7 thói quen của những người không hạnh phúc Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
tamsubantre.org - “Cần rất ít thứ để tạo nên một cuộc đời hạnh phúc; Tất cả đều nằm trong chính bạn, trong cách nghĩ của bạn” - Marcus Aurelius
“Chúng ta hãy biết ơn những người đã khiến ta hạnh phúc, họ chính là những người làm vườn duyên dáng đã giúp tâm hồn ta nở hoa” - Marcel Proust
Những tình huống diễn ra trong cuộc sống có thể khiến ta không còn vui vẻ. Nhưng có một phần, và thường là một phần lớn trong số những điều không hạnh phúc xảy đến với ta, chính là từ suy nghĩ, cách hành xử và thói quen của chính mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ chỉ ra 7 thói quen tiêu cực nhất diễn ra hàng ngày có thể gây nên những điều không vui vẻ trong thế giới nhỏ bé của riêng bạn. Tuy nhiên, cùng với đó, bạn cũng sẽ được biết về những điều sẽ giúp bạn giảm thiểu hoặc vượt qua những thói quen tiêu cực đó.
1. Cầu toàn
Có phải khi cuộc sống đã hoàn hảo rồi thì bạn mới hạnh phúc không?
Bạn có cần phải hành xử thật hoàn hảo thì mới có được những kết quả tối ưu và hạnh phúc?
Hạnh phúc không dễ kiếm tìm. Và việc đặt ra tiêu chuẩn hoàn thiện cho bản thân tới mức người bình thường khó thực hiện được, thường sẽ đưa bạn tới tâm trạng chán chường và cảm thấy mình chẳng ra sao ngay cả khi bạn đã đạt được rất nhiều thành tích đáng kể. Bạn và những điều bạn làm chưa bao giờ là đủ, trừ khi bỗng trong một khoảnh khắc nào đó, bạn chợt thấy, có điều gì đó đạt được tiêu chuẩn này.
Vượt qua trở ngại:
Có 3 điều đã giúp tôi loại bỏ được thói cầu toàn và trở nên thư thái hơn:
Biết thế nào là đủ
Việc luôn để tâm tới sự hoàn thiện thường sẽ kéo bạn vào một kế hoạch dường như chẳng bao giờ kết thúc. Thế nên, bạn hãy biết như thế nào là đủ. Tất nhiên, đừng coi đó là lời bào chữa cho thói tắc trách. Bạn hãy nhận ra một cách đơn giản là, luôn có một điều gì gọi là ổn thỏa và khi đạt tới mức đó, bạn có thể kết thúc bất cứ thứ gì đang làm.
Đặt ra hạn chót cho công việc
Mỗi khi bắt đầu một công việc, tôi luôn đặt ra thời hạn chót cho mình. Bởi lẽ, một năm trước đây, khi đang viết cuốn e-book thứ hai của mình, tôi đã nhận ra, nếu mình cứ mải mê làm việc và chỉ công bố sách khi đã hoàn thành thì sẽ không thể thực hiện được. Vì tôi luôn thấy mình cần phải bổ sung những thông tin cho nó. Vậy là tôi đặt ra cho mình một thời hạn chót. Đặt ra được thời hạn đó, tôi đã có thêm động lực để làm việc và nhìn chung, đó là phương pháp hiệu quả giúp bạn không mất thời gian với việc lai rai quá lâu ở một nhiệm vụ nào đó.
Nhận ra bạn sẽ tổn hại như thế nào nếu cứ lún sâu vào những lầm tưởng về sự hoàn thiện. Đây đã là lý do rất hùng hồn để tôi loại bỏ chủ nghĩa cầu toàn và cũng là điều tôi thường tự nhủ mỗi khi nhận ra ý nghĩ về sự cầu toàn bắt đầu xâm chiếm tâm trí mình. Nếu xem quá nhiều phim, nghe quá nhiều bài hát và chỉ dung nạp những điều thế giới xung quanh đem tới thì bạn rất dễ rơi vào những giấc mơ của sự hoàn hảo. Bởi những điều đó thoạt nghe đều có vẻ rất tốt đẹp, tuyệt vời, và bạn mong muốn nó.
