Bức thư cuối năm, đừng quên gửi lời cảm ơn cho chính bản thân mình Thứ Sáu, 18/12/2020, 08:26
Một thế hệ đầy rẫy những kẻ khắc nghiệt với bản thân
Nhờ một khoảng thời gian dài tiếp xúc với không ít bạn trẻ khi còn làm báo ở Việt Nam, bản thân cũng từng trải qua giai đoạn như vậy, tôi nhận ra, thế hệ giờ đây đầy những kẻ khắc nghiệt cho bản thân. Bạn không tin ư ? Này nhé :
Bạn từng rơi vào trưởng hợp bản thân phạm phải một lỗi sơ đẳng trong bài thi dù trước đó ôn tập, luyện kỹ càng. Rời khỏi phòng thi, bạn không ngừng chì chiết bản thân, tự hỏi tại sao mình có thể phạm phải lỗi ngớ ngẩn đến vậy… Nhưng nếu đảo lại người phạm sai lầm là người bạn thân nhất của bạn thì sao ? Chắc chắn bạn sẽ an ủi nó. Không phải những lời an ủi xã giao mà thực sự vì bạn quan tâm đến nó, vì bạn đã chứng kiến quá trình nó chăm chỉ ôn tập, biết nó đã cố gắng ra sao.
Bạn từng rơi vào trường hợp bản thân phạm vài lỗi ngớ ngẩn khi đi phỏng vấn bị đánh rớt trong cuộc phỏng vấn xin việc ? Một lần nữa, một màn tự trách, thất vọng, oán thán lại bắt đầu. Nhưng nếu đảo lại, người bị đánh rớt là em trai, em gái của bạn thì sao ? Chắc chắn bạn sẽ an ủi, động viên nó chứ không chì chiết, mắng mỏ.
Đơn giản hơn, bạn từng có vài hành động/lời nói ngớ ngẩn trước đám đông hoặc trước người mình thích. Bạn thường nghĩ lại nó và không ngừng tự dằn vặt bản thân sao lại có thể có những hành động ngu ngốc đến thế. Nhưng nếu đảo lại, người có hành động/lời nói ngớ ngẩn ấy là một người bạn quen thì sao ? Ừ thì lúc ấy bạn có thể cười một chút đấy, nhưng rồi cũng chóng quên thôi. Chẳng phải sao ! Giữa cuộc đời đầy rẫy nỗi buồn nỗi lo này, biết bao nhiêu thứ phải suy nghĩ, thật lòng, tâm trí bạn chẳng có nhiều khoảng trống để nhớ về những thứ ngớ ngẩn của người khác đâu.
Hoặc sắp tới đây thôi, cứ để ý những đợt cuối năm mà xem, bạn sẽ thấy một đống những ảnh chế đại loại kiểu cả năm người này làm được cái này, cái kia còn bản thân thì chỉ được cái làm biếng ; cuối năm người này có được nhà, người kia có được xe còn bản thân thì có được món nợ… Những ảnh chế dạng này thường có rất nhiều tương tác vì đánh trúng tâm lý bơ vơ, lạc lõng, vô định, thất bại của giới trẻ nơi đô thị. Một cảm xúc chủ đạo bao trùm giới trẻ.
Bởi sâu bên trong bản thân mỗi con người, luôn có cảm giác thất bại, luôn có cảm giác không hài lòng với bản thân, luôn cảm thấy đơn độc và yếu đuối. Nhưng khổ nỗi, đa phần trong số chúng ta lại luôn lờ cái con người bên trong này đi. Thay vì đi cố gắng lắng nghe, thấu hiểu, tha thứ con người sâu bên trong ta ấy, thì ta lại khắc nghiệt, chì chiết, cố tình lãng quên, bỏ qua đi cái phần sâu bên trong này.
Dù muốn thừa nhận hay không thì phần lớn chúng ta đều mải chạy theo, bồi đắp ở phần vỏ bên ngoài. Ta nghe rất nhiều chuyện xung quanh nhưng lại chẳng nghe được bên trong con người ta. Ta nói rất nhiều chuyện với nhiều người nhưng lại chẳng nói chuyện được với chính mình. Ta chải chuốt rất nhiều cho ngoại hình bên ngoài nhưng lại cố làm lơ đi cái tôi bên trong đang trống huơ trống hoắc. Ta an ủi, nói những lời êm ái với nhiều người nhưng ta lại tàn nhẫn, cay độc, nặng nề khi nói với chính mình.
