Phá đường dây ''chạy'' vào đại học, cao đẳng Thứ Ba, 23/08/2005, 15:45
Người phụ nữ có cái tài “chạy” được vào đại học, cao đẳng ấy là Trịnh Thị Thanh Hảo (47 tuổi), trú ở Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội). Chị ta không phải là cán bộ tuyển sinh của một trung tâm đào tạo hay một trường đại học nào mà chỉ là một người chuyên “chạy” đưa... bánh cốm cho các nhà hàng, quán nước trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây... Vậy mà không ít người tin chị ta, sẵn sàng giao cả trăm triệu đồng để con em mình hy vọng được vào... đại học, cao đẳng.
Thanh Hảo nhưng… bất hảo
Chúng tôi vào trại tạm giam gặp Hảo. Người phụ nữ 47 tuổi ấy không có dáng vẻ gì của một cán bộ công chức nhà nước và cũng không có đặc điểm gì đáng chú ý, ngoài “năng khiếu”... dẻo mồm, dễ khiến người tin. Văn hóa mới chỉ học hết lớp 7, Hảo vốn là công nhân ngành đường sắt về nghỉ mất sức từ năm 1990. Nhà có nghề gia truyền làm bánh cốm nên hai vợ chồng xoay ra làm nghề này để nuôi 3 đứa con ăn học. Nhờ chân chạy hàng này mà Hảo quen biết khá nhiều người và cũng nắm được không ít thông tin, trong đó tất nhiên có lượng thông tin tuyển sinh ở các trường. Có điều đáng chú ý, nhận “chạy” cho các cháu vào đại học, cao đẳng nhưng Hảo chưa hề móc nối được với một trung tâm đào tạo hay trường đại học nào mà toàn bộ công việc “tuyển sinh” ấy chỉ thực hiện nhờ thông tin... “vỉa hè” và các “nhân viên” vô công rồi nghề ngồi các... quán nước. Thử xem “chiêu” Hảo “chạy” cho 15 trường hợp vào học hệ cao đẳng thuộc Trường đại học Bách khoa để thấy cái “tài” của chị ta.
Vào đầu năm 2004, Hảo bắt quen được với một thanh niên hay ngồi uống nước chè vặt ở khu vực này. Gã là Nguyễn Phong Tân (30 tuổi), quê ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An), hiện thuê nhà trú trọ ở tổ 2, Định Công (Hà Nội). Tốt nghiệp hệ cao đẳng Bách khoa, hiện Tân đang thất nghiệp. Tân lại được Hảo bắt mối nhờ “chạy” cho một số trường hợp vào hệ cao đẳng Bách khoa.
Tân tự giới thiệu là nhân viên của “Trung tâm xúc tiến việc làm” thuộc “Công ty cổ phần Hướng nghiệp và Phát triển giáo dục”, nơi trước đây anh ta có vào làm hợp đồng một thời gian ngắn, có thể lo cho học sinh vào hệ cao đẳng Bách khoa với giá 11 triệu đồng một trường hợp. Hảo nhanh chóng thu gom được 15 bộ hồ sơ xin vào học đem nộp cho Tân cùng 90 triệu đồng tiền đặt “cọc” như thỏa thuận (6 triệu/hồ sơ). Sau đó ít ngày, Hảo lại nộp tiếp cho Tân 25 triệu đồng nữa, vị chi là 115 triệu đồng để gã lo mọi chuyện. Quả thật có linh nghiệm, 15 thí sinh được gọi vào học nhưng là học... dự thính. Sau đó, chỉ có 4 trong số 15 cháu được dự thi vào hệ cao đẳng. Kết quả có 3 em thi đỗ, trong đó có cháu Nguyễn Thế H. (21 tuổi), trú ở Ba La, Quang Trung (thị xã Hà Đông).
Thông qua người quen, Hảo tìm được Vũ Tuấn T. (ở Yên Bái - Bắc Giang) đang rất “muốn” vào lớp Trung cấp Công an, bao nhiêu cũng chấp nhận nên khi chị ta “hét” giá 95 triệu đồng, T. vui vẻ chấp nhận ngay. Ngày 23/11/2004, T. giao hồ sơ cho Hảo kèm theo 30 triệu đồng. Đến 23/3/2005, T. lại đưa tiếp 49 triệu, tổng cộng là 79 triệu đồng. Số tiền còn lại, có giấy gọi vào trường T. sẽ giao nốt. Có tiền, Hảo giao một lúc cho Tú 40 triệu đồng và bộ hồ sơ. Tú mang bộ hồ sơ đến nhờ ông Hoàng Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng xin cho T vào học lớp trung cấp CSGT và giao cho ông 23 triệu đồng. Nhưng Hảo không biết rằng, việc tuyển sinh của Lực lượng Công an có quy chế hết sức chặt chẽ nên phi vụ không thành. Nghe tin Hảo bị bắt vào ngày 12/4/2005, ông Quỳnh vội mang hồ sơ và 23 triệu đồng trả cho Tú.