Trong khi đó, thực tiễn thì mọi thứ rất trần trụi và có xu hướng gây ra nhiều điều căng thẳng, khó chịu hơn với bạn và những người xung quanh. Điều đó có thể gây hại, thậm chí, khiến bạn bị mất đi các mối quan hệ, công việc, dự án, v.v.. Tất cả chỉ vì những kỳ vọng của bạn trở nên ảo tưởng. Thế nên, tôi thấy rằng, việc luôn tự nhắc mình về thực tiễn giản đơn đó đã trở nên rất hữu ích với mình.
2. Sống giữa dư luận tiêu cực
Không ai là một hòn đảo. Chính những người chúng ta giao tiếp, những gì ta đọc, ta xem hay nghe tác động rất lớn đến việc ta cảm và nghĩ như thế nào.
Cũng như thế, để sống hạnh phúc hơn cũng sẽ không dễ dàng nếu bạn để mình bị chi phối bởi những dư luận ồn ào xung quanh. Những tiếng nói tiêu cực đó sẽ bảo bạn rằng, cuộc sống phần lớn là đau khổ, hiểm nguy và đầy hạn chế, sợ hãi. Đó là những tiếng nói của những người luôn quan sát cuộc sống từ một góc nhìn tiêu cực.
Để vượt qua:
Việc thay thế những lời lẽ tiêu cực này bằng những hình ảnh tích cực hơn sẽ có tác dụng rất lớn với bạn. Nó giống như việc mở ra một thế giới hoàn toàn mới vậy.
Vì thế, bạn hãy dành thêm thời gian với những người lạc quan, hãy khơi nguồn cảm hứng cho mình bằng âm nhạc và sách vở, phim ảnh, các chương trình truyền hình, những hình thức có thể giúp bạn bật cười sảng khoái và nghĩ về cuộc sống theo một cách mới mẻ hơn.
Bạn có thể bắt đầu từ những việc nho nhỏ. Chẳng hạn, bạn hãy thử đọc một blog hay một cuốn sách nào đó đang được dư luận bàn nhiều, hoặc nghe một cuốn sách nói trong khi ăn sáng thay vì đọc báo hoặc xem tin tức buổi sáng trên vô tuyến.
3. Luẩn quẩn trong những điều của quá khứ hoặc tương lai
Việc dành quá nhiều thời gian vào những băn khoăn về quá khứ hay luôn gặm nhấm các ký ức đau buồn, những xung đột, những cơ hội bị bỏ lỡ hay những điều tương tự sẽ khiến bạn càng thêm đau khổ. Cũng như vậy, việc dành quá nhiều thời gian cho các vấn đề của tương lai, tưởng tượng ra mọi chuyện có thể sẽ sai sót như thế nào trong công việc, trong các mối quan hệ và với sức khỏe bản thân cũng có thể tạo ra viễn cảnh ác mộng kinh hoàng lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn. Khi tâm thế bạn không sống trong hiện tại, ngay với những gì cuộc sống đang diễn ra, có thể, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Sẽ chẳng tốt lành gì nếu bạn cứ luôn muốn được hạnh phúc hơn.
Vượt qua trở ngại
Thật khó để không nghĩ gì về quá khứ cũng như tương lai. Và tất nhiên, việc bạn lên kế hoạch cho ngày mai, cho năm tới… và cố gắng học hỏi từ những gì đã qua cũng rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá “đắm đuối” với những điều vốn không đem lại nhiều tác dụng đó.
Thế nên tôi cố gắng hết sức có thể dành toàn bộ thời gian của mình hay phần lớn trong quỹ thời gian mỗi ngày, để sống với hiện tại. Tôi chỉ sống với những gì đang diễn ra.
Dù làm gì đi nữa, tôi cũng sẽ chỉ tập trung hoàn toàn vào việc đó, không để tâm trí sao nhãng vào những chuyện của quá khứ hay tương lai.
Nếu có trót lơ mơ sang chuyện khác, tôi sẽ tập trung thở sâu vài phút rồi ngồi yên và thâu nhận những gì quanh mình ngay thời điểm ấy với mọi giác quan trong một thời khắc. Bằng cách này, tôi có thể đưa bản thân trở lại với thời khắc của hiện tại.
4. So sánh bản thân và cuộc sống của mình với những người khác và cuộc sống của người khác
Một thói quen hàng ngày khá phổ biến và cũng rất tai hại chính là việc bạn thường xuyên so sánh cuộc sống của mình và so sánh bản thân mình với người khác và cuộc sống của họ. Bạn sẽ so sánh về ô tô, nhà cửa, công việc, giày dép, tiền bạc, các mối quan hệ, mức độ nổi tiếng, v.v... Và vào cuối ngày, bạn thường đẩy cảm giác tự tôn của mình tới mức xuống cấp nghiêm trọng và bạn tự tạo ra cho mình quá nhiều cảm xúc tiêu cực.
