Cuộc nói chuyện đó đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của tôi. Nó củng cố điều mà tôi hy vọng là đúng trở thành điều mà tôi thật sự bắt đầu tin tưởng về tính cách của mình. Kể từ đó, mỗi khi đối mặt với những thử thách mà tôi cảm thấy mình không có khả năng vượt qua như những người khác, tôi có thể nghe thấy huấn luyện viên nói rằng tôi có nhiệt huyết, và điều đó giúp tôi tiếp tục cố gắng.
Đó chính là sức mạnh của những lời khen.
Rủi thay, mặc dù lời khen có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực cho cả người khen lẫn người tiếp nhận, nhưng đa số mọi người lại khá kiệm lời khen. Ta hãy cùng thay đổi điều đó và bắt đầu nâng đỡ nhau thường xuyên hơn bằng những lời động viên khích lệ. Sau đây là những lý do vì sao bạn nên khen nhiều hơn, và cách khen ngợi.
Vì sao ta nên khen ngợi nhiều hơn
1. Lời khen khích lệ những người đang nỗ lực phấn đấu. Các nghiên cứu cho thấy nếu muốn giúp người khác hướng đến mục tiêu của họ, phản hồi tích cực mang lại hiệu quả nhiều nhất cho những người đang học việc. Các chuyên gia chủ yếu quan tâm đến việc đánh giá tốc độ tiến bộ, và phản hồi thẳng thắn giúp thúc đẩy nhu cầu tiến xa hơn và nhanh hơn của họ. Mặt khác, những người mới bắt đầu quan tâm đến việc đánh giá quyết tâm nhất (mình làm được điều này không?) và họ hiểu lời khen chính là dấu hiệu cho thấy mình đang đi đúng hướng và có thể kiên trì thực hiện.
Một lời khen thật sự có thể quyết định tất cả, nó quyết định một người sẽ thành công hay bỏ cuộc. Hãy tạo ra sự khác biệt đó và đưa ra lời động viên khích lệ.
2. Khen ngợi giúp trẻ học hỏi nhiều điều mới mẻ. Như đã nói ở trên, điều này hoàn toàn hợp lý; suy cho cùng, trẻ em là “tân binh” trong mọi thứ. Các nhà nghiên cứu cho rằng phản hồi tích cực cũng hiệu quả hơn phản hồi tiêu cực trong việc dạy trẻ những nhiệm vụ và hành vi mới, vì nó đơn giản hơn phản hồi tiêu cực; phản hồi tiêu cực đòi hỏi việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm phức tạp hơn.
Vì lý do này, “Ghi nhận mỗi khi trẻ làm tốt việc gì đó” là một trong những phương châm dạy con của tôi.
3. Lời khen củng cố (và xoa dịu) các mối quan hệ. Khen ngợi nói lên sự tôn trọng. Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tôn trọng. Đơn giản vậy thôi.
Lời khen cũng có thể giúp làm tan biến thái độ lạnh lùng giữa bạn và người đối lập với mình. Như những gì chúng ta sẽ thảo luận, việc khen ngợi đòi hỏi một chút khiêm nhường, và điều đó cũng cho người tiếp nhận biết dù không thích họ ở những điểm khác, ít ra bạn có thể thừa nhận mình ngưỡng mộ một phẩm chất nào đó của họ. Sự mở lòng nho nhỏ đó thường có thể biến mối quan hệ xa cách thành mối quan hệ tốt, thậm chí là trở thành tình bạn thân thiết.
4. Lời khen thu hút người khác và mở rộng tầm ảnh hưởng của ta. Mọi người thích quanh mình là những người khiến mình thoải mái, và không gì làm cho một người hài lòng với bản thân mình hơn một lời khen sâu sắc. Nếu muốn kết giao thêm bạn bè hoặc tăng sức ảnh hưởng với các đồng nghiệp, hãy cố gắng “ghi nhận khi họ làm tốt việc gì đó” (cách này hiệu quả với mọi người!), và rồi khen ngợi họ về điều đó.
