Những thay đổi về sinh lý tuổi dậy thì ở bạn nam Thứ Sáu, 14/02/2014, 00:00
Đến tuổi dậy thì, cả bạn nam và nữ đều trải qua những thay đổi về mặt sinh lý rất quan trọng và có thể khiến cho các bạn thấy lo lắng, không biết đó có phải là hiện tượng bất thường hay bình thường. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nam giải đáp điều đó.
1. Vóc dáng cơ thể
Ở tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu phát triển nhanh và có nhiều thay đổi. Từ một cậu bé, cơ thể bạn phát triển với những đặc điểm như một người đã trưởng thành. Chiều cao tăng lên đáng kể, vai nở ra, bụng và hông thon lại, cơ bắp nhiều lên trông thấy, dần dần bạn sẽ có vóc dáng của một chàng trai. Các bạn trai thường dậy thì muộn hơn, nhưng sau đó sẽ cao vượt bạn gái.
Sự phát triển này thường xảy ra từ từ trong vài năm trong khoảng 12, 13 đến 20 tuổi. Cũng có nhiều bạn lớn vụt lên trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn bạn Quang lớn nhanh đến nỗi có người phải thốt lên: “Ôi, thằng Quang, không nhận ra mày nữa. Mới có vài tháng mà đã như ông tây thế này!”.
Tuổi dậy thì có thể đến hơi sớm với bạn này nhưng lại bắt bạn khác phải "đợi chờ" đôi chút, nên tuy cùng tuổi nhưng nhiều bạn trông "phổng phao" hơn các bạn khác. Nếu bạn chậm hơn bạn khác thì cũng đừng lo vì rồi sẽ đến lượt bạn, còn nếu bạn "nhanh chân" hơn thì cũng sẽ không trở thành người khổng lồ đâu.
2. Sự phát triển của cơ quan sinh dục
Lúc dậy thì là lúc cơ quan sinh dục thay đổi nhiều nhất. Bao tinh hoàn to ra, sẫm màu hơn, hai tinh hoàn cũng lớn lên theo. Dương vật lớn lên cả bề ngang lẫn bề dài, thường cũng sẫm màu hơn trước. Cùng với sự phát triển ấy, lông mọc lên quanh cơ quan sinh dục bao gồm lông mu và có nhiều người mọc lông cả ở xung quanh hậu môn hoặc lan cả ra háng và đùi.
Ở giai đoạn này các bạn thường có một số lo lắng về màu sắc, độ lớn, độ dài hay hình dáng của dương vật. Có thể các bạn sẽ tự hỏi, sao "cái của mình" lại không giống với các bạn khác, sao hình dáng của dương vật cũng có những nét khác biệt như đầu dương vật lớn trong khi thân lại nhỏ hơn một chút? Hoặc "kích cỡ" của "cái ấy" bao nhiêu mới là đủ, liệu có phải "càng lớn càng tốt" không?
Cũng có nhiều bạn nghĩ rằng kích cỡ dương vật tỉ lệ thuận với độ lớn của cơ thể nhưng điều này không đúng đâu, nhìn bên ngoài không thể đoán được bên trong như thế nào đâu, bạn ạ. Có nhiều người trông to lớn nhưng dương vật rất bình thường và ngược lại cũng có người trông nhỏ bé nhưng dương vật lại lớn. Nhìn chung, kích cỡ của "cái ấy" không phải là yếu tố "quyết định", mà quan trọng là nó "hoạt động" như thế nào.
Ở người đàn ông trưởng thành, dương vật cương cứng khi có kích thích tình dục. Nhưng khi mới lớn thì không phải luôn là như vậy, dương vật rất dễ "ngóc đầu dậy" vì đủ mọi lý do: khi bạn có chuyện vui vẻ, khi thoáng nghĩ đến bạn gái, khi sợ hãi, khi thức dậy vào buổi sáng, ... thậm chí vào bất kỳ lúc nào mà chẳng vì lý do gì cả. Điều này làm các bạn trai bối rối, nhiều khi phát xấu hổ, nhưng đây chỉ là một quá trình “tập dượt tự nhiên”, rồi nó sẽ qua nhanh, chẳng mấy chốc dương vật sẽ không còn “bất trị” như vậy nữa.