Vượt qua trở ngại
Bạn nên thay thế thói quen tồi tệ này bằng hai thói quen khác
So sánh bản thân với chính mình
Trước hết, thay vì so sánh bạn với những người khác, hãy tạo cho mình thói quen so sánh bản thân với chính mình. Hãy thử xem bạn đã trưởng thành như thế nào, đã đạt được những gì và đã tiến bộ ra sao trong việc hướng tới những mục tiêu đặt ra. Thói quen này có tác dụng trong việc tạo ra tâm thế ghi nhận và tự tin với chính bản thân khi bạn thấy mình tiến xa ra sao, đã vượt qua trở ngại như thế nào và đã làm được những gì. Khi đó, bạn sẽ thấy dễ chịu về bản thân mà không phải nghĩ về những người khác.
Hãy tốt bụng
Trong kinh nghiệm của tôi, cách bạn hành xử và suy nghĩ với những người khác dường như có một tác động đáng kể lên những gì bạn đối xử với chính mình, cũng như những suy nghĩ về bạn. Việc đánh giá và chỉ trích người khác quá nhiều có xu hướng khiến bạn cũng sẽ đánh giá và chỉ trích bản thân nhiều hơn (điều này thường gần như rất tự động). Thế nên, hãy tốt bụng với những người khác và giúp đỡ họ, bạn sẽ trở nên tốt bụng và hữu ích với chính mình.
Tập trung vào những điều tích cực của bản thân và những người quanh bạn. Trân trọng những gì tích cực trong chính mình và của những người khác. Đây là những cách giúp bạn thoải mái hơn với mình và mọi người, thay vì so sánh, đánh giá bạn và bản thân, nó sẽ tạo nên sự khác biệt đi trong tâm trí bạn.
Và hãy nhớ rằng, bạn không thể giành thắng lợi nếu cứ luôn so sánh. Việc nhận thức một cách nghiêm túc về điều này có thể rất hữu ích với bạn. Bất kể bạn làm gì, bạn vẫn sẽ luôn tìm thấy một ai đó khác trong thế giới này có những điều hơn bạn và giỏi hơn bạn trong lĩnh vực công việc đang làm.
5. Tập trung vào những chi tiết tiêu cực trong đời sống
Để tâm quan sát những khía cạnh tiêu cực trong đời sống trong bất cứ tình huống nào, và cứ luẩn quẩn mãi trong những chi tiết đó, là một cách chắc chắn nhất làm cho bạn không hạnh phúc. Không những thế, bạn còn góp phần làm trùng xuống sự hứng khởi của những người xung quanh.
Vượt qua thói quen:
Vượt qua được thói quen này có thể phải dùng tới thủ thuật. Có một cách đã tỏ ra hiệu quả với tôi khi loại bỏ thói quen cầu toàn. Bạn nên chấp nhận những sự việc và tình huống đó có những điểm tích cực và tiêu cực thay vì chỉ nghĩ rằng, tất cả những điều đó đều phải tốt đẹp, tuyệt vời. Hãy chấp nhận mọi thứ như nó vốn có. Với cách này, bạn có thể loại bỏ về mặt cảm xúc, tinh thần những gì tiêu cực, thay vì cứ quẩn quanh với nó và làm phức tạp hóa mọi thứ hơn.
Một cách khác cũng có thể hiệu quả là bạn hãy tập trung vào những gì mang tính xây dựng, thay vì chỉ tập trung vào việc đào xới hay than vãn về những điều tiêu cực. Bạn có thể làm được bằng cách đặt ra những câu hỏi tốt hơn, kiểu như:
Tôi có thể thay đổi vấn đề tồi tệ này thành điều hữu ích và có lợi ra sao?
Tôi sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Nếu tôi dám đối mặt với những gì thoạt đầu tôi nghĩ là rắc rối, có thể tôi sẽ cần sử dụng một giải pháp nào đó. Tôi có thể sẽ tự hỏi: ai sẽ quan tâm tới vấn đề đó? Và thường thì tôi nhận thấy, đó không hẳn đã là một rắc rối nếu xét về lâu dài.
