. 180.000đ/tháng chưa phải là số tiền lớn, nhưng cũng giúp cho chị Xuyến có thêm đồng ra đồng vào. Phụ với thu nhập từ chăn nuôi, chị Xuyến vừa phải làm mẹ, vừa làm cha nhưng không còn nặng gánh như trước.
“Không phải ai nhiễm HIV cũng đều xấu xí và xấu xa, đều đáng bị kỳ thị” (Ảnh minh hoạ)
Lời kết
Kể từ khi các nhóm tự lực của người nhiễm HIV/AIDS ra đời, đến nay con số đã lên xấp xỉ tới 200 nhóm với hàng chục nghìn thành viên. Nhiều thành viên nòng cốt đã trưởng thành cùng với hoạt động tích cực tham gia tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Những việc làm từ chuyện phân phát bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm, vận động người nhiễm tham gia sinh hoạt nhóm; rồi có tổ chức hơn là xây dựng dự án, cho vay tín dụng… Rất nhiều trong số họ đã tìm được cho mình một con đường phát triển ngay trong chính lĩnh vực mà dù muốn hay không đã gắn với định mệnh của họ: HIV/AIDS. Phạm Thị Huệ - Anh hùng châu Á đang say sưa với mô hình tạo việc làm may mặc cho các thành viên nhóm Hoa phượng đỏ; Vũ Tr. (Hà Nội) đã quyết tâm học tiếng Anh để đảm nhận vai trò thu thập thông tin HIV/AIDS cho mạng Jvnet; Quách Thị Mai là tình nguyện viên Liên hợp quốc (UNV), thành viên “Ban điều hành mạng lưới những người có HIV”… Chưa có con số thống kê chính thức nào về số người nhiễm HIV có việc làm ổn định. Vũ Tr. cũng như khá nhiều thành viên hoạt động tích cực trong cộng đồng đều mong muốn “Không phải vì nhiễm HIV mà tôi có thể yêu cầu người khác phải chiếu cố cho tôi một cơ hội việc làm, tạo thu nhập. Nếu ai cũng nghĩ, giữa người nhiễm HIV và người không nhiễm có tinh thần “fairplay” - chơi đẹp theo đúng nghĩa thì chắc chắn thì tỉ lệ người nhiễm HIV thất nghiệp sẽ nhanh chóng giảm xuống”.
Quang Hưng
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00