5. Khen ngợi giúp bạn bớt hoài nghi. Theo những lời nhận xét sáng suốt của William George Jordan, “Ta quá tập trung vào một số người xấu khi để những sai trái của họ làm tê liệt niềm tin của ta vào con người. ‘Mọi người đều vô ơn bạc nghĩa’ là lời nói dối của những kẻ yếm thế, ‘mọi người đều toan tính’ là lời nói dối tiếp theo. Ta phải tin tưởng con người nếu muốn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở họ. Người cho rằng nhân loại đều xấu xa chính là kẻ bi quan, họ ‘suy bụng ta ra bụng người’; họ nhìn vào trái tim của mình mà nghĩ mình đang nhìn thế giới.”
Chút nữa chúng ta sẽ thảo luận về những lý do vì sao con người có xu hướng chú ý đến những điều tiêu cực. Khi bắt đầu tìm lý do để khen ngợi, bạn nhạy cảm hơn trong việc chú ý đến những điều tốt đẹp – mặt tích cực, đáng ngưỡng mộ mà mọi người làm mỗi ngày.
Những lý do bạn thường kiệm lời khen
1. Bộ não của chúng ta được thiết kế để tập trung vào điều tiêu cực. Não người được thiết kế với một định kiến tiêu cực — ta chú ý hơn và tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực thay vì tích cực. Về mặt tiến hóa, đây là điều hoàn toàn hợp lý. Sự nhạy cảm gia tăng đối với những trải nghiệm tiêu cực giúp tổ tiên ta an toàn trước những nguy hiểm đe dọa tính mạng. “Rồi, vậy là hổ nanh kiếm thích khi bạn giật đuôi nó.”
Không may, chính định kiến giúp ta an toàn trước hiểm nguy lại thường ngăn ta nhận ra những điều tốt đẹp và đáng được khen ngợi của những người xung quanh. Ta sẽ nhận ra và lên tiếng khi bồi bàn đem lên nhầm món, nhưng khi họ phục vụ cực tốt thì hầu như ta không ghi nhận, và nếu có thì cũng hiếm khi ta nói cho họ biết.
Bước đầu tiên để trở thành người biết khen ngợi nhiều hơn đơn giản là nhận thức được thành kiến tiêu cực của mình. Hãy hiểu rằng bộ não luôn lục tìm điều gì đó để kêu ca phàn nàn, vì thế hãy nỗ lực vượt qua thành kiến đó bằng cách tìm kiếm những điều tốt đẹp – thường ở ngay trước mắt bạn.
2. Bạn chỉ quan tâm đến mình. Dù cho rằng mình vì người khác đến mức nào, tất cả chúng ta đều chú trọng đến bản thân ở các mức độ khác nhau. Ta thường quan tâm đến biểu hiện và hành vi của bản thân nhiều hơn, và không để ý đến biểu hiện và hành vi của những người khác. Sự vị kỷ bẩm sinh này lý giải vì sao ta nghĩ mọi người chú ý đến việc ta cảm thấy hồi hộp ra sao khi trình bày bài diễn thuyết quan trọng. Vì ta chú ý đến cảm xúc của mình quá nhiều, nên ta đinh ninh những người khác cũng thế. Không đâu – họ cũng chìm đắm trong những suy nghĩ và hành vi của chính họ giống bạn thôi!
Sự vị kỷ bẩm sinh có thể khiến ta không thật sự chú ý và lắng nghe người khác – nó khiến ta bỏ lỡ những cơ hội đưa ra lời khen. Đừng tập trung vào bản thân đến mức bỏ lỡ những điều tốt đẹp mà những người xung quanh đang làm.