6. Giới hạn cuộc sống vì bạn tin rằng cả thế giới đang vây quanh bạn
Nếu bạn nghĩ rằng cả thế giới đang quay xung quanh bạn và bạn kéo lùi mình lại vì bạn sợ người khác có thể nghĩ hoặc nói gì đó khi bạn làm điều gì đó khác thường hay mới mẻ, thì chính khi đó, bạn đang đặt ra một số giới hạn cho cuộc đời mình.
Bạn có thể sẽ bớt cởi mở hơn trong việc thử nghiệm những cái mới và cải tiến. Bạn có thể sẽ nghĩ rằng, sự chỉ trích và thái độ tiêu cực bạn gặp phải chỉ nhằm vào bạn, hay đó chính là vì lỗi của bạn (mặc dù trong thực tế, đó có thể là vì một người khác, hoặc bạn nghĩ rằng, bạn có thể đọc được suy nghĩ của người khác). Tôi cũng đã nhận ra mình thường xấu hổ khi nghĩ rằng, những người khác quan tâm quá nhiều tới những việc tôi làm hay những điều tôi nói.
Vượt qua trở ngại
Hãy hiểu rằng người ta không quan tâm quá nhiều tới những việc bạn làm
Những người khác cũng có đầy những lo lắng của họ về cuộc sống riêng tư cũng như nỗi lo về việc người khác nghĩ gì về họ. Điều này có thể khiến bạn thấy mình bớt quan trọng hơn trong suy nghĩ bản thân. Và nó cũng sẽ giúp bạn tự do hơn một chút nếu bạn muốn như vậy.
Tập trung hướng ngoại
Thay về việc cữ nghĩ về bản thân mình và những người có thể nghĩ về bạn, hãy tập trung sự quan tâm vào mọi người xung quanh. Hãy lắng nghe và giúp đỡ họ. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự tin và giảm bớt cảm giác lấy mình làm trung tâm.
7. Phức tạp hóa cuộc sống
Cuộc sống có thể rất phức tạp. Điều này hẳn sẽ tạo ra những căng thẳng và khó chịu. Nhưng rất nhiều điều trong số đó lại do chính ta tạo nên. Vâng, thế giới có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nhưng không có nghĩa, chúng ta không thể tạo ra được những thói quen mới giúp cuộc sống của mình trở nên đơn giản hơn.
Vượt qua trở ngại:
Việc phức tạp hóa cuộc sống có thể liên quan tới nhiều thói quen khác, và tôi muốn đề xuất ở đây một vài thói quen để thay thế cho những cái vốn đã từng là các thói quen quá phức tạp hóa của mình:
Phân tán sự tập trung và dành sự quan tâm tới mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày
Tôi đã thay đổi thói quen phức tạp hóa đời sống bằng việc chỉ làm duy nhất một việc trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Với danh sách những việc cần làm, tôi chỉ ghi ra 2 đến 3 việc quan trọng hơn cả và viết ra mục tiêu quan trọng nhất lên tấm bảng tôi nhìn thấy mỗi ngày.
Tự tạo ra những rắc rối về các mối quan hệ trong ý nghĩ
Việc đọc được suy nghĩ của người khác là điều rất khó. Vì thế, thay vì tự đoán định, tôi sẽ đặt câu hỏi và trò chuyện. Cách này sẽ giúp tôi giảm thiểu những tranh cãi không cần thiết, những hiểu lầm, sự tiêu cực và không lãng phí thời gian cũng như tiền bạc.
Bối rối giữa đống email
Tôi dành ít thời gian và sức lực hơn với các email trong hòm thư điện tử bằng cách chỉ check một lần mỗi ngày và viết các email ngắn (nếu có thể, chưa tới 5 câu trong bức email).
Bối rối giữa những căng thẳng và quá tải
Khi bạn căng thẳng, bạn có thể bị lạc lối giữa một rắc rối nào đó của quá khứ cũng như tương lai. Như giải pháp tôi đã đề xuất ở trên, bạn hãy thở sâu bằng bụng trong hai phút, chỉ tập trung vào việc hít vào và thở ra. Cách này sẽ giúp cơ thể bạn trùng xuống và đưa tâm trí quay trở lại với thực tại. Sau đó, bạn có thể bắt đầu tập trung vào làm những điều quan trọng nhất với bạn.
Lượt xem: 540
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chưa có nhận xét nào
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00