Dương vật khi cương cứng cong hay thẳng cũng có thể trở thành "nỗi muộn phiền" của các bạn. Tuy nhiên, nếu dương vật có hơi cong một chút hay vòng lên trên, vòng xuống dưới, hay vòng sang phải, sang trái một chút cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Trường hợp đáng lo là hẹp bao quy đầu khiến cho đầu dương vật không lộ ra ngoài bao quy đầu khi cương cứng hoặc dương vật cong và biến dạng một cách bất thường như gập xuống dưới hoặc quay hẳn đầu sang một bên.
Với tinh hoàn cũng vậy. Có người sốt ruột vì dường như hai tinh hoàn không lớn bằng nhau hoặc bên cao bên thấp. Đây cũng là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là bạn không thấy tự nhiên "mất" đi đâu một bên tinh hoàn hoặc tinh hoàn "đi chơi" lung tung, lúc ở dưới, lúc ở trên vì đây là hiện tượng tinh hoàn lạc chỗ và cần can thiệp ngoại khoa sớm.
Tất cả những điều này không đáng lo vì điều quan trọng là dương vật có cương cứng không và có khả năng xuất tinh không. Nếu mọi sự bình thường thì hãy cứ để nó phát triển như vậy. Khi hệ sinh dục phát triển đến một lúc nào đó thì tinh hoàn bắt đầu sản xuất tinh trùng, túi tinh và tuyến tiền liệt có thể tiết dịch tạo thành tinh dịch. Bạn có thể xuất tinh và... đó là dấu hiệu báo hiệu khả năng sinh sản của bạn bắt đầu hoạt động đấy.
3. Mộng tinh
Ở tuổi dậy thì, nhiều bạn trai có hiện tượng xuất tinh không chủ định, thường xảy ra vào ban đêm, gọi là mộng tinh. Cũng như bất kỳ sự kiện nào xảy ra lần đầu tiên trong đời, nó khiến nhiều bạn phải bối rối. Đây cũng là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường, không phải là bệnh như nhiều bạn lầm tưởng đâu. Dấu hiệu này chứng tỏ bạn “đã lớn”.
Mộng tinh là cơ chế tự giải phóng tinh dịch. Bạn có thể tưởng tượng một cách đơn giản thế này: Tinh hoàn là nơi sản xuất ra tinh trùng, sau đó, tinh trùng sẽ được dự trữ trong mào tinh và theo ống dẫn tinh lên túi tinh, hoà với các chất dịch do ống dẫn tinh, túi tinh, mào tinh hoàn, tuyến tiền liệt .. tiết ra tạo thành tinh dịch. Túi tinh giống như một cái cốc, khi "chứa" nhiều tinh dịch quá sẽ phải "tràn" ra ngoài. Bình thường, khi thức, con người có một cơ chế "kiểm soát" tương đối tốt, (do hệ thần kinh giao cảm phụ trách) sẽ nhắc nhở bạn "không được tràn, không được tràn", và điều khiển van hãm ở đường niệu đạo "đóng chặt" không để tinh dịch thoát ra ngoài. Song khi ngủ, cơ chế kiểm soát này cũng không còn "thức" để nhắc nhở bạn, do đó, tinh dịch được "tự do" thoát ra ngoài. Đây chính là lý do khiến việc mộng tinh thường xảy ra khi ngủ.
Cũng có bạn không thấy có hiện tượng mộng tinh, điều này không có nghĩa là cơ thể không sản xuất tinh trùng bởi nếu tinh trùng không được xuất ra ngoài thì sẽ được hấp thụ lại và rồi cơ thể vẫn lại sinh ra tinh trùng mới.
4. Sự phát triển của một số yếu tố sinh dục phụ
Lông và râu
Lông mu bắt đầu mọc trước tiên. Ban đầu, quanh cơ quan sinh dục xuất hiện vài ba sợi, sau nhiều thêm, quăn hơn. Có người chỉ có một dúm lông nhỏ, nhưng cũng có người lông dầy và mọc cả lên bụng và xuống hai bên đùi, hậu môn. Ngoài ra, bạn cũng mọc lông nách, lông chân, thậm chí cả lông ngực. Ria và râu thường mọc sau lông mu khoảng một vài năm.