3. Bạn xem mọi thứ như một cuộc thi. Khen ngợi là cách bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ của bạn dành cho người nào đó. Đối với nhiều người, việc đưa ra lời khen giống như đưa ra lời thú nhận rằng mình kém cỏi còn đối phương thì giỏi hơn. Những người này xem mọi thứ trong cuộc sống như cuộc thi và không muốn cho người khác thêm điểm nào từ lời khen.
Tuy nhiên, nếu có người giỏi hơn bạn ở khía cạnh nào đó trong cuộc sống, việc giấu đi lời khen thậm chí sẽ không giúp bạn ghi điểm. Trên thực tế, có thể đối phương còn không biết đó là điểm cộng. Thành công không phải là một cuộc thi đấu tính điểm. Có nhiều thứ khác trong đó — vì thế hãy ngừng hành động nhỏ nhen này lại.
Trên thực tế, người giỏi hơn chính là người có khả năng tôn trọng phẩm chất tuyệt vời của người khác, và là người cố gắng xác định và chỉ ra những mặt mà họ muốn cải thiện. Việc quan sát và ghi nhận những việc người khác đang làm mà bạn cũng muốn làm là cách tuyệt vời để tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự cải thiện này. Và hành động khéo léo khen ngợi người có thể dẫn đến con đường tiến bộ nhanh nhất – tìm được một người thầy. “Tôi thật sự rất thích bài thuyết trình hôm nay của anh. Làm thế nào mà anh có thể trình bày trước đám đông thoải mái như thế?”
4. Bạn rụt rè. Nếu một việc đơn giản là lên tiếng “chào hỏi” ai đó khiến bạn rùng mình sợ hãi, thì đưa ra một lời khen ngợi có thể làm bạn hoảng sợ tột độ. Ừ, có thể bạn không hoảng sợ, nhưng lòng bàn tay bạn thì đầy mồ hôi. Nếu bạn rụt rè, thì khen ngợi là cách tuyệt vời nhất giúp bạn vượt qua chứng sợ hãi xã hội. Hầu hết mọi người đều thích được khen và hầu như không bao giờ tỏ ra lạnh nhạt trước một lời khen chân thành và giản dị. Đó cũng là cách tuyệt vời để khơi mào cuộc nói chuyện, nếu đó là điều làm bạn lo lắng. “Chiếc bàn này anh làm thật tuyệt. Anh đã bắt đầu nghề mộc như thế nào?”
5. Bạn không muốn mình trông như kẻ nịnh hót. Không ai muốn trở thành kẻ nịnh bợ. Nhưng đừng kiệm lời khen vì nỗi sợ bị dán nhãn này. Để tránh chuyện đó, bạn chỉ cần tuân theo vài nguyên tắc khi khen ngợi người khác, nhất là những người có vị thế cao hơn bạn. Trước tiên, hãy thành thật (ta sẽ nói thêm về điều này sau). Thứ hai, hãy thận trọng với lời khen. Đừng quá nồng nhiệt ca ngợi cấp trên/giáo viên của mình. Thứ ba, hãy khen khi không có ai xung quanh. Nếu các nghiên cứu xã hội học chính xác, cấp trên có thể thích nghe những lời khen đầy tình cảm của bạn; chính đồng nghiệp mới là người không thích điều đó – vì họ cho rằng nó nghĩa là bạn đang cố nâng cao vị thế của mình và hạ vị thế của họ. Hãy kín đáo khen những người có vị thế cao hơn.
6. Bạn đinh ninh họ biết rồi. Một lý do khác khiến đôi khi ta kiệm lời khen là ta tưởng mọi người đã biết những gì ta nghĩ về họ, hoặc có thể trước đây họ đã được khen ngợi về phẩm chất đó. Vâng, nếu đúng vậy thì khen họ lần nữa cũng chẳng hại gì. Nhưng nhiều khả năng là lời khen của bạn sẽ được hoan nghênh, “Thật không? Trước giờ chưa ai nói với tôi điều đó cả.” Hãy nhớ, đa số mọi người khá kiệm lời khen, nên lời khen của bạn có thể sẽ trở thành một bất ngờ vui sướng và được đón nhận nhiều nhất.