Khi bắt giữ Hảo, các ĐTV thu giữ được 4 cuốn sổ khổ giấy A4 ghi chi chít việc Hảo “chạy” cho các trường hợp vào các trường đại học, cao đẳng.
Không chỉ “tuyển sinh” vào cao đẳng, đại học, Hảo còn “tuyển” việc làm các ngành nghề mà toàn... cao cấp cả có trường hợp Hảo ra giá tới 40 triệu đồng. Phải nói Hảo cũng khá giỏi khai thác được những nguồn thông tin này.
Hiện có trên 50 trường hợp là nạn nhân của Hảo ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Điển hình khoảng tháng 6/2004, chị Toàn, ở Yên Định (Thanh Hóa) nhờ Hảo lo cho con trai là Nguyễn Hữu H. vào Trường trung cấp Dược Thái Nguyên với giá 5 triệu đồng. Chị Toàn đã nộp hồ sơ và giao cho Hảo 3 triệu đồng tiền đặt “cọc”. Rồi cũng trong tháng 6/2004, anh Nhân nhờ Hảo lo cho em gái là Nguyễn Thị H. ở Nghĩa Hòa (Nghĩa Hưng, Nam Định) vào Khoa Kế toán Trường trung cấp Xây dựng Hà Nội, mới đưa 1 triệu đồng. Anh L., trú ở Hàng Cót (Hà Nội) nhờ Hảo xin cho cháu vào học ở Truờng Đại học Kinh tế quốc dân với giá 60 triệu đồng. Cũng anh L. nhờ một trường hợp khác vào Học viện Chính trị - quân sự với giá 40 triệu đồng. Hai trường hợp nữa nhờ “chạy” vào Đại học Kinh tế quốc dân mới chi hơn 20 triệu đồng, v.v... Tiếp tay cho Hảo còn một số kẻ trong vai “cò mồi” như Phạm Tiến D ở Gia Khánh (Ninh Bình), Nguyễn Phương H, ở Đồng Tiến (TX Hòa Bình), Đinh Hồng H, ở Khoái Châu (Hưng Yên)...
Hễ thấy hơi đồng là mê
Trừ 3 trường hợp do Tân môi giới, các cháu tự thi đỗ vào hệ cao đẳng Trường đại học Bách khoa, còn tất cả các trường hợp mà Hảo lo “chạy” chỉ “giúp” cho các nạn nhân... dài cổ ngóng trông. Vậy mà không hiểu sao “tài” của Hảo đồn xa, khiến cho chị Nguyễn Thị Thanh Huyền từ thị xã Hà Tĩnh cũng tìm đến Hảo nhờ thu xếp lo cho cháu là Lê Thị P. quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh) vào Đại học Sư phạm.
"Nhờ vả" thành quen, Huyền cho Hảo biết, chị có đường dây “chạy” được các loại giấy phép lái xe (GPLX). Người đàn bà ấy vốn “thấy hơi đồng là... mê” nên xoắn xuýt lấy “cầu” này. Hảo tìm gặp anh Nguyễn Xuân Trường, trú ở Ba La (Hà Đông) vốn là địa chỉ đưa bánh cốm và anh Đặng Xuân Thành, trú ở Hải Hậu (Nam Định), chỗ thân quen thông báo, có “mối” làm GPLX với giá 6 triệu đồng/GPLX ôtô và 500 ngàn đồng/GPLX môtô.
Vào tháng 1/2005, anh Trường gom được 14 hồ sơ xin cấp GPLX môtô và 2 hồ sơ xin cấp GPLX ôtô ở khu vực Hà Đông. Còn anh Thành cũng gom được 18 hồ sơ xin cấp GPLX môtô ở khu vực Nam Định chuyển cho Hảo. Sau khi nhận số hồ sơ này, Hảo chuyển vào cho Huyền cùng với số tiền là 33.150.000đ.