Mỗi người có số lượng và cách phân bố lông khác nhau. Nhiều hay ít lông không nói lên điều gì về khả năng tình dục, sinh sản cũng như tính cách. Xin đừng ai mất công so sánh. Nhiều bạn có băn khoăn về việc mình không có râu hay không có lông tay, lông chân,… và nghĩ rằng mình thiếu "nam tính" hơn các bạn khác. Tuy nhiên điều này là không đúng vì nội tiết tố sinh dục và nhiều yếu tố khác (như bộ nhiễm sắc thể giới tính, cấu trúc đường sinh dục...) sẽ quyết định bạn là nam hay nữ. Còn lông và râu chỉ là những yếu tố phụ.
Nổi cục yết hầu và vỡ giọng
Cục yết hầu là sụn tuyến giáp. Hóc môn nam ở tuổi dậy thì tăng cường hoạt động khiến bộ phận này thay đổi, do vậy bạn thấy cục yết hầu nhô thêm ra ở cổ. Giọng các em bé trai và giọng người lớn khác hẳn nhau. Chính thời gian dậy thì là khi giọng của bạn nam có nhiều biến chuyển, thay đổi. Thanh quản rộng ra, các dây thanh đới dầy lên và dài ra. Giọng bạn trầm xuống. Việc chuyển giọng có thể đột ngột, có thể dần dần. Thường ta ít để ý quá trình đó, nhưng có một số bạn phải bối rối vì biến cố "vỡ giọng".
Có bạn giọng “ồ ồ như vịt đực”, lại có người giọng “khàn khàn như điếu cày” nhưng sau một thời gian giọng bạn sẽ trầm xuống và ấm hơn. Khi vỡ giọng, bạn có thể khó chịu vì bị mọi người trêu chọc nhưng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời thôi. Sau đó bạn sẽ có được “chất giọng ấm áp của người đàn ông” đấy.
Tài liệu tham khảo
1. Sách “Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khoẻ”. Biên soạn: Nguyễn Quỳnh Trang, Debra Efroymson, Nguyễn Khánh Linh. Do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức PATH Canada xuất bản. NXB Thanh niên 2001.
2. Webside http://www.ykhoa.net
3. Webside http://www.cimsi.org.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Mang thai hộ - Thông tin cần biết Thứ Ba, 16/07/2024, 00:00
- Tìm hiểu về bệnh ung thư Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: những yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Bóng ma vô hình của những người mẹ Thứ Năm, 11/07/2024, 00:00
- Ảnh hưởng của rượu đối thai nhi Thứ Ba, 09/07/2024, 00:00
- Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý? Chủ Nhật, 23/06/2024, 00:00
- Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Xét nghiệm Pap là gì? Thứ Hai, 10/06/2024, 00:00
- Có thể có thai từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn không? Thứ Năm, 06/06/2024, 00:00
Các tin khác
- Một số thay đổi về tâm lí tuổi dậy thì Thứ Năm, 13/02/2014, 00:00
- Tuổi dậy thì là gì? Thứ Tư, 12/02/2014, 00:00
- Bao cao su dành cho nữ giới Thứ Ba, 11/02/2014, 00:00
- Bao cao su nam giới (tiếp) Chủ Nhật, 09/02/2014, 00:00
- Bao cao su nam giới Thứ Bẩy, 08/02/2014, 00:00
- Các biện pháp tránh thai Thứ Sáu, 07/02/2014, 00:00
- Viêm phần phụ Thứ Năm, 06/02/2014, 00:00
- Viêm nội mạc tử cung Thứ Tư, 05/02/2014, 00:00
- Viêm cổ tử cung Thứ Ba, 04/02/2014, 00:00
- Viêm âm đạo Thứ Hai, 03/02/2014, 00:00
- Viêm âm hộ tầng sinh môn Chủ Nhật, 02/02/2014, 00:00
- Viêm nhiễm đường sinh sản Thứ Bẩy, 01/02/2014, 00:00