Ngoài ra, cho dù họ đã biết những gì bạn nghĩ về họ, thổ lộ những suy nghĩ đó thành lời nói là một việc rất có sức ảnh hưởng. Nó khiến một điều còn mơ hồ trở nên rõ ràng và có thật.
7. Bạn không biết nói gì. Nếu bạn tránh khen ngợi vì đơn giản bạn không biết nói gì, thì bạn thật may mắn! Chúng tôi sẽ cho bạn biết chính xác làm thế nào để đưa ra một lời khen hiệu quả trong phần tiếp theo. Không viện cớ này nữa nhé!
Làm Thế Nào Để Đưa Ra Lời Khen
1. Bắt đầu chú ý. Bước đầu tiên trong việc trở thành một người giỏi khen ngợi là nhận biết những cơ hội để đưa ra lời khen. Muốn vượt qua những thành kiến vị kỷ và tiêu cực, ta cần khơi gợi người thám tử bên trong mình bằng cách quan sát thường xuyên hơn và kỹ càng hơn. Hãy sống trong hiện tại khi tương tác với người khác và bạn sẽ dễ dàng nhận ra họ có nhiều điểm cho bạn khen ngợi.
2. Khen ngợi những điều nhỏ nhặt. Bạn không cần ngồi chờ đối phương đạt được thành quả lớn lao nào đó thì mới mở lời khen ngợi. Nếu nó là một thành quả rõ ràng, có thể trước đây họ đã được khen ngợi nhiều lần về nó rồi. Vì thế, hãy bày tỏ sự ngưỡng mộ của bạn đối với những điều nhỏ nhặt. Có thể những gì trông bình thường với bạn lại mang nhiều ý nghĩa với người khác. Ví như bạn thích chiếc áo vét của ai đó? Hãy cho họ biết! Bạn ấn tượng bởi chữ viết tay của một người? Hãy nói với họ.
Mặc dù những điều nhỏ nhặt là chất kết tinh nên những lời khen, nhưng hãy đảm bảo những điều đó gắn với đặc điểm hoặc năng lực đáng khen ngợi. Việc khen ngợi chiếc áo vét làm một người cảm thấy vui vẻ, vì điều đó nói lên họ có khiếu thẩm mỹ. Việc chú ý đến chữ viết tay của một người nghĩa là bạn đang khen ngợi tính kỷ luật và sự luyện tập của họ. Vì lý do này, những câu như “Tôi thích cách bạn ăn những hạt đậu,” hay “Bạn vuốt ve con mèo của mình thật tử tế” sẽ khiến đối phương bối rồi thay vì nở nụ cười.
3. Khen ngợi một cách cụ thể. Càng cụ thể càng tốt. Lời khen cụ thể biểu lộ sự chân thành. Khi bạn đưa ra lời khen cụ thể, điều đó cho thấy bạn thật sự chú ý đến đối phương.
Hơn nữa, nếu mục tiêu của bạn là khuyến khích sự thay đổi tích cực của một cá nhân, bạn càng khen cụ thể thì càng có nhiều khả năng người tiếp nhận sẽ tiếp tục duy trì hành vi tích cực đó. Lời khen cụ thể giúp họ nhận biết những gì họ đang làm đúng. Vì lý do này, những đứa trẻ lớn lên cùng những ông bố bà mẹ thường khen trẻ bằng những lời khen chung chung, “Con thật thông minh!” hay “Con thật đặc biệt!” có khuynh hướng cảm thấy mất phương hướng khi trưởng thành, vì trẻ không học được cách trau dồi tài năng và năng lực của mình.
4. Khen ngợi một cách chân thành. Những lời khen giả dối sẽ chẳng giúp bạn ghi điểm; thật vậy, nó còn phản tác dụng nữa. Nếu đối phương biết bạn đang nói dối, điều đó sẽ làm giảm niềm tin của họ đối với bạn và giảm giá trị những lời khen của bạn sau này.