Bạn thấy không, ta đâu có tốt với bản thân như ta vẫn tưởng. Hóa ra, ta luôn đối xử khắc nghiệt nếu không muốn nói là hà khắc với chính mình.
Bức thư cuối năm
Ngồi đọc lại thư mình viết cách đây một năm, tôi như đối diện với một người bạn cũ, check lại những kỳ vọng của năm nay xem mình đã làm được đến đâu, đọc lại những lời chúc, động viên bản thân dành cho con người hiện tại… Thú thật, có rất nhiều thứ cảm xúc đan xen lại với nhau, khó diễn đạt được thành lời. Một chút tự hào vì đã hoàn thành được một vài công việc, thêm một chút thất vọng khi nhiều điều chẳng thể như mong muốn, một chút bất ngờ trước những thay đổi trong suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn, chín chắn hơn.
Đọc xong lá thư gửi mình, tôi lại lấy giấy bút viết cho bản thân một lá thư khác. Như một người cấp trên nhận xét về người cấp dưới, tôi cố không tự biện lý do thất bại cho những mục tiêu không đạt được trong năm vừa qua mà thẳng thắn nhìn lại nó. Tìm ra đâu là nguyên nhân, hạn chế và cả cách khắc phục. Chê thì cũng phải có khen. Tôi tự hào vì bản thân đã hoàn thành được một vài điều. Kể cả có những lúc tôi chẳng hoàn thành được mục tiêu nào của năm thì tôi có thể tự hào một chút, ít ra bản thân có thể thẳng thắn, trung thực đối diện với lỗi lầm, thất bại của mình. Rồi bắt đầu đặt ra một vài mục tiêu cho năm tới.
Cuối thư, bao giờ tôi cũng viết những lời cảm ơn dành cho bản thân. Cảm ơn tôi của một năm vừa qua vì đã can đảm trước những nỗi niềm vất vả, khó khăn. Cảm ơn tôi của hiện tại vì vẫn chăm chỉ mỗi ngày. Và cảm ơn tôi của tương lai vì sẽ kiên nhẫn hoàn thành từng chút một những điều đã viết trong thư.
Đã đến lúc công bằng với chính mình hơn
Không phải ngẫu nhiên mà tôi chọn cách viết thư gửi cho chính mình. Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi tên là self-communion, tức là giao tiếp, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân với chính mình. Hành động này giúp con người hiểu rõ chính mình, có thể nhìn sâu vào nơi tăm tối nhất của tâm hồn mình để xem nơi đó đang ẩn giấu điều gì.
Có lẽ giống như Henrik Ibsen, nhà viết kịch nổi tiếng của Na Uy đã từng nói : « Sống là làm chủ các thế lực đen tối trong chúng ta. Viết là minh định về chính bản thân chúng ta ».
Thông thường, ai trong số mỗi chúng ta đều có thời điểm nghĩ về con người của bản thân. Ai mà chẳng muốn đi tìm con người chính mình. Nhưng mà không hiểu làm sao, cứ càng nghĩ ta lại càng thấy rối rắm, mông lung hơn. Thôi thì bỏ đó, hôm sau nghĩ tiếp ! Liệu bạn đã từng trải qua những cảm xúc như thế này ?
Bản thân tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy. Nhưng rồi tôi phát hiện, bản thân con người thường hay bị trí não của chính mình dối lừa. Hóa ra, những suy nghĩ mà ta tưởng mạch lạc, cụ thể ấy lại hay rối rắm, mông lung, mơ hồ hơn những gì ta biết. Chỉ có cách viết rõ ra, ta mới có thể tỉnh táo để gỡ gối được vấn đề. Một khi đã là giấy trắng, mực đen bạn mới có thể nhận rõ được sự thật như những gì nó vốn có và nó ở đó mãi.
