Cơ hội giao lưu và tìm hiểu thông tin của NCH Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Trong ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay (1-12-2009), đã có rất nhiều chương trình được tổ chức nhằm hướng tới những người có H nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Nằm trong các hoạt động đó, chương trình giao lưu “Đồng hành cùng trái tim” đã giúp những người có H (NCH) có cơ hội giao lưu trực tiếp với các tổ chức, nhà tài trợ, bác sĩ điều trị và những NCH đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ tự lực khác.
Giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm
Trong buổi giao lưu, NCH cũng có cơ hội được thể hiện mình qua lời ca tiếng hát, những vở kịch đầy ý nghĩa, ở đó họ là diễn viên chính trong câu chuyện về cuộc đời mình.
Cùng với đó, NCH thuộc các nhóm tự lực ở các tỉnh cũng có dịp chia sẻ về công việc mình đã làm. Chị T, đại biểu của nhóm tự lực Hoa Sen tại Hải Phòng, nhóm tập hợp những phụ nữ có chồng mất vì HIV/AIDS được thành lập năm 2006, chia sẻ về công việc của nhóm mình đã làm: “Công việc của nhóm chủ yếu là đến bệnh viện chăm sóc những bệnh nhân có H, tư vấn cách chăm sóc, làm vệ sinh tắm rửa cho những NCH và tư vấn về cách thức chăm sóc cho người nhà của họ. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện những hoạt động cộng đồng tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, dạy kĩ năng sống cho thanh niên và chăm sóc các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”. Câu lạc bộ hiện nay cũng đang cố gắng vận động tìm kiếm nguồn vốn cho chị em có cơ hội làm ăn, kiếm sống…
Chị H, đại biểu của nhóm tự lực tại thôn Đá Bạc, tỉnh Hoà Bình cũng đã chia sẻ những khó khăn trong ngày đầu thành lập nhóm khi còn gặp phải sự kỳ thị rất lớn từ cộng đồng. Khi thôn Đá Bạc có người nhiễm HIV đầu tiên thì người trong thôn đi đến đâu cũng bị kỳ thị xa lánh… Nhằm mục đích truyền thông giảm kỳ thị và giúp đỡ những NCH, nhóm tự lực của thôn Đá bạc được thành lập vào năm 2006. Khi mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 20 thành viên thì nay đã có 54 thành viên với 19 người là NCH. Trong suốt thời gian qua, nhóm tự lực của thôn Đá Bạc đã liên tục tổ chức các hoạt động truyền thông giảm kỳ thị (như tổ chức giao lưu văn nghệ, truyền thông nhóm, truyền thông tại gia đình), vận động những người có nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV, phát bơm kim tiêm cho những người sử dụng ma túy trong cộng đồng…
Đối thoại trực tiếp về quyền lợi và nghĩa vụ
Trong buổi giao lưu, NCH cũng được giao lưu đặt câu hỏi qua giấy hay trực tiếp với đại biểu của các nhà tài trợ, các bác sĩ điều trị, các tổ chức làm việc liên quan đến NCH… Qua đó, các đại biểu cũng đã cung cấp những thông tin cơ bản, quan trọng giúp thành viên các nhóm tự lực nói riêng và đông đảo mọi người trong hội trường nói chung hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của NCH nói chung và những người đã, đang, sắp tham gia điều trị ARV miễn phí nói riêng.
Như với thắc mắc về vấn đề một số NCH phải mất tiền để được tham gia điều trị ARV miễn phí tại bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), bác sĩ Trần Quốc Tuấn, trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đống Đa giải thích, cách đây hơn một năm, đã xảy ra hiện tượng này, do thông tin không được công bố rộng rãi, lợi dụng điểm đó, một số cá nhân đã trục lợi bất chính. Bác sĩ khẳng định, khi nguồn thông tin về điều trị ARV miễn phí được công bố rộng rãi trên đài báo, phát thanh truyền hình để đông đảo người dân cùng biết thì đã không còn hiện tượng này nữa. Bác sĩ Tuấn cũng nêu rõ, hiện nay, tại bệnh viện Đống Đa đang có chương trình điều trị miễn phí ARV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho những bệnh nhân nằm nội trú tại viện. Hơn nữa chương trình do tổ chức ESTHER tài trợ này còn cung cấp những bữa ăn miễn phí điều trị nội trú tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện.