Có thể bạn khen một người nào đó vì bạn đang cố thuyết phục họ hoặc cố bán cho họ thứ gì đó, nhưng nếu đó là lý do duy nhất bạn khen ngợi thì đối phương sẽ nhận ra ngay, và bạn sẽ bị từ chối thay vì được hoan nghênh. Đó có thể là một phần động cơ của bạn, nhưng bạn phải thật sự ngưỡng mộ đặc điểm mà mình khen ngợi để lời khen trở nên chân thành.
Việc nhấn mạnh tính chân thật cũng sẽ ngăn bạn khen ngợi quá thường xuyên – việc làm khiến lời khen của bạn có vẻ giả tạo.
Cuối cùng, những lời khen không chân thật sẽ sinh ra “biểu hiện tuyệt vọng” và tính thụ động. Khi một người được tưởng thưởng và khen ngợi về mọi việc mình làm, họ sẽ cho rằng sự quan tâm tích cực đó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình và không phụ thuộc vào việc mình có hành vi tốt đẹp hay thành công hay không. Điều này dần dần làm tiêu tan động lực thúc đẩy họ cố gắng và thử thách bản thân. Đây là điều đặc biệt quan trọng cần phải ghi nhớ khi bạn muốn khen ngợi con cái.
5. Tránh bỡn cợt. Bỡn cợt thậm chí còn không phải là một lời khen, mà là sự xúc phạm giả danh lời khen. Nó có thể là công cụ mà kiểu người gây hấn thụ động sử dụng để lén thể hiện thái độ xem thường. Tất cả chúng ta đều là đối tượng của những lời bỡn cợt vào lúc này hay lúc khác.
- “Bức vẽ của cậu đẹp thấy ghê.”
- “Nhìn cậu vậy mà thông minh đấy.”
- “Mình thật sự ấn tượng khi cậu làm được một công việc hơn 6 tháng.”
- “Nhìn cậu khá tươi tắn so với độ tuổi của mình.”
Cách tốt nhất để tránh bỡn cợt là không nên vội vã thêm bất kỳ từ bổ nghĩa nào vào lời khen. Nếu ai đó thuyết trình tốt, bạn chỉ cần nói, “Thật là một bài thuyết trình hay!” vậy thôi. Nếu họ không xứng đáng với lời khen, hãy đơn giản là không nói gì cả.
6. Giải thích những phẩm chất tuyệt vời của đối phương ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm lời lẽ để khen ngợi ai đó, bạn chỉ cần cho họ biết những phẩm chất tuyệt vời của họ đã tạo nên sự khác biệt, dù nhỏ bé thế nào, trong cuộc đời bạn – hãy kết hợp lời khen với sự cảm kích. “Nụ cười của bạn thật sự giúp ngày hôm nay của tôi tươi sáng!”, “Sự tỉ mỉ của anh thật sự giúp công việc của tôi dễ dàng hơn rất nhiều. Cảm ơn nhé!”. Và nhiều nữa.
7. Nói ra suy nghĩ của mình. Tôi cho rằng một phần lý do khiến ta thường kiệm lời khen không phải vì ta không có những ý nghĩ tốt đẹp hay không chú ý đến những điều ta ngưỡng mộ ở người khác, mà vì ta không mạnh dạn diễn đạt ý nghĩ đó thành lời. Chúng ta để nó trôi qua mà không nói ra. Điều này thường xảy ra trong các mối quan hệ lâu dài – bạn cảm thấy không nói ra cảm xúc của mình thì cũng chẳng sao. Nếu vợ/bạn gái của bạn ăn mặc đẹp để đi chơi tối, hãy cho cô ấy biết trông cô ấy dễ thương biết mấy, thay vì để cô ấy hỏi, “Trông em như thế nào?”