Và một khi đã viết, hãy cầm bút lên để viết. Hãy hạn chế gõ chữ bằng máy hay bằng điện thoại. Nếu bạn hỏi tôi vì sao bạn lại khuyên dùng bút để viết ra cho lỉnh kỉnh, sao không gõ bằng máy tính, bằng điện thoại cho nhanh. Câu trả lời của tôi đơn giản bởi vì khi cầm bút viết, những ngón tay ta bắt buộc hoạt động viết ra con chữ.
Ừ thì khi gõ máy tính, gõ trên điện thoại, chữ cũng hiện ra đấy thôi. Nhưng xin nhớ rằng hai điều này hoàn toàn khác nhau. Khi ta viết, tay ta cảm nhận được độ nhám của mặt giấy, tai ta nghe được âm thanh sột soạt của ngòi bút, mũi ta ngửi được mùi giấy, mùi mực, mắt ta nhìn thấy được những gì mình viết, tâm ta mới có thể tĩnh lại. Nên nhớ rằng, kể từ khi chữ viết xuất hiện, cơ thể con người đã tiến hóa thích nghi để quen với những hành động này rồi. Nó là một sự phát triển hài hòa kéo dài cùng với sự phát triển của loài người. Thế nên trước đây, ông cha ta vẫn thường khuyên rằng mỗi lần luyện chữ là một lần rèn luyện bản tính người hay sao.
Khổ một nỗi, thời kỳ máy móc công nghệ lên ngôi, sự xuất hiện của nó bắt đầu làm rối loạn, đứt gãy nhiều thứ. Trong đó có cả làm việc đứt gãy kết nối cảm xúc của bản thân thông qua việc viết chữ, việc định hình tính cách của mỗi cá nhân. Con người cứ chìm ngụp lạc lõng, bơ vơ, cô đơn giữa hằng hà sa số biển công nghệ, mạng xã hội. Con người dần đánh mất các kết nối với người xung quanh và nguy hiểm hơn là dần mất luôn cả kết nối với chính mình.
Cuối năm, một năm sắp kết thúc, một năm mới sắp đến. Phải chăng ta nên ngồi lại, chọn một góc yên bình, cố gắng gạn bớt những xao động xung quanh, của cả tâm hồn. Hãy chọn lấy một tờ giấy, một chiếc bút để bắt đầu trò chuyện với chính bản thân.
Hãy thử một lần viết ra những trăn trở của bản thân, viết về những điều đã và chưa làm được, những điều mong chờ của năm mới. Hãy thả lỏng tâm trí, hãy tập công bằng, mở lòng hơn với chính mình. Nếu bạn khó khăn trong việc bắt đầu mở lời thì cũng đừng ngại. Ai mà chẳng gặp khó khăn khi khởi đầu. Quan trọng là bạn đã bắt đầu làm, đã bắt đầu bước trên hành trình đối diện với bản thân. Và có một điều quan trọng nữa là cuối thư, đừng quên nói lời cảm ơn với chính chúng ta.
Chu Thanh - Triết học tuổi trẻ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Chấp nhận sự từ chối-Làm thế nào chúng ta có thể biến nỗi đau thành sự phát triển Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Quê hương đi xa ai mà không nhớ Thứ Tư, 16/12/2020, 20:30
- Hãy thưởng thức tách cà phê của cuộc đời mình trọn vẹn nhất Thứ Tư, 16/12/2020, 19:01
- Chàng trai à, em đành phải quên thôi Thứ Tư, 16/12/2020, 16:00
- Làm bạn với một trợ lí ảo Thứ Tư, 16/12/2020, 12:00
- Cuộc sống công bằng hay không chính là do bạn Thứ Tư, 16/12/2020, 11:05
- Làm người lớn chẳng dễ dàng gì đâu Thứ Tư, 16/12/2020, 11:01
- Sống chậm lại để làm một người hạnh phúc Thứ Tư, 16/12/2020, 09:00
- Rồi cũng sẽ có ngày mẹ xa con Thứ Hai, 14/12/2020, 18:30
- Con gọi 'Má ơi!' nhưng không ai trả lời Thứ Hai, 14/12/2020, 18:00
- Người tình của mẹ Thứ Hai, 14/12/2020, 14:00
- 20 dấu hiệu cho thấy bạn nghiêm túc trong tình yêu! Chứ không phải ham muốn nhất thời Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:00
- 5 lý do bạn dần chán mối quan hệ của mình, theo tâm lý học Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:00