Với quá trình điều trị ARV, các bác sĩ cũng chỉ rõ, việc xác định khả năng đáp ứng của cơ thể với quá trình điều trị ARV cần dựa trên rất nhiều chỉ số như việc tăng cân của bệnh nhân, CD4 tăng đều, tải lượng vi rút dưới mức phát hiện… Quá trình đổi phác đồ cũng cần tuần thủ theo hướng dẫn của bác sĩ dựa trên việc cân nhắc những khả năng có lợi hơn cho bệnh nhân. Không có tình trạng bệnh nhân chủ động muốn đổi phác đồ hay không muốn đổi phác đồ khi được bác sĩ yêu cầu, đặc biệt không có tình trạng mất tiền mới được đổi phác đồ…
Một câu hỏi tưởng như quen thuộc nhưng cũng không phải ai cũng hiểu đúng “CD4 là gì?” cũng đã được các bác sĩ trả lời: “CD4 là một loại tế bào bạch cầu dễ bị vi rút tấn công nhất”. Hơn nữa các bác sĩ còn chỉ rõ, khi CD4 dưới 200 mới cần điều trị ARV (đây cũng chỉ mới là một tiêu chí để quyết đinh có điều trị ARV không), bởi khi đã điều trị, ARV sẽ gắn với NCH suốt đời. ARV cũng có những tác dụng phụ nhất định và đặc biệt, việc tuần thủ điều trị là tối cần thiết.
Thành viên của các nhóm tự lực cũng băn khoăn về nguồn cung cấp thuốc miễn phí hiện nay có thể được duy trì trong bao lâu nữa. Băn khoăn này cũng được các đại biểu có trách nhiệm giải thích rõ, hiện nay Việt Nam có bốn nguồn thuốc cung cấp từ chương trình PEPFAR, Quỹ Toàn cầu, Chương trình mục tiêu quốc gia và Quỹ Clinton nguồn cung cấp thuốc cho trẻ em. Đến nay, nguồn thuốc miễn phí đã được cam kết cấp phát đến năm 2012, sau thời gian đó, tùy tình hình mà có thể được xem xét tiếp tục cấp thêm. Đại diện của các tổ chức phòng chống HIV/AIDS khẳng định, NCH cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Những thông tin về vấn đề pháp luật cho NCH cũng được luật sư Đặng Ngọc Thanh của văn phòng luật sư Hà Nội hướng dẫn cụ thể và cung cấp những địa chỉ tin cậy (như số 43 phố Núi Trúc, Hà Nội) luôn có người hỗ trợ, giúp đỡ họ… Những thông tin trong chương trình đã thật sự hữu ích cho những NCH đã, đang và sẽ điều trị ARV.
Hiểu biết hơn để cùng đẩy lùi bệnh tật
Buổi giao lưu cũng đã thu hút được nhiều bạn trẻ trong các câu lạc bộ của NCH và nhóm MSM của Hà Nội. Bạn T, sinh viên trường ĐH Giao Thông vận tải Hà Nội, một thành viên của nhóm MSM đã chia sẻ: “Chương trình đã cho chúng tôi cơ hội hiểu thêm về HIV/AIDS và những NCH”. Chị N, một thành viên không có H đến từ câu lạc bộ Hoa Sen, Hải Phòng thì nói: “Tôi thấy, được lên Hà Nội có cơ hội giao lưu như hôm nay đã giúp các bạn trong câu lạc bộ Hoa Sen có thêm những hiểu biết mới và thêm niềm tin vào việc điều trị ARV và phòng chống HIV/AIDS”.
Bạn Đào Thanh Phương, một trong những người tham gia dự án và góp phần tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ: “Phương cũng làm tư vấn với những NCH, Phương nhận thấy, đây là cơ hội giúp Phương hiểu hơn về NCH, nhìn những NCH tự tin trong buổi giao lưu, Phương cảm thấy rất vui”.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00