8. Khen ngợi ai đó trước mặt người khác. Một lời khen công khai càng có giá trị vì nó cho đối phương thấy bạn tự hào khi kết giao với họ và bạn không ngần ngại thể hiện sự ngưỡng mộ của mình với người khác.
9. Thuật lại “lời khen truyền tai”. Một trong những dạng lời khen mà tôi thích nhận đó là “lời khen truyền tai”. Đây là những lời khen mà người được khen ngợi chưa nghe được, nhưng sau đó bạn thuật lại cho người đó biết. Ví dụ, “Này James, bữa nọ tôi có nói chuyện với Andy về quan hệ cộng tác mới của cậu, và anh ấy liên tục nói về việc anh ấy chưa bao giờ cảm thấy thích làm việc với ai nhiều như với cậu, và anh ấy đánh giá rất cao những ý tưởng mới mà cậu đưa vào dự án.”
Bạn cũng có thể đưa ra những lời khen cho ai đó khi họ vắng mặt. Ví dụ, gần đây tôi có nói chuyện với anh trai mình về việc vận hành và theo dõi trang blog và tôi đã đề cập việc mình thật sự ngưỡng mộ tính kiên trì và sự bền bỉ của Kate trong việc hoàn thành bài viết có thời hạn gắt gao, cho dù điều đó có nghĩa là phải thức trắng đêm để viết bài. Khi trở về nhà, tôi đã nói với cô ấy về cuộc trò chuyện đó, và cô ấy cho biết điều đó thật sự rất có ý nghĩa.
Những lời khen truyền tai đặc biệt hơn vì nó cho đối phương biết bạn đánh giá rất cao phẩm chất đáng ngưỡng mộ của họ, thậm chí bạn còn nói với người khác về phẩm chất đó.
10. Đừng trì hoãn! Nếu bạn thấy muốn khen ngợi điều gì đó ở một người, hãy nói ra càng sớm càng tốt. Nếu chờ đợi quá lâu, có thể bạn sẽ quên. Việc này luôn xảy đến với tôi. Ví dụ, Chủ nhật vừa rồi tại nhà thờ, có một chàng trai diễn thuyết rất ấn tượng. Cậu trình bày rõ ràng, cuốn hút và sâu sắc. Tôi thầm nghĩ, “Tôi cần nói cho cậu bạn đó biết tôi rất thích bài nói chuyện của cậu,” nhưng khi buổi họp kết thúc, tôi bận nói chuyện với người khác và đã không có cơ hội đưa ra lời khen của mình.
Thử Thách Lời Khen
Trong tuần sau, hãy thử thách bản thân bằng cách mỗi ngày khen ngợi 5 người khác nhau:
- Một người thân yêu hoặc một người bạn. Khen ngợi là cách dễ dàng để củng cố mối quan hệ giữa bạn và những người thân yêu.
- Một đồng nghiệp. Hãy trở thành người nâng đỡ tinh thần người khác tại nơi làm việc bằng cách tìm kiếm cơ hội để khen ngợi đồng nghiệp.
- Một công ty mà bạn là khách hàng thân thiết. Đa số các công ty cả ngày chỉ nghe những lời phàn nàn. Rất ít người dành thời gian khen ngợi họ về dịch vụ tốt hay đã tạo ra một sản phẩm chất lượng.
- Một thanh thiếu niên. Những người trẻ tuổi cần được nuôi dưỡng và một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua lời khen sâu sắc từ một người lớn tuổi hơn. Bạn không biết rằng điều đó sẽ có ý nghĩa với họ đến mức nào đâu.
Một người lạ. Hãy khiến một người mà bạn mới gặp ngẫu nhiên cảm thấy vui vẻ bằng cách đưa ra một lời khen chân thành. Không cần phải nói điều gì lớn lao. Chỉ một câu đơn giản, “Tôi rất thích chiếc mũ của chị.”
Tác giả: Brett & Kate McKay
Nguồn: Artofmanliness
Theo: tamlyhoctoipham.com