Huyền liên hệ với Trần Trung Kiên, cán bộ Trung tâm xúc tiến việc làm thị xã Hà Tĩnh rồi chuyển cho Kiên 32 bộ hồ sơ xin cấp GPLX môtô cùng 16,5 triệu đồng. Sau đó, Kiên lại chuyển hồ sơ và số tiền rút đi còn 15,5 triệu đồng cho Nguyễn Văn Đình, giáo viên Trường THPT Hoàng Xuân Hãn (thị xã Hà Tĩnh). Đến khi Đình chuyển 32 hồ sơ cho Bùi Văn Thịnh (27 tuổi), trú ở khối 7, Hà Huy Tập (thị xã Hà Tĩnh), hiện là cán bộ Phòng Vận tải quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT Hà Tĩnh, là người “cấp” GPLX thì số tiền ấy chỉ còn 11 triệu đồng.
Nói về Bùi Văn Thịnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học GTVT, tháng 10/2002 Thịnh được nhận vào làm ở Sở GTVT Hà Tĩnh. Trẻ tuổi, có trình độ lại chịu khó nên Thịnh được sự tín nhiệm của mọi người. Thế nên, khi các ĐTV Công an Hà Tây thông báo, Thịnh phạm tội làm giả GPLX ai nấy hết sức ngạc nhiên. Thì ra, Thịnh được giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ số phôi (mẫu GPLX), con dấu... nên việc làm giả quá đơn giản. Lợi dụng một ngày nghỉ đầu tháng 4/2005, Thịnh mò đến cơ quan, lấy phôi tự in ấn rồi dán ảnh người được cấp GPLX vào, sau đó ký giả chữ ký của ông trưởng phòng. Còn việc đóng dấu đỏ, dấu nổi cũng không khó khăn gì, bởi trong tay Thịnh cả. Chỉ non một tiếng đồng hồ, Thịnh đã hoàn tất 32 GPLX.
Điều Thịnh không thể ngờ được, sau khi giao “hàng” cho Đình, chỉ ít ngày sau, vào 17 giờ ngày 12/4, khi Hảo đang trao 14 GPLX cho vợ anh Trường thì bị các trinh sát hình sự Công an Hà Tây bắt giữ. Khám xét nơi ở của Hảo, Cơ quan CSĐT thu giữ 18 GPLX mà chị ta nhận làm cho anh Thành. Trong bản kết luận giám định số 13/PC21 của Công an Hà Tây xác định, số GPLX ấy là giả. Biết không thể trốn tránh được tội lỗi, Thịnh đã đến Công an Hà Tây xin đầu thú.
Hiện Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Tây vẫn đang tập trung điều tra vụ án.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tầm quan trọng của sự nhất quán khi dạy con Thứ Sáu, 01/03/2024, 14:00
- KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN Thứ Sáu, 12/01/2024, 00:00
- Vì sao người ta theo đuổi “đa sự nghiệp”? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Hiring freeze - Khi tạm dừng là việc cần làm để tồn tại Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Mình đứng lên từ cú sốc bị xem thường vì làm nhiều nghề Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá” Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Hãy cư xử như một senior nếu muốn trở thành một senior Thứ Sáu, 24/02/2023, 14:07
- Beyoncé: Cần cù bù vào tài năng Thứ Ba, 24/01/2023, 00:00
Các tin khác
- Charlize Theron làm phim về AIDS Thứ Hai, 01/08/2005, 11:21
- Real hứa ghi nhiều bàn thắng để giúp nạn nhân sóng thần Thứ Hai, 01/08/2005, 09:10
- Lê Quang Liêm vô địch cờ vua thế giới lứa tuổi U14 Thứ Sáu, 29/07/2005, 08:52
- Việt Nam đoạt 4 HC vàng ở giải vô địch wushu trẻ châu Á Thứ Ba, 26/07/2005, 09:17
- Đăng ký giàn chuông nón lá Huế vào Sách Guinness VN Thứ Tư, 20/07/2005, 08:41
- Kẻ hãm hiếp lao động Việt Nam tại Đài Loan bị đề nghị 15-20 năm tù Thứ Năm, 14/07/2005, 15:02
- Những mảng tối trong đời sống sinh viên ký túc xá Thứ Sáu, 08/07/2005, 09:58
- Xem phim kiểu... ''ét - vê'' Thứ Sáu, 08/07/2005, 09:17
- Thua mất mặt hay thua chiến lược? Thứ Hai, 04/07/2005, 14:05
- Đi ''mò'' đêm Thứ Sáu, 20/05/2005, 14:57
- Beyern ngược dòng bất thành Thứ Tư, 13/04/2005, 11:15
- Real hủy diệt Barca tại Bernabeu Thứ Hai, 11/04/2005, 14:50